Kỳ cuối: Đổi mới công nghệ, tái cơ cấu ngành nghề
Phú Yên là tỉnh nông nghiệp, với thế mạnh ở ba lĩnh vực lớn là nông - lâm - ngư nghiệp. Tận dụng lợi thế này, lực lượng trí thức hoạt động trong doanh nghiệp ở Phú Yên luôn năng động, sáng tạo và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hoàng Long Vina, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc và Công ty TNHH Bảo Châu Phú Yên là những doanh nghiệp đi đầu về đổi mới toàn diện, góp phần xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng đầu tư công nghệ
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hoàng Long Vina là một trong ba doanh nghiệp KH-CN trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đầu tư công nghệ và xây dựng dây chuyền sản xuất phân bón NPK một hạt chất lượng cao bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao quy mô công nghiệp. Trong quá trình hoạt động của mình, công ty luôn đồng hành cùng chương trình thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu, góp phần nâng cao năng suất lúa, mía, tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina, cho biết: Thực hiện xây dựng NTM, công ty chú trọng đào tạo, phát huy nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, thực hiện nhiều đề tài ứng dụng nông nghiệp hiệu quả. Cụ thể như đề tài “Nghiên cứu sản xuất phân phức hợp NPK GANAA 15-5-18+TE chất lượng cao tại Phú Yên phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững”, được Sở KH-CN xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN không sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là đề tài về sản phẩm phân NPK có bổ sung các chất tăng trưởng naphthalene Acetic Acid (NAA - có khả năng thúc đẩy bộ rễ cây trồng phát triển mạnh mẽ, tăng sức đề kháng và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây) và chế phẩm gibberellin acid (GA - kích thích sự sinh trưởng của cây để tăng sản lượng, kích thích ra hoa nhanh, hạn chế rụng hoa… ), còn sản phẩm NPK 20-10-10+3S+TE để tăng năng suất cây trồng. Đây là chương trình thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, mô hình trình diễn nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, góp phần nâng cao năng suất lúa, mía, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Ông Đoàn Đắc Siêng ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tham gia mô hình với 16.000m2 trồng mía. Ông Siêng cho hay: “Lần đầu tiên áp dụng mô hình cánh đồng mẫu mía sử dụng cơ giới hóa, tôi thấy rất thuận lợi cho việc chăm sóc, làm cỏ, tiết kiệm được chi phí lao động. Nhờ sử dụng phân bón của Hoàng Long Vina, cây mía phát triển tốt, to khỏe, không bị sâu bệnh và năng suất cao hơn so với đối chứng”.
Phát triển bền vững
Theo báo cáo kết quả 10 năm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, nguồn huy động cộng đồng từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác giai đoạn 2015-2020 đóng góp được gần 5.773 tỉ đồng, tăng 63% so với giai đoạn 2010-2015. Trong đó, nguồn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cao hơn nguồn lực huy động của người dân. |
Trên tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, nhìn về phía biển sẽ thấy một tấm bảng hướng dẫn vào Khu ương nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Phía sau là khu ương nuôi kiểu mẫu, cho ra đời những mẻ tôm giống, tôm thương phẩm chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế. Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc cho biết: Cơ sở nuôi tôm Đắc Lộc hình thành từ năm 1997, đến năm 2006 phát triển thành doanh nghiệp chuyên sản xuất giống thủy sản; nuôi trồng, mua bán và vận chuyển thủy hải sản...
Đắc Lộc đã từng bước đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao, nhờ vậy gặt hái nhiều thắng lợi. Sản phẩm của công ty được người nuôi trồng thủy sản tín nhiệm. Thủy sản Đắc Lộc là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu với các giống thủy sản chủ yếu như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá chẽm... và nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ để chủ động nguồn cung cấp giống bố mẹ cho người nuôi tôm.
Trong năm 2019, doanh nghiệp này đã triển khai một loạt dự án nuôi thủy sản công nghệ cao quy mô, được các bộ NN-PTNT và KH-CN chấp thuận. Đắc Lộc cũng đã xây dựng bộ quy tắc công nghệ tiên tiến và ứng dụng, chuyển giao cho 14 tỉnh, thành phố ven biển khu vực miền Trung - những nơi có nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị và Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai dự án nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công ty tiến tới thành lập chi nhánh tại Quảng Trị; xây dựng trại sản xuất tôm giống, mô hình nuôi tôm theo hướng thâm canh công nghệ cao, đào tạo nhân lực, xây dựng nhà máy chế biến tôm... Đắc Lộc là một trong những đơn vị có thành tích toàn diện trên các mặt hoạt động, đã nhận được những giải thưởng danh giá, sánh ngang cùng các thương hiệu quốc gia và uy tín toàn cầu.
Vươn tầm thế giới
Năm 2010, Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên chính thức đi vào hoạt động, trước đó công ty đã phát triển vùng nguyên liệu trồng rừng. Từ hơn 3.500ha rừng nghèo, bạc màu trên địa bàn các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu, đến nay những nơi này đã là các cánh rừng keo ngút ngàn. Trong đó, gần 2.000ha bắt đầu cho khai thác, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu được xây dựng tại KCN Đông Bắc Sông Cầu và KCN An Phú.
Là đơn vị tiên phong của tỉnh trong phát triển trồng rừng kinh tế theo hướng bền vững, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên đang tiếp tục chiến lược đến năm 2020, nâng diện tích rừng trồng lên 5.000ha theo quy hoạch phát triển rừng của tỉnh. Đạt được kết quả này là nhờ công ty luôn chú trọng đào tạo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, họ là những trí thức luôn tâm huyết xây dựng quê hương.
Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên cho biết: Công ty đã hợp tác với các tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong và ngoài nước như Trường đại học Kinh tế quốc dân, Công ty Bureau Veritas (thuộc tổ chức ASSIST), Đại học Quốc gia Kangwon và Đại học Dong Seo (Hàn Quốc)... để tiếp cận, chủ động nắm bắt công nghệ hiện đại nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Hiện sản phẩm dăm gỗ của Bảo Châu được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đang hướng tới các thị trường khó tính hơn như Bắc Mỹ, châu Âu, hứa hẹn mang lại những giá trị lớn gấp nhiều lần so với trước đây.
Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, lực lượng trí thức hoạt động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với khả năng của từng đơn vị. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hoàng Long Vina, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc và Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên đã có những quyết sách táo bạo, đổi mới toàn diện từ con người, cách quản lý đến cách nghĩ và cách làm..., góp phần hiệu quả trong xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khẳng định: Sau 10 năm triển khai, công cuộc xây dựng NTM ở Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, an ninh - quốc phòng giữ vững, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng cơ giới hóa, công nghiệp hóa, kinh tế - xã hội phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập của người dân tại khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện, nâng lên. Kết quả này có sự đóng góp của đội ngũ trí thức Phú Yên.
Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng còn không ít khó khăn thách thức, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò, vị trí và sự tham gia của đội ngũ trí thức Phú Yên là sự đóng góp to lớn, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
THÙY TRANG