Giống như loài hoa mà mình mang tên, Nguyễn Thủy Tiên ở thôn Phong Thái, xã An Lĩnh (huyện Tuy An) tuy mắc bệnh bại liệt nhưng vẫn luôn cố gắng vượt lên nghịch cảnh để sống và tạo động lực cho chính mình bằng những vần thơ. Có thể nói, tấm lòng của người mẹ và tình yêu thi ca đã giúp Thủy Tiên tái sinh.
Những cơn đau và chuỗi ngày tăm tối
Cách TP Tuy Hòa khoảng 45km về phía tây bắc, xã An Lĩnh đồi núi nhấp nhô. Màu của đất trời, cây lá hòa quyện, ánh lên trong buổi sớm mai miền sơn cước.
Trong căn nhà nhỏ tại thôn Phong Thái, Thủy Tiên nằm bất động trên chiếc giường được đặt bên cửa sổ. Thân hình nhỏ xíu, chân tay teo tóp, co rút nhưng gương mặt Thủy Tiên vẫn sáng, đôi mắt lấp lánh niềm tin. Cô gái tật nguyền nở nụ cười tỏa nắng chào khách xa.
Thủy Tiên cởi mở tâm tình, cô mồ côi cha từ năm 7 tuổi; mẹ là thương binh 3/4. Là con út trong gia đình có 5 anh em, Thủy Tiên sống trong sự yêu thương và đùm bọc của gia đình. Rồi bất ngờ bệnh tật xuất hiện. Sốt cao - hai từ nghe đơn giản vậy thôi nhưng lại đau đớn đến tột cùng khi cướp đi của Thủy Tiên quá nhiều thứ.
Năm ấy, cô bé Thủy Tiên bước vào Trường THCS Nguyễn Hoa (nay là Trường tiểu học và THCS Nguyễn Hoa). Học được một năm, Thủy Tiên bị sốt cao kéo dài. Cơ thể Thủy Tiên cứ teo dần, chân tay co quắp, đi lại khó khăn. Cả năm học lớp 7, Thủy Tiên ở bệnh viện nhiều hơn ở trường. Từ một cô bé xinh xắn, khỏe mạnh và vui tươi bỗng dưng không đi đứng được, Thủy Tiên ngày càng gầy gò, yếu ớt.
Bà Nguyễn Thị Nguột, mẹ Thủy Tiên, không ít lần nghẹn ngào khi nhớ về hành trình ròng rã cùng con đi chữa bệnh: “Chúng tôi đưa con đi khám và điều trị ở Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An rồi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng không có kết quả. Cứ hết thuốc là Tiên lại phát sốt. Gia đình đã khó khăn càng khó khăn gấp bội, nhưng thấy con đau đớn vì bệnh tật nên tôi chạy vạy khắp nơi tìm cách chữa cho con. Hễ ai mách chỗ nào có thuốc hay, thầy giỏi là gia đình lại ngược xuôi tìm đến tận nơi xin chữa trị. Vậy mà bệnh của Tiên không hề thuyên giảm. Tôi đành gạt nước mắt ôm con về”.
Khi Thủy Tiên lên lớp 9, căn bệnh quái ác làm cơ thể cô bị tê liệt hoàn toàn, phải bỏ dở việc học hành. Những cơn co rút cứ diễn ra liên tục khiến Thủy Tiên đau đến mức chết đi sống lại, nước mắt ròng ròng... Mọi sinh hoạt thường ngày đều trở nên khó khăn. Dần dần, thế giới của Thủy Tiên thu hẹp trên chiếc giường nhỏ; mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân. Thủy Tiên nói, cuộc sống với cô lúc ấy là chuỗi ngày tăm tối, bế tắc. “Thi thoảng, những cơn co rút thuyên giảm, nhìn bạn bè cùng trang lứa đùa vui cắp sách đến trường mỗi ngày, tôi lại nghĩ tới ước mơ được làm cô giáo mà càng cảm thấy tủi thân, mặc cảm. Những lúc như vậy, nước mắt cứ ùa ra”, Thủy Tiên tâm sự.
Sau 3 năm “sống chung” với những cơn đau triền miên, Thủy Tiên bắt đầu tập quen dần với cuộc sống của người tật nguyền. Rồi khi cháu trai (gọi Thủy Tiên bằng dì) sống cùng nhà lớn dần cũng là lúc những cơn đau không còn giày vò cô thường xuyên như lúc trước, và Tiên dành hết thời gian để chỉ dạy cháu học. Công việc này đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Thủy Tiên.
Viết nên câu chuyện cuộc đời theo cách riêng
Thương con, gia đình đã mua cho Thủy Tiên một chiếc điện thoại để cô gái trẻ “bầu bạn” cho đỡ buồn những khi nằm ở nhà một mình. Thủy Tiên bắt đầu cặm cụi gõ từng dòng tâm sự đăng trên trang facebook cá nhân. Tiên nói, để viết được những dòng tâm sự ấy, cô đã phải cố gắng tập giữ chặt điện thoại bằng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay trái rồi dùng ngón út của bàn tay phải gõ từng ký tự. Lúc đầu, gõ được một chút là ngón tay đau nhức. Sau đó, Thủy Tiên dần quen với việc này.
Bà Nguyễn Thị Nguột, mẹ Thủy Tiên tự hào giới thiệu về tập thơ “Triền sống” của cô con gái tật nguyền với nhà hảo tâm - Ảnh: THIÊN LÝ |
Khó khăn là vậy, chẳng ai nghĩ rằng sẽ có một ngày Thủy Tiên làm thơ và rồi có cả một tập thơ! Những dòng chia sẻ của cô đã lọt vào “mắt xanh” của một người xa lạ. Người này xướng thì người kia họa, đối đáp ăn ý với nhau. Sau khi biết được hoàn cảnh ngặt nghèo của Thủy Tiên, anh đã gửi tặng cô gái mà mình xem như em một chiếc điện thoại cảm ứng, để giúp Tiên có thể kết nối với nhiều bạn bè hơn.
Thủy Tiên chia sẻ: “Tôi bắt đầu làm thơ từ hơn 4 năm trước. Lúc đó, tôi tham gia một hội thơ, được quen biết và được đọc thơ của nhiều người nên ngày càng đam mê. Song để hoàn thiện những vần thơ của mình, tôi phải tìm hiểu cách gieo vần, niêm luật. Những việc đó làm cho tôi trở nên vui vẻ, yêu cuộc sống hơn và quyết tâm vươn lên”.
Mưa sao băng - tập thơ đầu tay của Nguyễn Thủy Tiên do NXB Hội Nhà văn xuất bản vào cuối năm 2015. Lúc đó, Thủy Tiên vừa tròn 24 tuổi. 51 bài thơ trong tập Mưa sao băng được chọn từ những bài thơ song thất lục bát viết về quê hương, tình bạn trong sáng, những khao khát yêu thương… của cô gái có số phận kém may mắn. Từ đó, Thủy Tiên được nhiều người trong hội thơ trên facebook yêu mến gọi là “công chúa thơ”. Những bài thơ do Thủy Tiên sáng tác và chia sẻ trên trang facebook cá nhân đã nhận được sự đồng cảm từ nhiều người bạn trên khắp đất nước. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của Thủy Tiên, Hội thiện nguyện Trái tim yêu (Thanh Hóa) đã kết nối, huy động được 100 triệu đồng từ những tấm lòng nhân ái để mua đất, xây dựng căn nhà nhỏ cho Thủy Tiên vào gần cuối năm 2015.
Ở những trang đầu của tập thơ Mưa sao băng, nhà thơ Trần Mai Hường (TP Hồ Chí Minh) viết: “Số phận đã không mỉm cười với chị ngay từ thuở ấu thơ khi chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Bệnh tật ngay từ nhỏ cùng hoàn cảnh gia đình đã gần như trở thành một rào cản chắn lối trên con đường đi tới tương lai. Nhưng có phải thế không? Cuộc sống có những con đường sáng riêng cho mỗi người. Hạnh phúc không bao giờ đóng kín với bất cứ ai. Có lẽ chính trong điều đặc biệt đó đã giúp Nguyễn Thủy Tiên có một năng lực khác: Năng lực nhìn ra những điều ẩn giấu trong những sự việc tưởng như bình thường, tưởng như yên lành. Khả năng ấy là động lực để đưa chị đến với thơ”.
Nhìn tôi bằng ánh mắt tràn đầy hy vọng, Thủy Tiên thổ lộ: “Ngày đến với thơ, tôi chỉ mong được chia sẻ buồn vui với những người bạn tri kỷ văn chương. Chẳng bao giờ tôi dám nghĩ tới chuyện sẽ ra mắt cuốn sách của riêng mình. Vì thế, cầm trên tay tập thơ Mưa sao băng mà lòng tôi dâng trào bao cảm xúc. Nước mắt hạnh phúc cứ thế lăn dài trên má. Đó thật sự là món quà vô cùng quý giá từ người ba nuôi ở TP Hồ Chí Minh đã hết lòng hỗ trợ kinh phí in ấn xuất bản sách cho tôi”.
Trong suốt quãng đường đã đi qua và cả sau này, mẹ thực sự là một người vĩ đại và đặc biệt quan trọng với Thủy Tiên. “Mẹ đã đồng hành với tôi trong những lúc tôi tuyệt vọng nhất. Tình yêu và sự hy sinh thầm lặng của mẹ đã giúp tôi vượt qua những tháng ngày tăm tối, những phút yếu lòng, những mặc cảm… để sống lạc quan, tự tin vào cuộc sống”, Thủy Tiên thổ lộ tình cảm về mẹ.
Chính tình cảm ấy là nguồn cảm xúc sáng tác, và Thủy Tiên gửi gắm sự biết ơn vô hạn của mình đối với mẹ trong tập thơ Triền sống: “Nghĩ về Mẹ lòng ngập tràn nghị lực/ Chẳng bao giờ con gục ngã khi đau/ Giữa biển đời người luôn ở phía sau/ Gom hạnh phúc ghép tròn câu! Yêu Mẹ” (Xuân bên Mẹ).
Trong lời giới thiệu, nhà thơ Trần Tộc viết: “Tập thơ Triền sống của tác giả Nguyễn Thủy Tiên - một người kém may mắn trong cuộc sống vì di chứng sốt cao bại liệt từ thuở ấu thơ, là một tập hợp thơ được viết bằng những cơn đau co rút từng sợi cơ gân, mong trả nghĩa cho người, cho đời! Khoan hãy bàn về chất lượng nghệ thuật hay giá trị sáng tạo mà tập thơ đã đem lại cho bạn đọc đậm hay nhạt, nhiều hay ít, thay vào đó ta hãy cùng thả hồn trải nghiệm, để chiêm ngưỡng tinh thần lạc quan, ngọn lửa đam mê lao động nghệ thuật của tác giả thể hiện trong từng tác phẩm với góc chiếu cuộc sống qua lăng kính tin yêu cháy bỏng vào ngày mai tươi sáng”.
Có một tâm hồn trong sáng, lạc quan yêu đời song Thủy Tiên cũng rất chín chắn. Thủy Tiên đã gửi gắm ước mơ, thổ lộ tình cảm được giấu kín hoặc bộc bạch niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi của những người yêu nhau trong tập thơ tình Giấc huyền linh. Đọc kỹ thơ của Thủy Tiên, Trần Xuân Đạt thốt lên: “Dù số phận có bắt cơ thể em phải nằm lặng im sau bốn bức tường, nhưng chắc chắn số mệnh không thể giam cầm được nơi em tâm hồn thiếu nữ tự do, tự tại đang khao khát cháy bỏng cùng đôi cánh nghệ thuật thi ca giữa đời, giữa tình yêu thương nhân ái cõi người”.
Lưu luyến chia tay với Thủy Tiên, tôi chợt nhớ đến bài hát Sống như những đóa hoa của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng: “Hôm nay nếu có gian lao, thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn. Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời... riêng tôi...”. Bằng nghị lực đáng khâm phục, Thủy Tiên đã viết nên câu chuyện cuộc đời theo cách riêng. Hy vọng những tác phẩm của cô gái này sẽ tiếp tục đến với mọi người, trở thành thứ ánh sáng đặc biệt giúp những người kém may mắn tìm thấy động lực sống. Và cũng như Thủy Tiên, họ sẽ vượt lên nghịch cảnh bằng trái tim thiết tha yêu đời.
THIÊN LÝ