Thứ Ba, 15/10/2024 01:26 SA
Băng qua “bóng tối” cuộc đời
Bài 2: Viết lên cuộc sống
Thứ Sáu, 08/01/2016 14:00 CH

Chị Mộng (trái) cùng dìu dắt, chia sẻ công việc với chị em đồng cảnh ngộ - Ảnh: V.HOÀNG

Có thể sẽ chẳng có chuyện cổ tích về tình yêu, sẽ chẳng có đám cưới của người khuyết tật và sẽ chẳng có ai “viết tên mình” nếu như họ không dám yêu, không dám nỗ lực vươn lên.

 

Bài 2: Viết lên cuộc sống

 

MÁI ẤM

 

Khi chúng tôi đến, ngôi nhà nhỏ ở thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) ngập tràn tiếng cười của 4 thành viên. Chị Đoàn Thị Bích Ly vui vẻ khoe thành tích điền kinh của chồng qua những tấm huy chương, giấy khen tại các giải thể thao người khuyết tật. Đứa con gái 5 tuổi lúc ôm chầm lấy ba, lúc thì chạy tung tăng khắp nhà. Vậy là hơn 5 năm nay, Phạm Đình Thái luôn gặt hái thành công trên đường đua, đoạt nhiều huy chương từ cấp huyện, tỉnh đến toàn quốc.

 

Ly hạnh phúc kể câu chuyện về “duyên trời định” của vợ chồng cô. Hơn 6 năm trước, trong đợt giao lưu đặc biệt dành cho thanh thiếu niên khuyết tật ở Phú Yên, trái tim Thái đã hướng về Ly, cô bạn hơn mình 5 tuổi. Để rồi cứ đêm đến, chàng trai bị cụt cánh tay trái bẩm sinh lặn lội đạp xe hơn 10 cây số tới nhà cô gái tật nguyền, bị mất chân phải do tai nạn trong lúc làm gạch thuê. Rồi những câu chuyện cuộc đời, niềm ao ước, khát khao của hai con người cùng cảnh ngộ như gặp được sợi dây kết nối vô hình khiến họ xích lại gần hơn, khát khao che chở, chăm sóc cho nhau. Đám cưới của Thái và Ly diễn ra chỉ sau một tháng gặp và yêu nhau. Đám cưới ấy đong đầy nụ cười, nước mắt mừng vui của gia đình và người thân. Ngày cưới, Ly cũng lộng lẫy váy áo. Dù bước đi khó khăn nhưng lòng cô ngập tràn hạnh phúc.

 

Để xây dựng gia đình bền vững, vợ chồng Ly chịu khó làm ăn. Có bằng trung cấp ngành Điện trong tay, Thái đi xin việc nhưng đến đâu cũng đều nhận những cái lắc đầu. Hiểu được lý do, anh quyết tâm làm nghề tại nhà, và khi khách có nhu cầu là anh hăng hái đến tận nơi phục vụ. Còn Ly, tuy bị mất chân phải nhưng cũng cố gắng nhiều. Ngoài giúp Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng công việc kế toán, lúc rảnh thì Ly chăn nuôi bò, nhận bóc vỏ hạt điều, trồng rau… Nghe ai chỉ việc gì phù hợp, cô đều cố gắng tham gia. Tuy nhiên, từ khi có đứa con thứ 2 (SN 2013), Ly chủ yếu chăm con và lo nội trợ. Kinh tế gia đình do mỗi mình Thái gánh vác. Bà Trần Thị Nhất, mẹ chồng Ly, nói: “Tụi nó thương nhau thì tôi cho cưới. Những lúc khó khăn trong cuộc sống, tôi tận tình giúp đỡ các con. Có được hai cháu nội lành lặn, dễ thương, tôi thật hạnh phúc”.

 

Cặp đôi Hồ Ngọc Hội và Nguyễn Thị Nước (cùng xã Hòa Thắng) cũng tổ chức đám cưới trong niềm xúc động của người thân, bạn bè sau nửa năm kể từ ngày cưới của Thái và Ly. Cả hai đều bị teo đôi chân do di chứng của cơn sốt bại liệt. Số phận đã đưa họ đến với nhau để viết nên câu chuyện tình cảm động.

 

Tình yêu của hai người không suông sẻ như các bạn của mình. Quyết định tiến tới hôn nhân, họ vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình bên gái. Mẹ Nước sợ con gái yếu ớt đôi chân mà gặp phải người chồng còn bệnh nặng hơn thì sẽ rất khó khăn trong sinh hoạt, chưa kể những khi trái gió trở trời. Song, với tình yêu sâu đậm, Hội và Nước đã thuyết phục cha mẹ hai bên: “Quan trọng là vợ chồng thương yêu nhau. Về sống cùng, chúng con sẽ nỗ lực gấp nhiều lần những người bình thường”. Tác hợp mối lương duyên này, mẹ Nước cho miếng đất để các con sống gần bên mà tiện giúp đỡ. Trong ngôi nhà ấm áp ấy không chỉ có tiếng cười và sự trìu mến của cặp vợ chồng trẻ mà còn có cả niềm vui, sự hân hoan từ hai đứa con. “Ngày con tập đi, tôi cầm tay dắt con đi những bước đầu tiên trong đời. Sau này bố ngã thì sẽ có con nâng”, Hội nói trong niềm vui đong đầy nơi khóe mắt.

 

May mắn hơn Thái, với bằng trung cấp tin học, Hội được nhận vào làm văn thư tại UBND xã Hòa Thắng, nhưng nhiều năm qua, lương hợp đồng mỗi tháng của anh cũng chỉ khoảng một triệu đồng. Sau khi sinh con đầu lòng, Nước không làm thợ uốn tóc nữa mà ở nhà chăm sóc con nhỏ, đồng thời đảm nhận thêm việc nuôi bò. Rồi đứa con thứ hai chào đời trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Không thể chấp nhận cảnh túng thiếu, chừng nửa năm nay, Nước loay hoay với việc kinh doanh tạp hóa tại chợ Đông Lộc gần nhà để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

 

Gia đình Ly - Thái sum vầy - Ảnh: V.HOÀNG

 

DÌU NHAU VÀO ĐỜI

 

Tiệm may nằm trong con hẻm nhỏ ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) khá đặc biệt bởi chủ tiệm là một phụ nữ khuyết tật và những người cùng may với chị đều đồng cảnh ngộ.

 

Những chiếc đầm, váy, quần áo học sinh và các loại áo kiểu dành cho nhiều lứa tuổi đều thật sắc sảo dưới bàn tay tỉ mẩn của các chị. Bà Lê Thị Tuyết, một khách hàng quen thuộc, nói: “Tôi ưng ý nhất khi may đồ tại đây. Tôi cũng đã giới thiệu nhiều người đến đây may để ủng hộ các chị em khuyết tật”. Không chỉ tại Hòa Thắng mà khách hàng ở xa cũng đến với tiệm may đặc biệt này để có những bộ đồ ưng ý mà giá rẻ.

 

Sự thầm lặng của các chị là một minh chứng cho những nỗ lực bản thân. Họ vượt qua những trở ngại trong cuộc sống để mưu sinh, hòa nhập cộng đồng. Ngày ngày, chị Phạm Thị Cẩm Mộng (SN 1975) nhận vải, cắt đồ rồi giao các chị khác ráp theo tinh thần làm công ăn theo sản phẩm. Cùng với đó, chị Mộng còn hướng dẫn thêm cho các chị cách cắt quần áo thời trang và những phần việc khó. Chị Nguyễn Thị Thái sống độc thân như chị Mộng, mỗi ngày cần mẫn đi bộ hơn hai cây số từ thôn Định Thành (xã Hòa Định Đông) xuống làm nghề cùng chị Mộng. Với họ, 4 năm được làm chung như có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống.

 

Bị teo cơ chân phải do sốt bại liệt năm 3 tuổi, nhưng chị Mộng luôn nỗ lực đến trường và được nhận bằng tốt nghiệp THPT. Chị nói: “Ước mơ thì nhiều lắm, nhưng những người như tôi đâu dễ thực hiện được những thứ mình thích. Qua tư vấn của một số người, tôi quyết định đi học may, coi như nghề chọn tôi vậy. Đã theo nghề thì bằng mọi cách phải sống tốt với nghề nên tôi luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi và sáng tạo những mẫu đồ làm vừa lòng khách”. Làm nghề thành công, chủ tiệm may này nghĩ đến những người đồng cảnh ngộ. Biết một số chị cũng học may về nhưng chưa thể mưu sinh bằng nghề, chị gọi họ cùng đến làm. Vậy là tiệm may không tên tuổi này trở nên đặc biệt.

 

Ngoài chị Mộng, ở Hòa Thắng còn có anh Nguyễn Trường Sơn Tây, anh Đàm Văn Thịnh sau khi vượt bao trở ngại, có việc làm ổn định, đã dang rộng vòng tay giúp người đồng cảnh ngộ cùng làm nghề, mưu sinh. Làm chủ một cơ sở bó chổi đót tại nhà, anh Nguyễn Trường Sơn Tây trở thành người khuyết tật năng động trong mắt bao người. Với anh: “Sống là phải biết nắm bắt cơ hội làm ăn và phải thật chăm chỉ”.

 

Tây được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của cha mẹ và những người thân sau di chứng của cơn sốt bại liệt năm Tây 6 tuổi. Từ nhỏ, Tây ở nhà mày mò học cách bó chổi đót - nghề của cha mình. Rồi người cha phát hiện Tây bó chổi đẹp và thành thạo nên hướng con chọn luôn nghề này để mưu sinh lâu dài. Trong sân nhà anh thường có từ 6-10 người tham gia làm chổi đót theo các công đoạn. Bà Tâm, một người làm công cho Tây, nói: “Nhờ có cơ sở nhỏ này của Tây mà tôi có việc làm quanh năm, mỗi ngày kiếm ít tiền công lo bữa cơm gia đình”.

 

Tây không còn mặc cảm tàn tật khi chính anh tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Tây thổ lộ: “Tôi được vay hai lần với số tiền 9 triệu đồng từ quỹ của Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng để đầu tư mua nguyên liệu làm chổi. Những người khuyết tật như tôi có được cái nghề tự nuôi sống bản thân thì không phụ thuộc nhiều vào gia đình”.

 

Chủ cơ sở Năm Thịnh chuyên sản xuất chậu kiểng, ghế đá, lam trụ… đoạn qua quốc lộ 25, thôn Phong Niên (xã Hòa Thắng) là một người từng bị tổn thương cột sống nặng. Bắt tay vào nghề đúc chậu kiểng, anh Thịnh gặp rất nhiều khó khăn nhưng với người thanh niên này, mọi việc phải đi từ cái nhỏ, đơn giản rồi mới đến cái lớn, phức tạp dần. Sau 4 năm kể từ ngày bị tai nạn, anh tự tay cho ra đời những chiếc chậu kiểng bắt mắt. Điều đáng khâm phục là anh không được học nghề mà tự mày mò, nghiên cứu, sáng tạo. Từ sản xuất quy mô gia đình, đến nay cơ sở của anh đã có tên tuổi và thu hút nhiều lao động làm việc thường xuyên. Thông qua Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng, anh Thịnh được vay vốn mở rộng sản xuất, rồi được đi Đắk Lắk, Hà Nội để tham quan và giới thiệu sản phẩm của mình, nhờ vậy mà cái tên Năm Thịnh được nhiều người biết đến.

 

Những gì mà anh Tây, anh Thịnh, chị Mộng làm được đã truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật khác. Với sự trợ lực từ Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng, họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

 

Thực tế chứng minh, người khuyết tật cũng có tình yêu, cũng có thể vượt qua những trở ngại của cuộc sống để viết nên “cổ tích” đời thường. Nhìn các bạn trẻ thành đôi, sinh con đẻ cái, sống có trách nhiệm và tôn trọng nhau, tôi rất cảm phục. Chuyện tình của họ gây xúc động cho cộng đồng người khuyết tật. Từ đó, tôi nghĩ về lâu dài cũng sẽ có nhiều người khuyết tật mạnh dạn đến với nhau để xây dựng hạnh phúc lứa đôi.

Ông Nguyễn Văn Trinh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Hòa Thắng

 

Bài cuối: Nỗ lực đi tìm tri thức

 

THU THỦY - TUYẾT DIỆU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek