Thứ Hai, 14/10/2024 21:19 CH
Người đàn bà mưu sinh trên đảo Lao Mái Nhà
Thứ Bảy, 23/04/2016 08:17 SA

Bà Ngà đang trò chuyện với tác giả bài viết - Ảnh: CTV

Đảo Lao Mái Nhà cách đất liền khoảng 40 phút ngồi tàu đánh cá của ngư dân nhưng còn hoang sơ và xa lạ với nhiều người. Thế nhưng, từ năm 1987, một gia đình ở xã An Hải đã rời đất liền ra đây sinh sống với đảo hoang. Câu chuyện về gia đình người phụ nữ Võ Thị Ngà (62 tuổi) kiên trì bám đảo gần 30 năm qua để mưu sinh đến nay, không phải ai cũng tường tận được nỗi lòng.

 

NHỮNG NGÀY ĐẦU TRÊN ĐẢO

 

Mặc dù là người gốc Tuy An, có nhiều năm sống với làng biển xã An Hòa, gần kề An Hải song mỗi khi nghe người dân nói về câu chuyện một phụ nữ sống trên đảo Lao Mái Nhà mấy chục năm qua với nhiều điều lý thú thì trong tôi lại thôi thúc. Lần lữa mãi, cuối cùng một ngày đầu tháng 3/2016, tôi quyết định một mình thuê thuyền vượt biển ra đảo.

 

Xuất phát từ bến thuyền bãi Trường, thôn Phước Đồng, xã An Hải, anh Biện Văn Toan (25 tuổi), cũng chính là con bà “chúa” đảo - đang cùng bà sống trên đảo - chở tôi. Những ngày này, biển không động nên tàu chạy êm chứ không lắc lư chao đảo như những lần ra biển trước đó. Khoảng 40 phút thì tàu cập bãi cát phía nam của đảo. Nhìn từ bờ biển, chúng ta rất dễ nhận ra ngôi nhà của bà Ngà. Nhà cách bờ biển khoảng 100m, nằm dưới tán những cây bàng mùa này lá chuyển màu vàng hoe. Thấy thuyền ra, bà Ngà biết là của con mình nên vội ra biển để cùng vận chuyển những thứ mà con bà đã chở từ đất liền. Đó là những gạo, thịt, rau và đá lạnh. Theo bà Ngà, chỉ mang ra ngoài này những thứ cần thiết, chứ ở ngoài này cá mực không thiếu. Chuyển đồ xong, bà Ngà ngồi trò chuyện cùng tôi ngay trước hiên nhà. Gọi là nhà chứ thực ra là một căn chòi lợp tôn, vách dựng bạt, nền xi măng đã trải qua bao mùa mưa nắng. Bà cho biết đây là lớp nhà thứ tư rồi.

 

Bà kể những ngày cách đây gần 30 năm về trước, vì ở đất liền quá đói khổ, đông con nên không thể mưu sinh, vợ chồng bà quyết định liều lĩnh gửi những đứa con lớn lại cho người quen rồi dẫn những đứa con nhỏ ra ngoài này sống giữa bốn bề sóng gió. “Vợ chồng bồng con trên chiếc xuồng nhỏ chèo lắc ra ngoài này dựng trại, đào giếng rồi kiếm sống qua ngày. Ngày đó, đảo còn hoang sơ lắm, rừng cây um tùm, không có bóng dáng con người. Vợ chồng tôi chọn mảnh đất dưới 10 gốc cây bàng to này vun đất làm nền nhà rồi chặt cây rừng, dựng trại và đào được một cái giếng phía sau nhà để lấy nước ngọt uống”, bà Ngà kể.

 

Những năm đầu ra đảo, biển cá mực nhiều, vợ chồng bà mưu sinh bằng cách chèo xuồng thả lưới đánh cá mực rồi sáng hôm sau gửi những bạn chài vào đất liền bán hoặc đổi lấy gạo. Ban đêm đi biển, ban ngày vợ chồng bà khai hoang, cuốc đất trồng dưa. Bà nói: “Mùa dưa đầu, đất mới nên dưa tốt, trái sai và to lắm”. Nghe đến câu chuyện này, tôi liên tưởng đến chàng Mai An Tiêm trên đảo hoang. Dưa cho trái, đến mùa thu hoạch, vợ chồng bà chở vào đất liền bán mỗi mùa dưa cũng kiếm được ít tiền có nuôi con. Những mùa dưa, mùa biển cứ thế tiếp nối hết năm này sang năm khác. Ngoài ra, vợ chồng bà Ngà luôn nghĩ ra mọi cách để có việc làm. Đất đảo rộng, bà dành dụm được ít tiền mua con bò giống về nuôi. Thấy bò phát triển và sinh sản tốt, một số người trong đất liền gửi bò ra đảo cho vợ chồng bà chăn thuê. “Chăn thuê 10 con bò mỗi tháng được trả 50.000 đồng hoặc nuôi rẽ để lấy bò con nuôi. Không bao lâu, gia đình có cả một đàn bò. Mỗi năm, ngoài thu thêm từ cá mực, trồng dưa thì gia đình có thêm nguồn từ nuôi bò. Nhờ vậy mà có điều kiện nuôi đàn con lớn khôn, trưởng thành”, bà Ngà giãi bày.

 

KHI ĐẢO LÀ NHÀ

 

Vợ chồng bà Ngà xem đảo Lao Mái Nhà là chốn bình yên không phải vì nơi đây quá yên tĩnh hoang sơ, làm ăn được mà bởi quan niệm sống thật đơn giản: “Ở đâu mình sống, ở đó là nhà”. Cuộc sống nhiều năm trôi đi vẫn với việc chài lưới, cuốc đất, trồng rừng, nuôi con. Bà cho biết: “Đã trải qua cái đói nhiều năm liền thì cuộc sống chừng đó cũng đủ thấy bình yên, nhất là khi nhìn các con ngày một lớn dần”. Những năm sau này, cứ mỗi mùa mưa bà Ngà vào đất liền mua cây bạch đàn, keo con ra trồng trên đảo, đến nay cây cũng đã lớn, phủ xanh cả một vùng đất đảo hoang sơ. Vợ chồng làm ăn hòa thuận, giếng trên đảo được sửa lại kiên cố, trong ngôi nhà cũng có cái đài, ti vi xài bằng bình ắc quy để vợ chồng theo dõi tin tức thời sự.

 

Cuộc sống đang yên lành và đầm ấm thì cách nay 8 năm, ông Biện Văn Sương, chồng bà bị tai biến nằm liệt giường. Bà một mình vừa nuôi con vừa nuôi chồng. Bốn năm sau ngày phát bệnh, ông Sương mất để lại đàn con có đứa chưa kịp lớn. Một mình bà nuôi con trong khó khăn nhưng không phải vì thế mà bà bỏ biển. Bà nhớ lại: “Thời gian đó, nhiều đêm mưa gió song tôi vẫn đi đánh cá. Ở đảo mà tối không đánh cá thì lấy gì ăn và có thêm thu nhập”. Người ta gọi bà là “đàn bà đi biển” vào quãng thời gian sau khi chồng bệnh. Cứ như vậy, một ngày ở đảo là thêm một sự khó nhọc và cũng là một niềm vui. Khó nhọc vì thiếu bóng dáng đàn ông trong gia đình, còn niềm vui là được lao động, được nuôi con.

 

Nhờ trời thương, 8 đứa con của bà đã lớn lên như bao đứa trẻ khác. Nói về con, bà rất vui, đứa nào cũng khỏe mạnh và đã lập gia đình. Một người con gái có chồng đang sống ở Bình Dương, một con gái nữa đang ở Ninh Hòa, còn lại đều ở Phú Yên. Lo cho con cái yên bề gia thất, bà Ngà vui mừng nhưng không phải vì thế mà bà bỏ đảo vào đất liền. Hàng ngày, bà vẫn gắn bó với đảo xa. Bà bảo: “Trước sao sau vậy”. Với lại ở đảo không bao giờ sợ đói, mỗi mùa một nghề: “Giờ thì đi lưới, mực; vài tháng nữa trời đổ gió Nam thì mình đập hàu”. Theo bà Ngà thì ở đây khi gió Nam thổi, hàu tự nhiên rất nhiều, một ngày bà đập cũng được gần chục ký hàu ruột, khách ra thăm đảo mùa này tha hồ thưởng thức.

 

Từ ngày chồng mất, bà ở một mình. Vì thương mẹ nên mới đây, người con trai thứ 8 ra ở cùng bà. Ngày đêm hai mẹ con làm việc, sum họp cùng nhau. Nếu như con làm công việc nặng nhọc như đi lưới ban đêm, lặn biển vớt tôm giống, cho tôm ăn thì bà chăm lo công việc bếp núc và chăm đàn gà. Khi nào hết lương thực hoặc có việc cần thì mẹ con thay nhau vào đất liền để đem ra thứ cần thiết. Trong tương lai, đảo sẽ trở thành nơi du lịch vì người ta đã đền bù số cây bà trồng trên đảo, mẹ con bà cũng không được ở đây nữa. Nghĩ đến điều này, nhiều lúc bà muốn rời biển đi vào Bình Dương, nơi con gái bà đang ở để làm thuê nhưng không rời được. Với bà, biển đảo giờ đây như ngôi nhà thân thuộc mà những người con như bà luôn khát khao tồn tại.

 

Người con trai thứ 8 của bà Ngà - anh Biện Văn Toan thâu lại lưới chuẩn bị ra biển bắt cá - Ảnh: T.TRỰC

 

ƯỚC NGUYỆN GIẢN ĐƠN

 

Hiện nay, một gia đình khác ở An Hải cũng ra đảo Lao Mái Nhà sinh sống, cách nhà bà Ngà chừng 1km nhưng nhìn chung đảo vắng. Ban ngày, ngoài một vài bạn đi câu, nuôi tôm giống thì những ngày gần đây, nhiều khách du lịch tìm đến Lao Mái Nhà để tham quan, khám phá. Khách đến đây thường mang theo đồ dùng cá nhân. Tuy nhiên, với sự thiếu thốn và lạ lẫm khi ra đảo nên gần như tất cả đều tìm đến nhà bà Ngà để được trò chuyện, hướng dẫn và giúp đỡ những việc cần thiết. Với bà Ngà, mỗi khi có khách đến đảo cũng chính là lúc ở đây vui nhất, họ xua đi cái không khí yên lặng cách biệt với đất liền mà bao nhiêu năm nay bà từng cảm nhận. Đến bây giờ, chính bà Ngà cũng không nhớ nổi đã có nhiêu đoàn ra tham quan. Trong tỉnh ngoài tỉnh đều có cả. Theo bà trong số đó, khoảng một nửa đoàn cắm trại ở lại qua đêm.

 

Khách đến đây, bà Ngà xem như người thân và khách cũng xem bà như người đã quen biết từ lâu. Bà sẵn sàng giúp đỡ từ việc trải nghiệm biển cả đến cả chỗ ăn ở. Bà Ngà cho biết: “Cơm gạo thì không nói nhưng khách đến đây phải có đặc sản là cá mực tươi. Nếu biết trước, tôi sẽ không gửi cá mực vừa đánh vào đất liền mà sẽ bán rẻ hoặc tặng cho khách”. Bà còn nuôi nhiều gà, nếu ai thích thì sẵn sàng để lại giá bình dân rồi tự tay làm giúp. Hiện tại, bà như một hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ trên Lao Mái Nhà. Ước nguyện của bà cũng giản đơn: “Mấy mươi năm biển nuôi mình. Bây giờ mình phải trung thành với biển và làm cho biển đẹp hơn”. Và mong muốn nhất của bà là làm sao có thật nhiều khách đến đảo tham quan để họ biết nhiều hơn, tự hào về biển đảo quê hương tuyệt đẹp, yên bình.

 

Sau những bữa cơm đơn giản nhưng thân mật, đậm hương vị biển và đầy ắp tình người, những đoàn khách đến đây rồi cũng rời đảo về đất liền. Bao giờ khách đi, bà cũng tiễn ra đến tàu mà lòng níu kéo mong một ngày họ trở lại. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn trong từng cái vẫy tay khi con tàu cứ xa dần đảo rồi khuất hẳn, để lại một khoảng trời nước mênh mông. 

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek