Quê mình có dãy núi Hương
Có chùa Hương Tích, Bàu Hương cận kề
Tháng ngày xuôi ngược sơn khê
Chân bao nhiêu bước nhớ quê bấy lần
Quê tôi cũng có cây đa, bến nước, sân đình như mọi miền quê khác nhưng với tôi, bàu Hương là hình ảnh không bao giờ phai mờ trong ký ức: Những ngày nghỉ học, trưa tắm bò, tập bơi ở vũng Dông, vũng Xốc, Bến Lội… Bàu Hương như một con sông nhỏ hiền hòa chảy qua ba xã: Hòa Phong, Hòa Mỹ Tây và Hòa Mỹ Đông.
Ngày xưa, bàu Hương có những đoạn rộng đến vài ba trăm mét, sâu độ ba bốn cây sào, có rất nhiều thủy sản như: tôm, cua, cá lóc, cá diết, cá sảnh, cá lúi, cá rầm, cá bống, ốc, hến; đặc biệt là cua đinh, ba ba, có những con to bằng cái trẹt; năm nọ lụt to, có một con cá sấu lạc về, bị ông Ba Đạm bắn chết.
Thủy sản rất đa dạng, đó cũng là một nguồn sống của cư dân hai bên bờ. Ban ngày ghe sõng tấp nập, người thả dẹp tôm, người đánh lưới, thả lờ, nhổ bông súng, rau tràng, câu cua đinh, cá lóc, xúc hến, đêm thì bơi ghe soi bắt ốc…
Mùa lụt khoảng trung tuần tháng tám đến cuối tháng mười, người xưa có câu ca dao truyền miệng: “Ông tha mà bà không tha/Còn một cây lụt hăm ba tháng mười”. Sau hăm ba tháng mười trời hết lụt, nông dân mới yên tâm gieo sạ lúa, nay thời tiết thay đổi không còn cái lệ ấy nữa. Mùa lũ cũng là lúc bổ sung nguồn thủy sản cho bàu Hương và phù sa cho cánh đồng Vạn Lộc bát ngát xanh tươi.
Vạn Lộc là một trong sáu thôn của xã Hòa Mỹ Đông, chịu ảnh hưởng của bàu Hương nhiều nhất. Vạn Lộc có bốn xóm: Xóm Lê, xóm Mới, xóm Huỳnh và xóm Bàu Trạnh. Tất cả các xóm đều dựa lưng vào bàu Hương, mặt quay ra cánh đồng mút tầm mắt, với hai vụ chắc ăn, vì có nước đập Đồng Cam. Nhưng từ ngày có Nhà máy đường Đồng Bò, chủ người Pháp tên là Hygenol buộc dân cho thuê dài hạn hết cả cánh đồng Hòa Mỹ để trồng mía, dân phải làm cu ly trên cánh đồng mía của chúng.
Khoảng tháng 9/1945, bà con, trai tráng trong làng ùn ùn vác gậy gộc đến Nhà máy đường Đồng Bò đánh Nhật (bởi thực tế Nhật đã thay thế Pháp từ trước đó) lật đổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng, theo tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh (Việt Nam cách mạng đồng minh hội).
Ngày ấy, xóm làng khí thế rầm rập như hội. Từ ấy quê tôi được giải phóng, già trẻ, gái trai ai cũng có đoàn thể. Các phụ lão có hội Bạch đầu quân; phụ nữ có hội Mẹ Chị chiến sĩ; nông dân, thanh niên vào du kích… Tôi được vào đội thiếu niên tiền phong, tập đi một - hai, hát những bài ca cách mạng: Diệt phát xít, Cùng nhau ta đi hùng binh…
Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, quê tôi là vùng tự do, các đơn vị bộ đội chủ lực Khu 5, bộ đội tỉnh hoạt động ở các vùng tạm chiếm thường về nghỉ chân, được hội Mẹ Chị chiến sĩ thết đãi, khi thì thịt bò, khi thì thịt heo, khi thì mười mấy thứ muối: muối ớt, muối mè, muối đậu phộng, muối rau răm, muối ngò tàu, muối é, muối sả… Cơm vắt, xắt từng miếng rất ngon lành. Rồi cứ mỗi sáng chiều các anh bộ đội tắm giặt rộn rã ở bàu Hương.
9 năm kháng chiến chống Pháp, nhà nhà không cần đóng cửa, không trộm cắp, người người sống chan hòa thân ái, đùm bọc lẫn nhau, đói no chia sẻ. Tin chiến thắng từ các chiến trường dồn dập đưa về, nhân dân phấn khởi thì Hiệp định đình chiến Genève được ký kết ngày 20/7/1954 giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và thực dân Pháp. Theo Hiệp định Genève, từ nửa dòng sông Bến Hải (Quảng Trị) trở vào tạm thời do địch kiểm soát. Sau hai năm, sẽ được tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Phú Yên chỉ trong vòng một tháng phải rút hết lực lượng bộ đội tập trung và số ít cán bộ dân chính ra vùng tập kết tạm trong 300 ngày ở Bình Định, còn hầu hết cán bộ ở lại sống hợp pháp, cảnh chim lồng cá chậu, hoặc lui vào hoạt động bí mật ở trong dân, dưới quyền sinh sát của chúng, có súng mà không được bắn do chấp hành hiệp định. Nhiều khi liên gia, ấp trưởng tay không cũng đuổi bắt cán bộ ta.
Từ ấy, tháng 9/1954, quê tôi chìm trong máu và nước mắt, ngày đêm bọn hành chánh lưu động, bọn Đại Việt quốc dân đảng luôn rình rập, có tiếng súng nổ là có người chết.
Bàu Hương lại chứng kiến những hành vi tàn sát trả thù những người kháng chiến một cách hèn hạ. Đêm 22/9/1954, chúng bắt các anh Nguyễn Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Cun, Huỳnh Cồ ở thôn Mỹ Phú, đánh đập tra khảo dã man rồi mổ bụng bỏ đá vào gằn xuống đáy bàu Hương, đoạn núi Mai bên kia là chùa Hương Tích. Sáng hôm sau người lấy dẹp tôm rà kéo xác khiêng lên sắp hàng trên núi Mai trước sự chứng kiến và căm hờn tràn lên cổ của mọi người. Sau đó, chúng bắt giết anh Nguyễn Hớn, Trịnh Liệp ở thôn Lạc Chỉ, bỏ xác các anh ở sông Bến Lái… Chúng coi chuyện giết người, khủng bố tinh thần là quốc sách. Nhà tù, trại giam mọc lên như nấm. Chúng rất thâm độc, mượn những nhà dân, nhất là những nhà có nhiều con em đi tập kết để làm trại giam.
Mùa gặt ở xã Hòa Mỹ Đông - Ảnh: NGỌC DUNG |
Nhà tôi, chúng dồn hết lên nhà trên, nhà dưới chúng dành làm nhà giam, tra tấn những người cán bộ đảng viên có uy tín trong dân. Cụ Hội Tám tức cụ Cao Ngôn ở xóm Bàu Trạnh là người rất hiền lành, chững chạc, mọi người trong thôn rất tin tưởng, cụ có bộ râu dài mượt rất đẹp, chúng bứt từng mảng râu để tra tấn, máu chảy đầm đìa. Tôi còn nhớ như in, năm đó đêm mưa tầm tã, trời lạnh cắt thịt da, chúng bắt cụ ngâm mình dưới nước bàu Hương đến tím tái mới kéo lên, rồi tra tấn đủ trò man rợ.
Ông Nguyễn Bá Thăng ở thôn Phú Nhiêu bị chúng bắt, đánh đập dã man, không chịu nổi, nhân lúc chúng cho đi ngoài, ông lượm cái bao thuốc lá Captain rồi viết mấy dòng nhắn gửi gia đình: “Bái biệt cha già, hôn đàn con dại/Mổ ruột xem lòng thử trắng đen”; rồi lấy con dao nhíp tự mổ bụng, máu chảy lênh láng, chúng hoảng hốt lo cấp cứu và canh giữ chặt chẽ hơn.
Trước tháng 7/1956, Mỹ bày trò hất cẳng Pháp, đưa Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại để lật lọng, không thực hiện tổng tuyển cử. Miền Nam lại chìm trong máu lửa. Biết bao chuyện thăng trầm của quê tôi kể sao cho hết cái cảnh “chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao” suốt trong 21 năm ấy!
Năm 1959, Ngô Đình Diệm ra luật 10/59, đưa cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, kéo máy chém đi rêu rao hù dọa từ thành thị đến các vùng xa để uy hiếp quần chúng. Dù biết sẽ bị tù đày, tra khảo, tan cửa nát nhà nhưng người dân vẫn nuôi giấu cán bộ cách mạng ngay trong nhà mình.
Cũng trong năm 1959, Trung ương Đảng có Nghị quyết 15, chuyển cuộc đấu tranh ở miền Nam lên một bước mới: Vũ trang và chính trị song song. Lực lượng vũ trang ở miền Nam được thành lập, diệt ác, phá kìm, nhân dân phấn khởi, ngụy quyền cơ sở rất hoang mang, dao động, khí thế cách mạng bừng bừng sôi sục.
Ở Hòa Mỹ, tên ác ôn khét tiếng Nguyễn Y Chi bị diệt, hàng trăm thanh niên thoát ly gia nhập lực lượng vũ trang huyện, tỉnh hoặc bổ sung cho các tỉnh bạn. Trăm phần gian khổ hy sinh nhưng những người con trai, con gái xứ bàu Hương ra đi đã thề quyết tử nên bất kỳ ở đâu, bất kỳ làm việc gì cũng hoàn thành nhiệm vụ, không có ai chiêu hồi hoặc đầu hàng, phản bội.
Cuộc chiến ngày càng ác liệt. Năm 1966, Mỹ và Đại Hàn đổ quân vào Hòa Mỹ, mở nhiều cuộc càn quét đánh phá với quy mô lớn nhằm “tát nước bắt cá” với chính sách “đốt sạch, giết sạch”. Quê tôi thành vùng trắng, nghĩa là không còn một bóng người, không còn một mái nhà và màu xanh cây cỏ, người chúng giết như các vụ thảm sát hàng trăm người ở núi Mai, Bàu Trạnh, thôn Vạn Lộc; xóm Trương, thôn Phú Thuận; xóm Hòn Đình, thôn Thạnh Phú; Gò Thị, thôn Phú Nhiêu…
Số khác tản cư ngược vào vùng địch sống lây lất qua ngày, ta gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ phải bám dân, vận động dân lần lượt trở về làng cũ làm ăn, ủng hộ cách mạng với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không dời” cho đến ngày toàn thắng.
Đất nước thống nhất, xã Hòa Mỹ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1998 và hàng chục Bà mẹ được phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 300 liệt sĩ, nhiều thương bệnh binh và rất nhiều gia đình có công với cách mạng.
Qua những bước thăng trầm, bàu Hương đã gắn với tuổi thơ tôi, cả niềm vui, nụ cười và đau thương tang tóc. Bây giờ, bàu Hương và cảnh vật quê nhà phát triển vươn lên ngang tầm với các miền quê khác: ban đêm điện sáng đến từng ngõ ngách, đường bê tông đến mọi nơi; trường học mái ngói hoặc nhà đúc hai tầng rộng rãi; trạm y tế, bưu điện xã phục vụ tận tình đến người dân. Cổng vào thôn đều là thôn văn hóa.
Người đi xa về lại thăm quê sao khỏi ngỡ ngàng trăm mối!
Bàu Hương - núi Hương - chùa Hương Tích giờ đây đã trở thành di tích danh thắng cấp tỉnh (được công nhận ngày 22/12/2011).
Gần 60 năm xa quê, mỗi lần trở lại, đứng trên cầu đúc Bến Lội (trước đây chỉ là “cầu tre lắc lẻo”) tôi bồi hồi nhớ bao kỷ niệm êm đềm và cay đắng…
…Qua cầu Bến Lội cùng soi bóng
Đến ngõ chùa Hương rẽ bước đường…
Ký ức bàu Hương lại trào dâng về một miền xa xưa mà sâu lắng.
NHẬT DƯ