Chủ Nhật, 19/05/2024 06:52 SA
Người thầy tôi mãi tri ân
Thứ Ba, 04/12/2018 07:14 SA

Thầy Huỳnh Văn Ban cùng tác giả bài viết - Ảnh: CTV

Thầy nổi tiếng nghiêm khắc nếu học sinh có biểu hiện vi phạm đạo đức nhưng lại gần gũi với học sinh như một người bạn, người anh, người cha. Hồi đó, chúng tôi luôn trông chờ đến tiết sinh hoạt lớp vì khi đó, thầy luôn tìm cách để khen học trò nên tiết sinh hoạt rất sôi nổi, thân thiện. Thầy tâm niệm đừng quan trọng hóa mọi việc, cứ theo tiêu chí chuyện lớn hóa nhỏ nên những xung đột, lủng củng trong nội bộ lớp đều được thầy giải quyết một cách vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng ổn thỏa.

 

Sẽ không bao giờ tôi quên được tiết học ngày hôm ấy. Là tiết Luyện tập, mấy bạn nhao nhao xung phong, tôi yên tâm chắc không đến phần đứa dốt Toán như mình. Mới nghĩ xong thì tên bị gọi liền. Y như sét đánh, tôi giật thót, thiếu điều nhảy nhổm khỏi ghế. Lên bảng, tôi chân bước bụng run. Thầy nhắc lại “bí kíp”: Bình tĩnh, đọc kỹ dữ liệu, xác định yêu cầu đề, vận dụng tất cả những kiến thức đã học để tìm cách giải quyết. “Bí kíp” này tôi nghe thầy nói nhiều rồi nhưng lần này mới chịu ghi nhớ và vận dụng. May quá, tôi thở phào vì nó nằm trong khả năng.

 

Nhận điểm 10 và lời khen: “Làm đúng, trình bày tốt! Hôm nay em khá lắm!”, tôi mừng đỏ mặt dù đủ thông minh để hiểu, với bài toán dễ thì lời khen như thế là “hào phóng”. Nhưng tôi vẫn phấn khởi tưng bừng. Kể đến đây chắc bạn đã hình dung được sức mạnh của lời khen đó rồi chứ gì? Còn phải nói, nó y như một liều doping học tập. Tin không, tôi đã ẵm nguyên si một em 10 môn Toán trong kỳ thi tú tài đấy.

 

Hôm đó, cùng lên bảng với tôi còn có Võ Thị Thủ. Nhỏ là tay Toán cừ khôi nhưng cũng lúng túng khi được “triệu” lên bảng. Không phải lúng túng vì sợ Toán như tôi đâu, những bài toán trong sách giáo khoa không làm khó được Thủ nhưng đầu đuôi cũng từ thằng Sang ma quỷ, nghe thầy gọi Võ Thị Thủ thì hắn nói to “Con gái mà lúc nào cũng “thủ võ”!”, thế là cả lớp cười ồ.

 

Thầy nghiêm mặt nhìn xuống lớp và ôn tồn: Bạn của thầy ngày xưa phải bỏ học vì cái tên - Phạm Pháp - bị trêu chọc suốt. Thầy đã gặp ba mẹ bạn Thủ rồi, bác ấy nói tên bạn ấy là Thư nhưng khi ghi vào giấy khai sinh, dấu móc ngay góc phải chữ u bị lệch vô trong nên đọc thành “thủ”. Ở nhà, ba mẹ vẫn gọi bạn là Thư đấy nên tất cả chúng ta hãy gọi bạn là Thư, đó là tên thường gọi của bạn.

 

Từ sau tiết học hôm đó, thầy đã giúp tôi khắc cốt ghi tâm bài học chế giễu người khác là tội ác, và tôi cũng xóa đi cái định kiến ngu xuẩn, Toán khiến người ta khô khốc.

 

Người thầy trong câu chuyện tôi vừa kể là thầy Trần Xuân Ban, hiện công tác tại Trường THCS Phạm Đình Quy (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa). Với chúng tôi, những học trò lớp A (lớp chọn) niên khóa 1991-1995 thì thầy Ban là người thầy, người cha đáng kính. Người xưa dạy “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (một ngày làm thầy, cả đời làm cha), trong khi thầy Ban dạy Toán, lại chủ nhiệm lớp hai năm liền thì đâu lạ gì chuyện học trò chúng tôi kính thầy như một người cha.

 

Nếu bạn hỏi thầy có thành tích gì trong dạy học hay thầy đã làm gì cho học trò thì tôi chẳng có điều to tát nào để kể nhưng có một sự thật là lớp tôi ngày đó bạn nào cũng một lòng yêu mến, kính phục thầy và với tôi, thầy như một vị cứu tinh. Bằng chứng là thầy dạy Toán rất hứng thú và dễ hiểu, đến nỗi một học trò dốt Toán như tôi nhưng vẫn được thầy truyền cho cảm hứng để yêu Toán.

 

Hồi đó, trường học còn xa lạ với từ “thân thiện”, cái thời học sinh đi học còn rủ nhau lót miếng bố vào mông vì sợ ăn roi nhưng lũ chúng tôi rất thích tới trường. Môn Toán không khô khan, không nặng nề căng thẳng với những học sinh trung bình trở xuống, bởi thầy có cách làm cho Toán trở nên hiền lành, hấp dẫn. Hồi ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu về phương pháp dạy học nên không biết thầy đã có cách gì để làm mềm kiến thức, để truyền cảm hứng cho học sinh, tôi chỉ nhớ học Toán với thầy rất nhẹ nhàng và vui vẻ. Chắc cái tâm thế “vừa học vừa chơi” đã huy động được sự tự giác và hứng thú của học sinh. Từ khi được học thầy (lớp 7), tôi không còn sợ Toán như cái ước mơ trước đó “giá trường học đừng có môn Toán” nữa. Không chỉ tôi, lớp tôi đều yêu thích những tiết Toán của thầy Ban mà những thế hệ học sinh sau chúng tôi cũng đều có nhận xét tương tự.

 

Ví như em Nguyễn Thảo Anh, hiện là sinh viên năm nhất Trường đại học Đông Á (TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Học với thầy Huỳnh Văn Ban nghiêm mà vui. Thầy quan niệm học là học, chơi là chơi. Thầy giảng, thầy cho ví dụ bằng những điều gần gũi, hóm hỉnh gây cười nhưng lại dễ hiểu, dễ nhớ, dễ khắc sâu bài học”. Còn em Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 8 Trường THCS Phạm Đình Quy kể: Mấy đứa nghịch ngợm vào tiết của thầy là co vòi hết, học sinh, đặc biệt mấy đứa nghịch sợ thầy lắm, đừng hòng quậy phá hỗn hào vì thầy không cho phép điều đó xảy ra…

 

Còn cô giáo Võ Thị Tiến, là giáo viên Toán, đồng nghiệp của thầy đã về hưu nhận xét: Thầy Ban giảng dạy rất nhiệt tình, điều đáng quý nhất ở thầy là sự công tâm. Thầy quan tâm học sinh, yêu thương, rèn giũa nhưng điều rất hay là thầy không thiên vị học trò bao giờ. Ngày xưa, thời dạy kèm chưa cấm đoán, thầy không bao giờ ép học sinh đi học kèm, không trù dập, không bênh vực, thầy cũng không “cả nể” nếu học trò là chỗ quen biết, hay con nhà quyền thế… Nói chung, thầy là một trong những giáo viên có tâm thời bây giờ.

 

Tôi thực sự xúc động khi nhận được những lời nhận xét như vậy về thầy giáo chủ nhiệm cũ, người mà tôi chưa bao giờ quên khi nghĩ về thời cắp sách của mình, người đã thắp sáng ngọn lửa trong tâm hồn tôi.

 

Thầy tâm lý lắm, bạn nào cũng mỉm cười vì thầy thu xếp rất thỏa mãn. Từ chuyện vi phạm tác phong đến cãi vặt miệng, đánh nhau, đem sâu đỉa đến lớp hù bạn gái, rồi ăn cắp vặt…, thầy đều vui vẻ xử trí chứ không phẫn nộ giận dữ. Không phải vì thầy không “sát thủ” mà chúng tôi dám lầy đây. Không biết đó là cảm giác gì nhưng cả lớp chúng tôi nhất nhất quý mến thầy, chỉ mong được thầy khen nên khi phải đối mặt với thầy như một “tội nhân” thì mặt mày biến sắc. Dù thầy xử trí nhẹ nhàng nhưng đứa nào cũng sợ, sợ nhất là cảm giác mình làm thầy buồn, thất vọng. Cũng nhờ thứ tình cảm đặc biệt khó lý giải đó mà lớp A luôn dẫn đầu trường về thành tích (mọi mặt). Và đặc biệt hơn là khi kết thúc cấp THCS, rất nhiều bạn vào trường chuyên của tỉnh, hàng năm họp lớp, chúng tôi vẫn tự hào vì lớp A ngày xưa bây giờ là những công dân sống có ích, có lý tưởng… Và điều vui mừng nhất, xúc động nhất là dù ra trường từ rất lâu nhưng phần lớn học sinh trong lớp vẫn liên hệ mật thiết với thầy, những dịp nhà thầy có chuyện hiếu hỉ, thầy đều nhắn chúng tôi về.

 

Viết về thầy, trong tôi lại hiện lên ngày khai giảng đầu tiên của tôi ở Trường THCS Phạm Đình Quy. Trước khai giảng, tôi có đi qua đó một, hai lần nhưng hôm đó nó bỗng nhiên thay hình đổi dạng. Sân trường rộng lớn. Dưới bóng cây mát rượi lại có rất nhiều những chiếc quần xanh áo trắng, rồi băng rôn khẩu hiệu và rất nhiều cờ, lễ đài được trang hoàng đẹp đẽ. Chết rồi, các lớp đã gióng hàng óng dẹt, tôi đứng lớ ngớ vì chẳng biết phải chui vào đâu. Có tiếng kêu gọi học sinh ổn định hàng ngũ chuẩn bị làm lễ, tôi hoảng quá, đứng mếu… Bỗng lúc đó có một thầy giáo lại hỏi, em học lớp nào, theo thầy. Tôi mừng quýnh, mừng còn hơn lão nhà nghèo trúng độc đắc, tôi nhanh chân theo thầy và trong lòng có cảm giác ngôi trường mới, thầy cô mới thật thân thương. Đi sau lưng thầy, nhìn phong thái mẫu mực thân thiện, thấy cái cách thầy trìu mến nhìn học trò, tôi đã mơ ước sau này mình sẽ là đồng nghiệp của thầy. Sau này tôi mới biết vị cứu tinh hôm khai giảng là thầy Trần Xuân Ban.

 

* * *

 

Lớp chúng tôi giao hẹn lấy ngày 20/11 ở nhà thầy làm ngày họp lớp. Lần nào cũng vậy, về với thầy, chúng tôi không có quà cáp gì. Không khí vẫn y như ngày xưa, ngày còn là những cô cậu học trò lam lũ, 20/11 đến nhà thầy thập thò ngoài cửa, thầy sẽ ra dẫn vào, bày xoong nồi, đúc bánh xèo…

 

Riêng tôi, vì những lý do tế nhị mà mấy năm liền không tham gia họp lớp. Hôm trước tình cờ gặp lại Thư, nhỏ nói:

 

- Thầy nhắc mầy miết! Chuyện của mầy thầy biết hết!

 

Tôi dù rất xúc động vẫn vờ nói:

 

- Hơn mười năm không họp lớp, tưởng thầy quên tui rồi chớ!

 

- Mầy quên thầy thì có!

 

Thư nói nhẹ nhàng nhưng tôi nghe ra lời trách móc. Không đến thăm, đâu có nghĩa tôi quên thầy. Bằng chứng là khi đã trở thành một cô giáo, tôi đã dạy học theo cách của thầy, tôi luôn nỗ lực “làm mềm”, “thấm ướt” kiến thức, rồi bằng cách này hay cách khác, tôi luôn tìm cách giúp đỡ học sinh của mình. Và còn một điều tối quan trọng là khi đứng trên bục giảng, tôi muốn đóng vai một người bạn và luôn tìm “cớ” khen ngợi học trò. Vì hơn ai hết, tôi biết sức mạnh của lời khen khi nó được đặt đúng chỗ.

 

Xin mượn lời của Alexander the Great để gửi đến thầy như lời tri ân cao đẹp nhất: “Tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống nhưng tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp”.

 

BÍCH NHÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek