Ngày bế giảng và trao bằng tốt nghiệp đại học Luật do Đại học Huế phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức, một cụ ông, tóc hoa râm, tay ôm cặp sách, có mặt từ rất sớm trong hội trường. Thoạt nhìn cứ ngỡ phụ huynh đến chung vui với các sinh viên trong ngày “hái quả” sau hơn 4 năm đèn sách, nhưng khi cụ ông diện bộ trang phục cử nhân lên nhận bằng tốt nghiệp, nhiều người ngỡ ngàng: thì ra đó là một tân cử nhân!
Hơn 40 năm trước, vì hoàn cảnh gia đình và chiến tranh nên ông Hoàng Tiến Mai (phường 3, TP Tuy Hòa) không thể học lên tiếp đại học. Ước mơ lấy được tấm bằng cử nhân cứ âm ỉ mãi trong lòng người thợ sửa xe đạp lành nghề suốt một thời thanh xuân. Để rồi, ở tuổi 70, trong trang phục cử nhân, ông Mai bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp đại học mà lòng rưng rưng…
Ông Hoàng Tiến Mai chia sẻ cảm xúc trong ngày nhận bằng cử nhân Luật - Ảnh: HÀ MY |
Giữ lấy ước mơ của đời người
Khi chúng tôi đến tiệm sửa xe đạp của ông Mai, dù đã hơn 17 giờ nhưng công việc vẫn còn bừa bộn. Lụi cụi lắp ráp chiếc xe đạp để sáng sớm mai kịp giao cho khách, ông Mai gạt giọt mồ hôi lăn dài trên má, nói: “Cái nghề này theo tôi từ thời trai trẻ. Cũng nhờ nó mà gia đình tôi có đồng vào đồng ra, nuôi bốn đứa con khôn lớn. Biết tôi ao ước học đại học từ lúc còn thanh niên nên bốn năm qua, bà nhà tôi tự xoay xở tiền chợ và sinh hoạt phí hàng ngày. Tiền sửa xe đạp, tôi dành để nộp tiền học phí và mua sách vở”.
Cuộc sống chưa bao giờ thôi khó khăn với gia đình của ông Mai, nhưng lúc nào, ông bà cũng lạc quan, vui vẻ. Ngay cả khi ông nhận giấy báo đậu đại học ở cái tuổi “gần đất xa trời” vào bốn năm trước, bà Trịnh Thị Lý, vợ ông cũng đồng tình, mà không hề phản đối. Bởi bà Lý biết rằng, đó là tâm nguyện từ thời trai trẻ của ông Mai. Song vì chiến tranh và hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha từ nhỏ nên năm 1970, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông phải bỏ dở ước mơ học lên cao.
Và không phải đến năm 2014, ông Mai mới có ý định học đại học. Từ lúc sinh đứa con đầu tiên, ông đã bày tỏ với người bạn đời của mình nguyện vọng được học lên cao. Sau đó, ba đứa con nữa lần lượt ra đời, công việc buôn bán không thuận lợi, nên nhiều lần, ông Mai phải tạm gác ước mơ học tiếp sang một bên, để lao vào cuộc mưu sinh, bươn chải nuôi các con ăn học. Bây giờ, khi con cái đã yên bề gia thất, có việc làm ổn định, điều kiện học đại học cũng cởi mở hơn, ước mơ học lên cao lại trỗi dậy trong ông…
“Tôi chọn học ngành Luật vì đây là một ngành bổ ích, giúp cho rất nhiều người, trong đó có tôi, biết sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Học với các sinh viên tầm tuổi con cháu mình, tôi không thấy tự ti, mặc cảm mà nghĩ rằng sự học là cần thiết, ở tuổi nào cũng cần học để mở mang kiến thức. Cho nên, được đi học, tôi cảm thấy rất vui và hầu như không vắng buổi nào”, ông Mai chia sẻ.
Trở lại trường học sau hơn 40 năm không đụng đến sách vở, nét chữ cũng trở nên cứng và đơ hơn vì lâu ngày không dùng đến, nhưng với niềm khát khao được mở mang kiến thức, ông Mai đã không ngừng nỗ lực. Trên lớp, ông chăm chú nghe thầy cô giáo giảng, chỗ nào không hiểu thì hỏi lại ngay. Vì lớn tuổi, độ nhạy của đầu óc cũng sụt giảm, nên để đối phó với chứng chậm nhớ, mau quên, ông đọc đi đọc lại bài giảng nhiều lần.
Vì yêu thích học tiếng Anh và tiếng Pháp nên ông thường ghi từ vựng ra một tờ giấy và để trong túi áo, lúc rảnh rỗi lại lấy ra xem. Cho nên, dù chỉ học tiếng Pháp từ thời phổ thông, nhưng bây giờ, ông Mai vẫn nhớ mặt chữ và có thể lấy sách đọc vanh vách từng từ.
Trong căn nhà trên đường Nguyễn Công Trứ (phường 3, TP Tuy Hòa), chiếc bàn học được bố trí ngay phòng khách, nơi hàng ngày ông Mai lắp ráp, sửa xe đạp cho khách. Những lúc làm mệt, ông lại nghỉ tay, uống chén trà, lấy sách luật ra đọc để giải khuây. Nếu có ai đó cho rằng ngành Luật khô cứng và bó buộc, ông sẽ phản bác ngay rằng đó là một ngành học hữu ích, thú vị.
Hơn 4 năm miệt mài, những nỗ lực của ông Mai đã được đền đáp bằng lễ tốt nghiệp vào trung tuần tháng 10 vừa qua khi ông cùng 64 sinh viên được nhận tấm bằng cử nhân Luật của Đại học Huế. Ông còn là một trong tám sinh viên được nhận bằng danh dự và được nhà trường tuyên dương, khen thưởng.
Đại diện cho các tân cử nhân phát biểu cảm xúc trong lễ nhận bằng, ông Mai nói: “Sinh thời, Bác Hồ dặn rằng: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân. Lời Bác dạy, càng trải nghiệm càng thấy thấm. Nhờ học đại học mà tôi được mở mang kiến thức về luật để xử lý những tình huống trong cuộc sống và tư vấn cho những người xung quanh. 4 năm qua có không ít khó khăn nhưng tôi luôn nhủ lòng đã theo đuổi thì phải luôn cố gắng”.
Nghề sửa xe đạp đã gắn bó với ông Mai hơn 40 năm qua - Ảnh: HÀ MY |
Lan tỏa nguồn cảm hứng về học tập suốt đời
4 năm qua, thấy ông Mai dù tuổi đã cao, nhưng vẫn ngày ngày cắp sách đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh học đại học, nhiều người quen thấy… “kỳ kỳ” vì hiếm ai ở cái tuổi “gần đất xa trời” lại xem việc đi học là thú vui.
Ngay trong lớp của ông Mai, hầu hết các sinh viên khác đi học vì yêu cầu của công việc nên sự hiện diện của ông Mai trong lớp khiến không ít người lấy làm tò mò. Nhưng với ông, một người thợ sửa xe đạp đam mê học hỏi, chuyện đi học lên cao là một điều rất bình thường. Ông xem việc này vừa để thực hiện nguyện vọng thời trai trẻ, vừa mở mang kiến thức, hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống, qua đó, làm gương cho con cháu nỗ lực học tập.
Cho nên, khi chúng tôi đề nghị viết bài về ông, ông không muốn nói nhiều về thành tích học tập trên lớp hay chuyện tuổi cao vượt khó đến trường mà muốn lan tỏa tinh thần học tập suốt đời trong mọi người, nhất là thế hệ trẻ.
Chị Nguyễn Thị Bích Trâm, bạn cùng lớp đại học với ông Mai, cho hay: “Lúc mới gặp chú, tôi rất bất ngờ, không nghĩ đó là bạn cùng lớp, mà tưởng là phụ huynh. Qua 4 năm học chung, tôi và nhiều anh chị trong lớp rất khâm phục thái độ học tập nghiêm túc, chăm chỉ của chú. Trong các tiết học, chú luôn là người phát biểu xây dựng bài nhiều nhất lớp, chủ động tìm tòi nhiều kiến thức hay để chia sẻ với mọi người. Ở tuổi của chú mà vẫn ham thích học hỏi, là tấm gương cho lớp trẻ như tôi noi theo”.
Nói về người cha ham học hỏi của mình, chị Hoàng Thị Anh Đào, cán bộ phòng một cửa UBND phường 3, TP Tuy Hòa, chia sẻ: “Hơn 40 năm qua, ba tôi chưa bao giờ thôi mơ ước về việc học đại học. Biết được nguyện vọng của ba tôi và nhận thấy đam mê ham học hỏi của ông nên gia đình tôi luôn động viên ba cố gắng. Không chỉ học Luật để bản thân hiểu và thực hiện, ông còn giải thích cho mọi người rõ về những vấn đề liên quan đến pháp luật, vận động mọi người sống và làm việc theo pháp luật”.
Trở lại với việc học khi tuổi đời đã ngấp nghé 70 là một trải nghiệm tuyệt vời với ông Mai. Vì vậy, sau khi nhận tấm bằng cử nhân, cụ ông quê gốc ở Hà Nội này tiếp tục ấp ủ dự định học lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư trong 24 tháng. Ngoài học để làm giàu kiến thức cho bản thân, ông Mai còn động viên con cháu và những người xung quanh cùng đi học để mở mang tri thức. Bên cạnh đó, ông còn cùng vợ tham gia các chương trình thiện nguyện. Ông thu mua xe đạp cũ, lắp ráp lại mới, bán giá gốc mà không lấy tiền công để tặng học sinh nghèo với mong muốn phát triển phong trào khuyến học trong cộng đồng.
Chuyện học đại học, thạc sĩ ở cái tuổi thất thập cổ lai hy những năm gần đây không phải là hiếm. Điều này cho thấy sự học là vô hạn và ở tuổi nào cũng cần phải học để mở mang kiến thức và hoàn thiện bản thân. Câu chuyện học đại học của ông Mai có một sức lan tỏa rất lớn bởi ông học vì thấy mình cần và để thực hiện mơ ước ấp ủ hơn 40 năm qua, học không phải vì yêu cầu của công việc hay bằng cấp. Sự ham học hỏi của ông Mai là tấm gương sáng, mang lại nguồn cảm hứng về học tập suốt đời cho mọi người. Mong rằng từ câu chuyện của ông Mai, mỗi người sẽ tìm ra được giá trị của việc nuôi dưỡng ước mơ và tìm cách thực hiện nó, cũng như không ngừng học tập để làm giàu cho bản thân và góp phần xây dựng xã hội học tập.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lê Văn Hữu |
HÀ MY