Nhờ sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, qua gần 5 năm công nhận nông thôn mới, diện mạo xã Ea Ly không ngừng thay đổi, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, thu nhập bình quân đầu người tăng cao…
Ea Ly là xã vùng núi thuộc huyện Sông Hinh, cách trung tâm huyện lỵ gần 15km về hướng tây nam. Toàn xã có 6 thôn, buôn với 1.605 hộ, 5.880 nhân khẩu, gồm dân tộc Kinh, Ê Đê, Tày, Nùng... Sau khi chia tách từ xã Ea Bar (tháng 8/2003), đặc biệt từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Ea Ly đã tạo nên diện mạo một thị tứ miền núi ở “cửa ngõ” đi Tây Nguyên.
Đi lên từ vùng đất hoang sơ
Trước đây, Ea Ly là vùng đất hoang sơ, địa hình phức tạp, ít người sinh sống, đi lại khó khăn…Với vị trí giáp thôn Đắc Phú, xã Cư Prao, huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk, Ea Ly được ví như “phên giậu” phía tây của huyện Sông Hinh.
Ông Chu Văn Hảo, Trưởng thôn Tân Lập, xã Ea Ly, người có mặt từ ngày đầu thành lập thôn, kể lại: “Trước khi huyện Sông Hinh thành lập năm 1985, vùng đất phía tây của huyện chỉ có xã Ea Bá, sau đó thành lập xã Ea Bar và tiếp theo là xã Ea Ly (ngày 15/10/2003), lúc này chỉ có khoảng vài chục hộ người Ê Đê bản địa sinh sống. Một thời gian sau mới có dân di cư từ miền núi phía bắc vào lập nghiệp, dần dần hình thành những làng xóm mới của đồng bào người Dao, Tày, Nùng. Năm 1993 triển khai dự án Kinh tế mới Tân Lập thì mới tổ chức lại cuộc sống định canh định cư cho dân di cư; xây dựng công trình hạ tầng giao thông nội vùng, trường học, giếng nước, trạm y tế. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cũng đã giúp dân hòa nhập với vùng đất mới”.
Trung tâm xã Ea Ly nằm trên tuyến ĐT645 (nay là quốc lộ 29) có dáng dấp của một thị tứ vùng núi phía tây huyện Sông Hinh, với những ngôi nhà xây khang trang, xen lẫn những ngôi nhà cao tầng cùng nhiều đại lý buôn bán, chợ Ea Ly nhộn nhịp từ sáng đến trưa… Hệ thống giao thông qua hồ thủy điện K’Rông Năng tạo sự thông thương thuận lợi đã thu hút người dân khắp nơi đến vùng đất này trao đổi hàng hóa, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh… tạo cú hích phát triển kinh tế hộ. Đơn cử như gia đình ông Trương Trung Thoại ở thôn 2/4; ông Nguyễn Văn Út ở thôn Tân Yên; ông Nguyễn Đình Sao ở thôn Tân Lập; ông Bàn Nguyên Thành ở thôn Tân Bình, Triệu Văn Lá ở thôn Tân Sơn…, đều bày tỏ lòng biết ơn Đảng và Nhà nước đã chăm lo, tạo điều kiện để họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có cuộc sống ổn định ở vùng đất mới.
Ông Bùi Văn Dự, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết: “Từ một vùng đất hoang sơ, diện mạo xã Ea Ly hôm nay khang trang là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của nhân dân, chính quyền địa phương, luôn quyết tâm vượt qua khó khăn, xây dựng xã giáp ranh ngày càng phát triển”.
Nông dân thôn Tân Lập, xã Ea Ly chăm sóc mía. Ảnh: Ảnh: H.H.THẾ |
Khởi sắc từ chương trình nông thôn mới
Về Ea Ly những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự sầm uất của một xã thành công trong xây dựng NTM. Đó là hình ảnh những con đường bê tông liên thôn rộng thoáng, nhà cửa khang trang, những đồi mía sắn xanh tươi, những trường học đạt chuẩn, phòng khám khu vực đặt tại xã có bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng viên trực thường xuyên. Khác xa với những năm trước đây, khi bắt tay xây dựng NTM, Ea Ly có xuất phát điểm rất thấp. Các chỉ tiêu về kinh tế, hạ tầng thấp, việc huy động nguồn lực đóng góp từ nhân dân gặp nhiều khó khăn do tỉ lệ hộ nghèo cao, tình hình an ninh trật tự phức tạp…
Bà Nguyễn Thị Minh Sương, Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết: Với xuất phát điểm thấp, khi xây dựng NTM, xã gặp khó “từ trong ra ngoài”. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai, xã đã đẩy mạnh vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, thực hiện mô hình đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời, xã chú trọng chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật. “Ngoài ra, xã khuyến khích bà con đầu tư vốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều người vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho người dân địa phương”, bà Nguyễn Thị Minh Sương cho biết thêm.
Hiện xã Ea Ly có trên 3.600ha đất sản xuất cây trồng và đàn bò gần 4.500 con, heo 2.150 con, gia cầm các loại khoảng 20.500 con. Những năm gần đây, người dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích các cây công nghiệp dài ngày; năng suất các loại cây trồng khá cao như lúa đạt bình quân 6 tấn/ha/vụ, mía trên 60 tấn/ha, sắn 24tấn/ha. Thu nhập bình quân đầu người trên 38 triệu đồng trong năm 2019.
Xã Ea Ly là điểm sáng trong xây dựng NTM của huyện. Là xã có địa hình giáp ranh với tỉnh bạn, tuy có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng đã nỗ lực khắc phục; đồng thời, lãnh đạo huyện luôn quan tâm chỉ đạo xã Ea Ly tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng NTM nâng cao.
Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh |
HOÀNG HÀ THẾ