Cho đi là còn mãi. Các bạn trẻ đã làm sứ giả, làm cầu nối mang yêu thương đến mọi miền. Công việc tiếp nối công việc, chương trình thiện nguyện này tiếp nối chương trình kia… Với sự năng động, sáng tạo và tình thương dành cho những mảnh đời kém may mắn, các bạn có nhiều mô hình kết nối các nhà hảo tâm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Những hành trình nhân ái
Mỗi sáng, 100 ổ bánh mì nóng giòn được đựng trong tủ sạch sẽ nhanh chóng đến tay những người có nhu cầu tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân. Nuôi chồng nằm viện hơn nửa tháng nay, bà Lê Thị Hồng (xã Xuân Quang 1) đã quen với món quà giản dị này. Bà kể: “Sáng sớm, ông nhà tôi được cấp cháo dinh dưỡng, còn tôi dùng ổ bánh mì này. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng, như được chia sẻ phần nào những khó khăn, lo lắng”. Nhìn mọi người đến nhận bánh, tôi cảm nhận được bữa sáng tuy đơn sơ nhưng đầy ắp tình người trao nhau.
Trong những lần tác nghiệp tại các nơi điều trị bệnh ở miền núi, Thoại Kỳ nhận thấy những bệnh nhân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có tiền đành phải nhịn ăn sáng. Anh về ấp ủ mô hình “Tủ bánh mì yêu thương” để phục vụ tại những nơi này. Vậy là trong năm nay, lần lượt tại các trung tâm y tế Đồng Xuân, Sơn Hòa rồi đến Sông Hinh có “Tủ bánh mì yêu thương”. Đều đặn mỗi sáng, tủ bánh luôn có 100 ổ để bệnh nhân đến nhận. Kinh phí cho mô hình này ban đầu do Thoại Kỳ vận động, rồi lan tỏa dần. Thoại Kỳ bảo: “CLB phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Huyện đoàn các địa phương làm tròn nghĩa cử này. Vui và ấm áp hơn khi hiện tại đều có các nhà hảo tâm đồng hành hàng tháng, để sớm mai mỗi ngày, bà con nơi đây đều có ổ bánh mì điểm tâm... Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt mô hình “Bếp cháo yêu thương”, phục vụ miễn phí bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân”.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, nguyên Chủ tịch LĐLĐ Phú Yên, cảm động: “Khó có lời nào đầy đủ để ghi nhận hết sự nhiệt huyết của bạn trẻ trong CLB tình nguyện Đom đóm Phú Yên. Nhóm bạn ấy rất dễ thương! Nơi nào có những mảnh đời khốn khó là các bạn có mặt, không kể ngày nắng, ngày mưa. Chỉ cần một cuộc gọi, một tin nhắn là các bạn ấy lên đường ngay. Vì vậy, tôi kêu gọi nhóm Tình thương của mình chung tay để các bạn có thêm sức mạnh, mang niềm vui đến mọi người, làm cầu nối cho nhà hảo tâm giúp những vùng quê nghèo, vùng núi xa xôi với các chương trình “Áo ấm mùa đông” cho trẻ em và người cao tuổi; chăm sóc người già neo đơn và trẻ mồ côi”. |
Lo cho người nghèo ở miền núi, các bạn trẻ không quên nghĩ đến những cảnh đời khó khăn ngay tại thành phố mình đang sống. Tháng 10/2018 vừa qua, tại số 10, đường Lê Lợi, TP Tuy Hòa, quán cơm miễn phí Tâm An ra đời trong sự vui mừng của các thành viên CLB. Người nghèo, thu nhập thấp có bữa ăn trưa miễn phí mỗi ngày; người có điều kiện thì đến ăn và mở lòng cùng những hoạt động ý nghĩa của quán qua thùng Gieo duyên. Theo lời Thoại Kỳ, trước khi mở quán phục vụ, tuy là miễn phí nhưng vì sợ ít khách, nhóm đã đi phát tờ rơi rồi đến tận các đại lý vé số ở TP Tuy Hòa để “tiếp thị”. Tiếng lành đồn xa, người người đến quán để ăn trưa như chính nhà mình vậy. Trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, 150 suất cơm đã được dùng hết. Cả người phục vụ lẫn người dùng đều cảm nhận sự ấm áp giữa cho và nhận. Vào những ngày rằm hay đầu tháng, biết nhiều người đến nên quán tăng suất ăn lên gấp đôi, gấp ba lần.
Bạn Trần Xuân Thắng, thành viên CLB cũng là bếp trưởng của quán luôn thay đổi thực đơn trong tuần với rau củ quả tươi xanh, an toàn cho sức khỏe... Khách đến quán thường là các em học sinh, những người bán vé số, ve chai, người già, người tàn tật... Ai cũng vui khi được dùng cơm miễn phí mỗi trưa. Và vui hơn nữa, khi từ thùng Gieo duyên nho nhỏ đặt giữa quán, hàng tháng, nhiều người nghèo được giúp đỡ, được nhận gạo...
Người góp công, người góp măng, đu đủ, rau sạch từ trang trại, người góp gạo… đã làm nên hàng chục ngàn suất cơm yêu thương. Và con số này tiếp tục tăng, tăng mãi.
Nghe ở đâu có người nghèo, người già sống neo đơn, bệnh tật, không ai chăm sóc, hay có người mắc bệnh tâm thần, xóm giềng xa lánh... là các bạn đến với họ. Bởi họ cần được yêu thương, cần được sẻ chia khi khốn khó. Bạn Văn Thị Út Mi, Phó Chủ nhiệm CLB tình nguyện Đom Đóm Phú Yên, thổ lộ: Chúng tôi rất muốn được giúp đỡ thật nhiều hoàn cảnh, luôn động viên nhau làm việc vì cộng đồng và tự nhủ “cho đi là hạnh phúc”.
Các bạn tổ chức “Bữa cơm yêu thương” ấm áp cho người nghèo, người già neo đơn; “Sinh nhật yêu thương” bất ngờ cho các em học sinh nghèo mồ côi; “Chuyến xe nhân ái” du lịch miễn phí cho trẻ em ở những xã đặc biệt khó khăn; “Hoa yêu thương” tặng đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa giúp họ đón Tết cổ truyền vui hơn...
Lo đến sinh mạng của bao người ở vùng lũ, các bạn có chương trình “Áo phao yêu thương”. Lê Thoại Kỳ chia sẻ: “Xuất phát từ thực trạng năm nào ở Phú Yên cũng có người mất vì đuối nước trong mùa bão lụt, từ năm 2017, tôi đã vận động được hàng ngàn áo phao cứu sinh để trang bị cho bà con ở các xã thường xuyên ngập lụt trên địa bàn tỉnh như: Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), An Định, An Nghiệp, An Dân (huyện Tuy An), Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa)..., góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người”.
Rồi thật tinh tế và ấm áp khi chương trình “Những bông hoa nghị lực sống” ra mắt. Chương trình này được thực hiện 4 năm nay, ý tưởng bắt nguồn từ việc tặng quà cho phụ nữ trong Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Các bạn bí mật thực hiện điều ước của những người mẹ nghèo, lam lũ vì con mà lâu nay chưa một lần được tôn vinh. Các bạn hóa trang họ thành những phụ nữ lộng lẫy trên sân khấu, được người nhà bất ngờ đến tặng hoa, tặng quà. Nhiều phụ nữ nghèo đã rơi nước mắt vì hạnh phúc, còn những người thực hiện chương trình thì rưng rưng cảm động.
Ấm lòng người ra đi
Cuộc sống vô thường. Mỗi ngày trôi qua, lại có thêm những người rời xa cõi tạm, trong đó có những mảnh đời quá nghèo. Lúc sống họ khó khăn chồng chất, thiếu thốn trăm bề và lúc nhắm mắt ra đi cũng không có quan tài để an nghỉ.
Nghĩa tử là nghĩa tận. Từ ý nghĩa nhân văn ấy, hơn 2 tháng qua, các tình nguyện viên CLB thực hiện chương trình “Ấm lòng người ra đi”. Chương trình giúp những gia đình khó khăn, người già neo đơn kinh phí để mua quan tài mai táng với mức hỗ trợ từ 3-5 triệu đồng. Một người anh tên Thanh kết nối với Thoại Kỳ đề xuất ý tưởng nhân văn này và đã hỗ trợ trước mắt cho chương trình 30 triệu đồng để hoạt động.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) một mình nuôi mẹ già nằm một chỗ hơn 90 tuổi và con trai đang học đại học. Tháng trước, trong lúc phụ hồ, chị té từ tầng 3 xuống đất, tiếp đến bị đột quỵ và qua đời... Nghe tin, các tình nguyện viên tức tốc đến lo hỗ trợ mua quan tài, đồng thời kêu gọi giúp đỡ vì em Nguyễn Quang Hưng, con chị Oanh đang rất khó khăn trong việc học hành và phải chăm sóc ngoại già yếu.
Một trường hợp khác ở xóm núi thuộc thôn Phước Hậu, xã An Hiệp (huyện Tuy An), bà con ai cũng xót xa trước sự ra đi của ông Võ Văn Lộc, 50 tuổi. Nhà quá nghèo, vợ bị bệnh tâm thần, hai con thì ở xa vất vả mưu sinh, sau cơn mệt, ông Lộc ra đi mãi mãi... Từ 23 giờ khuya cho đến trưa hôm sau, trời lạnh, nơi triền núi heo hút, ông vẫn nằm đấy, cho đến khi các bạn trẻ đến tận nơi để trao tiền hỗ trợ mua quan tài. Hoặc trường hợp của anh Nguyễn Văn Thu, 33 tuổi ở xã An Hòa (huyện Tuy An) bị sét đánh chết rơi xuống biển trong khi đang bơi thúng chai. Nhà quá nghèo, đứa con duy nhất lại bị bại não, nên thi thể anh lạnh mà vẫn chưa có quan tài. Nhận tin, các bạn tình nguyện viên tức tốc đội gió mưa lên đường, hỗ trợ gia đình anh 5 triệu đồng để lo mai táng.
Cứ vậy, hễ nhận được tin báo có người ra đi trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thì dù xa tận nơi đâu, khó khăn bao nhiêu, các bạn cũng lặn lội tìm đến giúp đỡ gia đình họ.
Kỳ cuối: Sáng mãi tuổi thanh xuân
DƯƠNG THỦY - DƯƠNG TRÍ