Thứ Ba, 15/10/2024 01:28 SA
Băng qua “bóng tối” cuộc đời:
Bài 1: “Tôi không là gánh nặng...”
Thứ Năm, 07/01/2016 08:46 SA

Những phụ nữ khuyết tật đã không ngần ngại oằn mình lao động để tự nuôi sống bản thân, gia đình và giúp đỡ người khác. Họ đang nỗ lực từng ngày cho cuộc sống vốn không mỉm cười với họ.

 

Hờ Ven ngồi xe lăn bán hàng cho khách - Ảnh: V.HOÀNG

 

Câu chuyện về cuộc đời của chị Loan, Hờ Ven, Hờ Róc như những thước phim của hành trình vượt qua chính mình. Bằng nghị lực, những phụ nữ khiếm khuyết đã vượt qua trở ngại của cuộc sống, làm cho gia đình và cộng đồng thấy được niềm tin trong chính con người của mình. Họ còn là điểm tựa cho gia đình.

 

VƯƠN LÊN TỪ NỖI ĐAU

 

Chiều mưa phùn dai dẳng. Cô gái 31 tuổi Lê Thị Loan lặng lẽ ngồi cắt may trong ngôi nhà cũ kỹ còn trơ gạch bên quốc lộ 25 đoạn qua thôn Phú Hữu, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa). Thấy khách nhìn em ái ngại, Loan cười bảo: “Ai may đồ cũng thích lấy nhanh nên em luôn tranh thủ. Nếu mình không đáp ứng thì họ mất vui rồi bỏ mình mà tới nơi khác may”.

 

Gần tết, công việc của Loan càng vất vả, hết làm ngày rồi lại thâu đêm. Cô lấy tiền công may chiếc áo chỉ bằng một phần hai hoặc ít hơn nữa so với các tiệm ở phố. “Ở quê, phần lớn người dân còn khó khăn. Mình khuyết tật mà có việc làm là may mắn lắm rồi”, Loan thổ lộ. Cô gái có khuôn mặt sáng, nụ cười đôn hậu này khoe với chúng tôi rằng, mới đây, cô tham gia Hội diễn Người khuyết tật tỉnh và đoạt giải C đơn ca với ca khúc yêu thích “Một đời người, một rừng cây”.

 

Câu chuyện về cuộc đời Loan lần lượt hiện về trong ký ức của cô và mẹ. Lúc mới sinh ra, Loan cũng cứng cáp như bao đứa trẻ khác. Nhưng sau lần sốt cao, người Loan mềm nhũn, chân bị liệt dần, không cử động được. Bà Lê Thị Hạnh, mẹ Loan, kể trong nghẹn ngào: “Lúc ấy nhà rất nghèo, chúng tôi vay mượn, chạy chữa nhưng con tôi vẫn bị liệt chân phải. Khi đó Loan chỉ mới được 8 tháng tuổi”.

 

Gia cảnh khó khăn, vợ chồng bà Hạnh làm thuê làm mướn để nuôi 7 miệng ăn trong gia đình. Đến giờ, người đàn bà này cũng chưa hiểu rõ vì bà hay đau ốm hay vì sợ một tương lai xám xịt đeo bám gia đình mà chồng bà, cha của 5 đứa con đã bỏ đi biền biệt! Lúc ấy Loan 18 tuổi, cái tuổi đã biết suy nghĩ, lo toan nên tinh thần suy sụp. Làm chị cả của 4 đứa em, mẹ lại hay đau bệnh, cô gái tật nguyền nhiều đêm thầm khóc.

 

Buồn vì cha bỏ gia đình ra đi, giận bản thân mình hay té ngã, rồi bị kẻ gian lừa lọc lấy hết tiền khi bán vé số nơi đất khách quê người…, Loan đớn đau, chán nản, đã nhiều lần có ý định tự tử. Hiểu được lòng con gái, người mẹ cận kề nhỏ nhẹ khuyên ngăn. “Mình phải sống và làm điểm tựa cho mẹ và các em”, nghĩ vậy, Loan mong một ngày nào đó sẽ có việc làm ổn định, đặc biệt là nghề may mà cô ước mơ từ thuở bé.

 

Tâm nguyện ấy của Loan được thực hiện khi vài năm sau, cô được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (thông qua Chương trình Phát triển toàn diện người khuyết tật ở Phú Yên) tài trợ kinh phí học nghề rồi cấp tiền mua máy may, máy vắt sổ. Để giữ chân nhiều khách hàng và thu hút thêm khách ở xa, Loan chịu khó đón xe buýt đi đó đây xem thêm kiểu quần áo, nắm bắt xu hướng thời trang và tự mày mò sáng tạo. Loan kể: “Có được nghề ổn định trong mấy năm qua, tôi giúp được nhiều cho mẹ và các em; bản thân không còn thấy mặc cảm”. Với một người cơ thể không vẹn toàn như Loan, lại mang nhiều chứng bệnh trong người, thì những gì cô làm được thật đáng khâm phục!

 

Ông Đinh Văn Hùng sống gần nhà Loan, cho rằng: “Tuổi thơ đầy nghiệt ngã khi gánh cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, song cô gái ấy đã cố gắng vượt qua nhờ sự dang tay kịp thời của một tổ chức từ thiện. Cuộc sống của cô lạc quan hơn khi chính cô đã tự nuôi sống mình và giúp đỡ gia đình bằng chính sức lao động của mình”.

 

Với nghề may của mình, Lê Thị Loan nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình - Ảnh: V.HOÀNG

 

VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH

 

Khi vừa lọt lòng mẹ, Sô Hờ Ven ở thôn Hoàn Thành (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) đã bị chứng rối loạn vận động làm teo cơ tứ chi. Lớn lên, cô gái người Ê Đê này không thể đi lại được mà chỉ biết lết quanh quẩn trong nhà. Bản thân em thì khó khăn trong đi lại, còn gia đình có đến 8 người con luôn sống trong túng quẫn, nên Ven không thể đến trường để học cái chữ.

 

Lúc 20 tuổi, Ven xin gia đình ra ở riêng, cất nhà tạm tại mảnh đất gần nhà cha mẹ. Vào năm 2006, Hội Người khuyết tật xã Suối Trai xem xét hỗ trợ Ven 3 triệu đồng để em buôn bán kiếm sống. Quán nhỏ ven đường của Ven bán các loại bánh kẹo, nhu yếu phẩm phục vụ tiện lợi cho bà con trong thôn.

 

Nói về cuộc đời mình, Hờ Ven kể: “Bị tật nguyền như vậy, ngoài bán hàng ra em ít tiếp xúc với ai. Vì muốn biết chữ để hiểu thêm nhiều điều trong cuộc sống nên em tìm tòi học hỏi và để ý học theo các em của mình. Bây giờ em đã đọc thông, nhưng viết thì chưa thạo lắm. Việc mua bán tính toán phức tạp thì em dùng điện thoại để hỗ trợ”.

 

Bàn chân Ven dị dạng, hai chân co quắp lại. Ven chỉ làm lụng bằng tay phải, nhưng cũng yếu. Cô gái 32 tuổi này sở hữu khuôn mặt trắng sáng, đôi mắt to tròn và luôn nở nụ cười khi tiếp chuyện với khách, song điều đáng thương là hầu như cơ thể của Ven luôn gắn với chiếc xe lăn, kể cả khi nấu cơm, giặt quần áo và bán hàng. “Chiếc xe lăn em đang dùng là xe cũ mua lại của người khác với giá 2,5 triệu đồng”, Ven cho biết.

 

Chỉ sống một mình, niềm vui duy nhất của Hờ Ven là kết bạn trên facebook, xem ti vi. Ven bảo: “Mình cũng phải hòa nhập với mọi người để cuộc sống vui tươi hơn”. Nói về Hờ Ven, anh Nguyễn Hoài Lưu, phụ trách Chương trình trợ giúp người khuyết tật xã Suối Trai, không ngần ngại khen: “Cô gái tật nguyền này luôn có nghị lực để vươn lên, tự nuôi sống bản thân, đáng được trân trọng”.

 

Sống cách nhà Hờ Ven không xa, A Lê Hờ Róc, 25 tuổi, ở thôn Xây Dựng (xã Suối Trai) là chị cả trong gia đình có 6 chị em. Các em của Hờ Róc đều được đi học; một đứa đã lấy vợ. Người chị cả tật nguyền này đang mang thai 4 tháng trong sự vui mừng lẫn lo lắng của người thân khi nghĩ về sức khỏe của bà mẹ trẻ này. Bị bại não nhẹ và rối loạn vận động, lúc nhỏ, Hờ Róc đi đứng khó khăn, nói năng ngọng nghịu. Cơ thể em luôn đau nhức mỗi khi thời tiết thay đổi. Hờ Róc nói vui: “Lúc nhỏ, mẹ cũng đưa em đến trường, nhưng em không học được vì tay không cầm được viết. Em không thể buồn mãi mà cố gắng sống tốt để gia đình yên tâm”.

 

Không biết chữ nhưng Hờ Róc luôn lịch sự, lễ phép và tỏ ra hiểu biết nhiều. Em nói: “Nhờ sự trợ giúp của Hội Người khuyết tật xã, em được vay vốn để bán tạp hóa. Ở đây phần lớn người ta mua nợ, đến mùa thu hoạch mía, sắn hoặc bán bò họ mới trả tiền cho mình được. Thấy tiền lời từ bán hàng không là bao, em mượn thêm tiền mẹ mua bò về nuôi”. Nghe chuyện Hờ Róc đi làm thuê, nhổ cỏ sắn, cỏ mía cho người khác, chúng tôi không khỏi kinh ngạc. Hờ Róc bảo: “Thấy cha mẹ vất vả quá nên em muốn giúp. Mỗi ngày làm công, có người thương thì trả 100.000 đồng, còn người khác thì cho vài chục ngàn. Số tiền này em đưa cho mẹ để nuôi các em ăn học. Có lần đi làm thuê phải leo qua đèo dốc, em bị té lác cả tay chân”.

 

Bà nội của Hờ Róc đã ngoài tuổi 70 và ở cùng vợ chồng em. Bà Tun Róc bảo: “Cháu tật nguyền nhưng thấy tôi già cả, ốm yếu, biết giúp bà nấu cơm và làm các công việc nhà. Nay cháu đã có chồng và đang mang thai, tôi càng thấy thương cháu hơn”.

 

* * *

 

Câu chuyện của những người khuyết tật nói trên làm tôi nhớ đến lời gửi gắm của một người đồng cảnh ngộ trên facebook: “Con sâu nếu không vượt qua những nỗi đau về thể xác thì sẽ không thoát khỏi kén để thành loài bướm đẹp đẽ được. Con chim, con thú nếu không vượt qua nỗi sợ của lần đầu tiên tập bay, tập chạy thì sẽ không biết được bầu trời và khu rừng đẹp như thế nào. Nhiều người khuyết tật chúng ta cũng như vậy, sẽ không thể có một cuộc đời tươi vui nếu không nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của chính mình”.

 

Bài 2: Viết lên cuộc sống

 

THU THỦY - TUYẾT DIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek