Thứ Ba, 15/10/2024 01:30 SA
78 mùa xuân vẫn say mê công tác Hội
Thứ Ba, 29/12/2015 08:07 SA

Ông Lê Tỷ Khởi, người thứ hai từ phải sang - Ảnh: T.Trang

Ở tuổi gần 80, lẽ ra ông có thể nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, sum vầy cùng con cháu. Thế nhưng, ông vẫn say mê công tác Hội, tích cực viết bài cho báo, tạp chí, tham gia các hội đồng khoa học thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Ông là Lê Tỷ Khởi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Kinh tế Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Phú Yên.

 

KÝ ỨC MỘT THỜI GIAN KHÓ

 

Ông Lê Tỷ Khởi sinh năm 1938, trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Gia đình có 5 anh em, 4 trai, 1 gái. Người cha và người anh cả đi tập kết, người anh thứ tư là liệt sĩ chống Pháp, còn lại 3 anh em làm cơ sở hợp pháp, nắm bắt và cung cấp tình hình các mặt ở địa phương cho cách mạng. Vì gia đình có mối quan hệ như vậy nên kẻ địch nghi ngờ, tìm mọi âm mưu, thủ đoạn khủng bố, khống chế, bắt đánh người anh thứ ba và giam em gái của ông… Sau khi ra tù, 3 anh em thoát ly ra căn cứ cách mạng, còn lại một mẹ già, địch liên tục quản thúc, đe dọa…

 

Nhớ về những năm tháng chiến tranh ác liệt, ánh mắt ông nhìn xa xăm hồi tưởng lại một thời đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Ông tâm sự: Khi là một Bí thư Đoàn, tôi luôn hết lòng với công tác thanh niên, phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động, tổ chức các đại hội có hàng trăm thanh niên tình nguyện vào lực lượng vũ trang. Tôi còn tham gia cùng đoàn công tác phát động quần chúng ở vùng phụ cận đô thị (xã Hòa Kiến) tham gia các chiến dịch cách mạng. Có lần đi làm công tác chuẩn bị địa bàn cho chiến dịch tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 ở hướng vùng phụ cận phía tây TX Tuy Hòa (xã Hòa Trị Đông), tổ vũ trang của tôi bị lọt vào ổ phục kích của địch, chúng bắn xối xả tiểu liên, M79, cối, pháo, súng… Một đồng chí hy sinh, một đồng chí bị thương ở chân không đi được, tôi phải tìm đường tắt, vượt khỏi vòng nguy hiểm, dìu thương binh về phía sau. Sau đó tiếp tục bám trụ, chuẩn bị địa bàn cho giờ nổ súng. Trước giờ nổ súng, địch lùng sục xung quanh, lực lượng ta phải nằm bên ngoài. Đúng giờ nổ súng vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân, địch rút co cụm, ta liên tục tiến công nổi dậy bám trụ cả ngày, đêm suốt thời gian chiến dịch...

 

Sau khi được điều về làm việc ở cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, ông đã tích cực tham gia xây dựng căn cứ địa, bố phòng, đào hầm trú ẩn, xây dựng lán trại, phát rẫy trồng sắn, gieo các loại đậu, màu, sản xuất lúa. Đó là những cơ sở vật chất đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên cơ quan nhằm đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, an ninh - quốc phòng để phục vụ chỉ đạo…

 

Luôn kiên trì, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao là phẩm chất đáng quý của ông và nhờ đó ông được cấp trên tin tưởng giao đảm trách nhiều vị trí công tác quan trọng: Bí thư Huyện đoàn, cán bộ tổ chức Huyện ủy Tuy Hòa 2, Phó Văn phòng Tỉnh ủy. Sau đó, được phân công làm Phóban trực Ban Nội chính, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế Tỉnh ủy - phụ trách Đảng dân chính đảng, rồi trúng cử HĐND tỉnh khóa 1994-1999, làm Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh… Dù ở vị trí nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp tin yêu. Ông Nguyễn Văn Trúc, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy, cho biết cảm nhận của mình về ông Sáu Khởi: “Trong suốt quá trình công tác, nhất là những năm tháng làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, anh ấy rất gương mẫu trong làm việc, tác phong, đạo đức, lối sống chỉn chu. Đối với đồng nghiệp thì sống gần gũi, chân tình giúp đỡ. Còn đối với công việc thì anh Khởi cũng đã có những đóng góp không nhỏ, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển”.

 

NHIỆT TÂM CỐNG HIẾN CHO CÔNG TÁC HỘI

 

Năm 2001, ông nghỉ hưu. Lẽ ra nên nghỉ ngơi sau khoảng thời gian công tác dài, nhưng với bản chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, đam mê công việc, ông vẫn nặng lòng và nguyện gắn bó với công tác Hội Khoa học Kinh tế Phú Yên. Ai một lần được tiếp xúc với ông đều rất ấn tượng về một bậc cao niên đã qua cái tuổi xưa nay hiếm với nụ cười hiền hậu, phong thái cởi mở nhanh nhẹn, hoạt bát và đầy nhiệt huyết, tận tâm trong công tác Hội. Mọi người đều kính trọng gọi ông với cái tên thân mật là ông Sáu Khởi. Với tôi, ông tựa như người cha người chú luôn nhẹ nhàng khuyên nhủ, sẻ chia những câu chuyện về Hội một cách say mê, tâm huyết.

 

Ông nói: Tôi suy nghĩrằng đã là một công dân của nước Việt Nam, là con cháu Bác Hồ, phải không ngừng ra sức học tập, nâng cao hiểu biết, đem sức lực và trí tuệ của mình suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thông thường mỗi cán bộ công nhân viên chức được tổ chức phân công nhiệm vụ nào đó ở một cơ quan, một ngành hay một lĩnh vực thì cần phải hết mình vì công việc. Ông quan niệm đời người học không chỉ một lần mà học suốt đời, học không chỉ để lấy bằng cấp mà học để: “Mình trở thành người có ích, biết đem tri thức, sự hiểu biết đó cống hiến cho đời”. Xuất phát từ những suy nghĩ đó, sau khi nghỉ hưu, ông đã đề xuất thành lập Hội Khoa học Kinh tế năm 2002.

 

Ông Sáu Khởi cho biết, ban đầu, Hội được thành lập với rất ít hội viên, đến nay, Hội đã có 120 hội viên. Khi mới thành lập, Hội gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm tổ chức, vận động hội viên, nhưng ông cùng Ban Chấp hành đã chèo lái đưa phong trào hoạt động của Hội đạt hiệu quả cao. Trên cơ sở đó, những năm sau này, ông tiếp tục cùng Ban Thường vụ Hội căn cứ đường lối và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, để xây dựng nhiệm vụ của Hội phù hợp; xác định rõ nội dung và các hình thức, giải pháp hoạt động của Hội là phải thiết thực, có hiệu quả, thúc đẩy việc tập hợp lực lượng, huy động tiềm năng sáng tạo của cán bộ khoa học kinh tế vào sản xuất, đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.

 

Hội còn ra sức tuyên truyền, phát triển xây dựng Hội bằng cách truyền bá kiến thức, đưa khoa học công nghệ vào đời sống xã hội; hướng dẫn các chi hội chủ động sinh hoạt, bàn bạc, thảo luận, đề xuất và góp ý kiến vào các dự án, chương trình công tác. Hội tiếp nhận đơn đặt hàng về các đề tài, dự án và phân bổ cho các nhóm thành viên nghiên cứu góp kiến gửi về thường trực Hội để tổng hợp tham gia các hoạt động. Điểm nổi bật của Hội Khoa học Kinh tế là hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội nhiều đề tài, dự án lớn. Riêng bản thân ông đã tham gia hàng chục hội đồng khoa học phản biện các dự án liên quan đến lĩnh vực khoa học kinh tế - xã hội nhân văn. Đơn cửnhư các dự án “Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới của tỉnh Phú Yên”, “Kết hợp kinh tế với quốc phòng ở một số ngành chủ yếu trên địa bàn tỉnh”, “Nghiên cứu đo đạc chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh”. Ông còn tham gia phản biện các dự án Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh… Ý kiến phản biện của ông luôn được hội đồng đánh giá cao về tính khoa học và thực tiễn; được hội đồng thẩm định chấp nhận và kết luận bổ sung vào văn bản, giúp dự án hoàn thiện hơn.

 

Không chỉ say mê công tác Hội, ông còn là Chủ tịch Hội Thầy và trò Trường Lương Văn Chánh Phú Yên hai nhiệm kỳ liên tục (2006-2016); đây xem như là sự tiếp nối không ngừng nghỉ của mọi thế hệ cán bộ quản lý, giảng dạy và học sinh, bằng sự nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp trồng người vì tương lai của đất nước.

 

ThS Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, đánh giá rất cao những đóng góp của Hội Khoa học Kinh tế và cá nhân ông Lê Tỷ Khởi: “Bác Sáu Khởi luôn gương mẫu trong các phong trào hoạt động Hội, luôn vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Hội. Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, bác đã góp phần to lớn trong nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết trí thức, góp phần xây dựng tổ chức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Phú Yên ngày càng phát triển vững mạnh”.

 

78 mùa xuân với 53 năm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, ông Lê Tỷ Khởi như cánh chim không mỏi, vẫn nhiệt tâm, say mê cống hiến cho công tác Hội. Ở đâu, làm việc gì, ông cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ mẫn cán, trung thành với Đảng, với dân, hết lòng vì công tác xã hội. Ông xứng đáng là tấm gương sáng để những thế hệ trẻ ngày nay học tập và noi theo.

 

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Lê Tỷ Khởi vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Giải phóng hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương về thành tích xuất sắc trong công tác và hoạt động xã hội.

 

THÙY TRANG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek