Thứ Hai, 14/10/2024 19:21 CH
Cựu binh kiên cường bám biển
Thứ Hai, 02/05/2016 11:00 SA

Là một người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường K, năm 1989, trong đợt rút quân cuối cùng, ông trở về quê hương phường 6 (TP Tuy Hòa). Tiếp tục nghề truyền thống bao đời của cha ông để lại, cựu chiến binh Lê Văn Giúp đã cải hoán, đóng mới tàu thuyền vươn khơi bám biển. Gần 30 năm nay, ông luôn là người đứng mũi chịu sào của tổ tàu thuyền hơn 20 chiếc với hàng chục lần dũng cảm cứu ngư dân gặp nạn, hoặc bị Trung Quốc bắt giữ trên biển.

 

Ông Lê Văn Giúp đang hướng dẫn một người đi bạn phơi lưới - Ảnh: H.THU

 

NHỮNG NĂM THÁNG CHIẾN TRƯỜNG

 

Sinh năm 1967, ông Giúp là con thứ 4 trong một gia đình có đông anh chị em nhưng tất cả chỉ nhờ vào những chuyến đánh bắt ven bờ của cha. Trong các anh chị em, người được học cao nhất cũng chỉ mới đến lớp 8. Năm 1986, ông nhập ngũ. Với trình độ lớp 6/12, ông tham gia khóa huấn luyện tại Tiểu đoàn Huấn luyện bộ binh 860 tại huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định). Sau 3 tháng huấn luyện, ông được biên chế về Trung đoàn 733, Sư đoàn 315, đóng quân tại ngã ba biên giới, tham gia chiến đấu tại chiến trường K giúp nước bạn Campuchia chống lại quân Pôn Pốt xâm lược và bảo vệ vùng biên của Tổ quốc.

 

Hồi đó, nghe nói đến chiến trường K hay nói về ngã ba biên giới Campuchia - Lào - Thái Lan, nhiều người lắc đầu. Bởi vào thời điểm đó, tuy đất nước đã hòa bình khá lâu nhưng tại ngã ba biên giới vẫn còn diễn ra nhiều trận đánh rất khốc liệt, tang thương. Hơn 3 năm nếm mật nằm gai ở đây, ông phải chứng kiến bao cảnh đau thương mất mát của chiến tranh. Nhiều đồng chí đồng đội của ông đã ngã xuống trong sự tiếc thương của những người ở lại. “Hồi đó, chúng tôi phải ở dưới hầm, ăn uống rất kham khổ, đói cơm thiếu nước là chuyện thường. Đánh nhau với Pôn Pốt rất phức tạp, vì chúng đã quá hiểu người Việt Nam nên sau nhiều trận đánh, có khi thương vong của ta không ít”, cựu chiến binh Lê Văn Giúp nhớ lại.

 

Ông không thể diễn tả hết bằng lời. Nhưng qua hồi ức của ông, cảnh tàn khốc của chiến tranh và tội ác do quân Pôn Pốt gây ra cho người dân Campuchia và người dân Việt Nam thì không ai quên. Lúc đó, đồng đội của ông có người đã dao động. Một số người không chịu nổi đã bỏ đơn vị để giữ mạng sống cho riêng mình; riêng ông kiên quyết ở lại, tiếp tục tham gia hàng chục trận chiến đấu bảo vệ cho đến ngày hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương.

 

VƯỢT SÓNG CỨU NGƯ DÂN

 

Biển là vậy, lúc dịu êm lúc lại ồn ào. Vào mùa biển động, cựu chiến binh, ngư dân Lê Văn Giúp khó có một ngày cho riêng mình, nhất là vào thời điểm ông giữ cương vị Tổ trưởng Tổ Tàu thuyền an toàn. Từ đó đến nay, dù đang đánh bắt cá trên biển hay tàu đang neo tại bến, ông vẫn luôn tất bật ngược xuôi. Những năm gần đây, tàu cá của ngư dân được trang bị một số thiết bị dự báo thời tiết hiện đại nên còn đỡ, chứ trước đó, chuyện ngư dân gặp nạn trên biển xảy ra liên tục. Không chỉ bị sóng đánh, bị hải tặc tấn công, có những lúc vừa xong chuyến biển trở về nhà, tay đang bưng chén cơm chưa kịp ăn, thì chuông điện thoại reo và đầu dây bên kia: A lô, hiện một tàu cá của ngư dân đang mắc cạn không thể vào bờ được! Ông lại tất bật đi, về để huy động đội tàu của gia đình, của tổ ra kéo giúp. Có những lúc đang ở giữa trùng khơi, nhất là những lúc biển nổi cơn thịnh nộ, ông nhận được điện đàm: Tại vĩ độ A, tọa độ B, có tàu bị sóng đánh sắp chìm, cần cứu gấp! “Những lúc đó không thể trì hoãn, chần chừ vì chỉ cần chậm một chút là có thể phải ân hận cả đời”, ông Giúp tâm sự.

 

Ông Lê Văn Giúp (bìa trái) cùng các thuyền viên đang kể lại lần giúp tàu ông Nguyễn Văn Dũng năm 2009 - Ảnh: H.THU

 

Hàng chục năm qua, ông không thể nhớ mình đã cứu bao nhiêu người, cùng bao chiếc tàu vượt qua cơn bão tố trở về đoàn tụ với gia đình vì đối với ông nó đã quá quen thuộc. Hơn nữa, ông luôn nghĩ rằng đó là những việc cần làm, phải làm. Thời gian trôi qua khá lâu, chuyện ông cứu tàu cá cùng 9 ngư dân do ông Nguyễn Văn Dũng làm chủ tàu, được người dân phường 6 cảm phục, nhớ mãi. Đó là năm 2009, đội tàu của ông đang đánh bắt tại vùng biển gần đảo Đá Đông A, giáp giới với Philippines. Trong chuyến đánh bắt đó, thật không may khi tàu của ông Dũng bị mắc vào bãi đá ngầm. Trước tình thế đó, nhiều người rất sợ hãi. Với bản lĩnh của người lính đã qua trận mạc, một mặt ông động viên anh em trong đội tàu bình tĩnh giữ tốc độ để không tạo những vùng sóng lớn, đồng thời tàu ông xung phong đi trước vào cứu tàu ông Dũng, nếu chậm, đá sẽ làm vỡ tàu.

 

Nhớ lại lần mắc cạn kinh hoàng đó, ông Nguyễn Văn Dũng tâm sự: “Tàu đâm vào đá, tiến không được, lùi cũng không xong. Lúc đó, chúng tôi rất hoang mang. May mà anh Giúp đã dũng cảm lao vào cứu chúng tôi”. Đang vui, giọng ông Giúp như chùng xuống, bởi ông nghĩ đã có một vài lần ông phải bó tay trước cơn cuồng phong của biển. Và nhiều đêm, ông day dứt không ngủ được khi phải vĩnh viễn mất đi những người thân ở biển khơi.

 

QUYẾT TÂM BÁM BIỂN

 

“Sau chuyến biển này, tôi sẽ tiếp tục nâng cấp những con tàu lên trên 400CV. Có như vậy mới tạo sự tự tin cho nhiều người trong gia đình và anh em đi bạn đánh bắt xa bờ, tiếp tục nghề truyền thống bao đời của ông cha”, chỉ tay vào những con tàu sau thời gian dài đánh bắt đang cập bến, ông Giúp khẳng định như vậy.

 

Khi rời quân ngũ trở về địa phương sinh sống, ông Lê Văn Giúp tiếp tục nghề đi bạn cho các chủ tàu. Sau mấy năm dành dụm ít vốn liếng, ông mạnh dạn vay mượn anh chị em trong gia đình và bạn bè để mua một vỏ tàu rồi sửa sang, mua máy móc, ngư lưới cụ hết khoảng 30 cây vàng. Đó là vào năm 1993, lần đầu tiên trong đời, ông được làm chủ một chiếc tàu cá có công suất gần 60CV. Từ đó, ông không còn phải đi bạn nữa. Nếu tính từ đó đến nay cũng hàng chục năm, cựu chiến binh, ngư dân Lê Văn Giúp đã đóng mới cải hoán đội tàu cho gia đình tới… hàng chục lần. Hiện tại, chỉ tính trong đại gia đình ông đã có tới 8 người hành nghề đánh bắt cá với tổng số 11 chiếc tàu. Riêng ông có 3 chiếc, công suất từ 280-430CV. Hiện nay, nghề đánh bắt cá đang gặp một số khó khăn. Có những chuyến phải đi hàng tháng trời lênh đênh trên biển mới tìm được luồng cá để đánh bắt. Bình quân mỗi chuyến biển, sau khi trừ chi phí, trả công cho người đi bạn, ông thu nhập trên dưới 50 triệu đồng.

 

Trong đợt Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, với vai trò là Tổ trưởng Tổ Tàu thuyền an toàn, ông đã khích lệ, động viên nhiều người bằng chính việc làm của mình, đó là không ngừng bám biển. Nhờ đó, nhiều ngư dân hiểu, cảm phục ông trước tinh thần dũng cảm, quyết tâm bảo vệ ngư trường, góp phần vào công cuộc giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) Phan Thuẩn cho biết: “Ngư dân Lê Văn Giúp là người rất có kinh nghiệm đi biển. Đội tàu đánh bắt xa bờ do ông ấy làm tổ trưởng luôn thu được nhiều cá. Ông Giúp luôn phát huy những phẩm chất đạo đức của người lính Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường cũng như những khó khăn hoạn nạn trên biển. Trong các chuyến xa khơi, chúng tôi rất yên tâm khi có ông ấy”.

 

Với những thành tích xuất sắc trong việc góp phần bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc, từ năm 2009 đến nay, cựu chiến binh, ngư dân Lê Văn Giúp nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Cụ thể, 3 năm liên tục từ 2009-2011, ông được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Hiệp hội Nghề cá Việt Nam. Năm 2013-2015, ông được nhận bằng khen của Ban Dân vận Trung ương và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

 

HÀ ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 2: Dùng máu dựng cột mốc chủ quyền
Chủ Nhật, 13/03/2016 11:00 SA
Kỳ 1: Giữa muôn trùng sóng gió
Thứ Bảy, 12/03/2016 17:29 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek