Thứ Ba, 15/10/2024 01:28 SA
Xuân về sớm trên quốc lộ 19C qua huyện Đồng Xuân
Chủ Nhật, 03/01/2016 08:00 SA

Quốc lộ 19C, đoạn qua xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) giáp ranh xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: P.NAM

Con đường bụi mù, gập ghềnh vào mùa khô, ngập nước trong mùa mưa lũ đã không còn nữa, thay vào đó là mặt đường bê tông bằng phẳng. Đối với người dân các huyện miền núi, trục giao thông phía tây Phú Yên (nay là quốc lộ 19C) giống như một giấc mơ, kéo theo đó là những đổi thay to lớn cả về kinh tế - xã hội. Những tháng cuối năm, đi trên quốc lộ 19C qua huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, người ta càng cảm nhận rõ hơn sự đổi thay ở các huyện miền núi này.

 

GIẤC MƠ CÓ THẬT

 

Chỉ hơn 5 năm trước đây thôi, đi dọc tuyến ĐT641 qua huyện Đồng Xuân, hai bên vẫn còn hoang vắng lắm; mặt đường nhiều ổ voi, ổ gà, nhất là đoạn từ cuối địa phận thị trấn La Hai đến các xã Xuân Long, Xuân Lãnh, Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, lên đến huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Trên đoạn quốc lộ 19C từ thị trấn La Hai đi các xã Xuân Quang 3, Xuân Phước tới địa phận xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, đường đi quá gian nan, nguy hiểm, nhất là đoạn qua đèo Dốc Đứng mà người dân quen gọi là dốc tử thần. Đó là chưa kể các cầu cống trên tuyến này cũng xuống cấp nghiêm trọng. Anh La Mo Lan, người dân sống tại thôn Suối Mây (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) có hơn 20 năm buôn bán nhu yếu phẩm cho bà con ở thôn Suối Mây, cho hay: “Cứ một tháng, tôi đi lấy hàng hai lần, chỉ hơn 12 cây số xuống chợ huyện nhưng thấy như dài thêm mười mấy cây số nữa vì đường xấu”. Đó là chưa kể vào mùa mưa, người dân tại đây muốn xuống phiên chợ huyện, khám chữa bệnh ở thị trấn La Hai, phải đi qua ít nhất 4 cây cầu từ cầu Suối Sản, Suối Muồng, thôn Phú Hội, cho đến cầu Suối Bà Sào, xã Xuân Phước, rồi đến cầu La Hai. Mà những cây cầu này lại thường ngập nước chỉ sau một trận mưa lớn.

 

Việc đi lại đã khó, vận chuyển nông sản lại càng khó khăn gấp bội, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất của bà con nông dân. Bởi vậy, sẽ không quá lời nếu nói quốc lộ 19C hôm nay giống như một giấc mơ đối với người dân nơi đây nói riêng và những khu cư dân dọc trên tuyến được thụ hưởng công trình nói chung.

 

TƯƠNG LAI RỘNG MỞ

 

Miền Tây Phú Yên vốn là vùng căn cứ cách mạng qua các thời kỳ, sau giải phóng đến nay tuy đã có sự đổi thay nhất định nhưng giao thông vẫn còn khó khăn, nhất là đến mùa mưa bão hay bị ách tắc. Cách đây 3 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Phú Yên tổ chức lễ khánh thành dự án Trục giao thông phía tây Phú Yên nối liền 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Đắk Lắk, với tổng kinh phí gần 610 tỉ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 115km với 18 cầu, đập, tràn, đi qua 15 xã của ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh. Điểm đầu của trục giao thông phía tây Phú Yên tại thôn Mục Thịnh, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, nối với ĐT638, thuộc huyện Vân Canh (Bình Định); điểm cuối tại xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, nối với tuyến NT715B thuộc huyện M’Đrắc (Đắk Lắk). Trên địa bàn huyện miền núi Đồng Xuân, tuyến đường này đi qua 5 trên tổng số 11 xã, thị trấn của huyện. Ở tầm vĩ mô, nó đã mở ra cơ hội mới cho địa phương phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi trong thông thương hàng hóa giữa các vùng và vận chuyển nông sản. Tuyến đường này phục vụ an ninh, quốc phòng và tạo động lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi; trong đó riêng thu nhập bình quân đầu người đến nay đã lên từ 20-25 triệu đồng, tăng hơn 10 triệu đồng so với cách đây 5 năm.

 

Đối với người dân sinh sống, làm ăn dọc tuyến đường này, những con đường bụi mù, gập ghềnh chỉ còn trong tiềm thức và chặng đường từ các thôn, xã đến trung tâm huyện sẽ gần hơn. Nhất là trong những tháng cận tết, đi suốt quốc lộ 19C qua các thôn, xã trên địa bàn huyện Đồng Xuân, đâu đâu cũng bắt gặp không khí rộn ràng. Người dân hăng say sản xuất, buôn bán tích lũy để chuẩn bị mua sắm tết, đón một mùa xuân mới đủ đầy. Phấn khởi nhất là năm nay gỗ rừng trồng được giá, cuối năm, bà con tranh thủ thu hoạch bán cho các nhà máy kiếm khoản tiền lớn sắm sửa tết đàng hoàng hơn. Nhờ vậy mà nhà nhà “đua” nhau đầu tư trồng rừng trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, kể cả trồng trên đất mía, sắn bạc màu.

 

Còn hơn một tháng nữa mới đến tết cổ truyền của dân tộc, nhưng người dân cũng đã chỉnh trang vườn, ngõ, tường rào song song với các tuyến bê tông liên thôn, liên xóm, tạo nên bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, gây cảm giác xuân về sớm hơn mọi năm. Ở các thôn, buôn xa hơn như Phú Giang, Phú Tiến, Phú Hải, Suối Mây, Hà Rai, Xí Thoại…, đồng bào cũng phấn khởi không kém, vui niềm vui quê hương đổi mới từng ngày. Con đường huyết mạch được đầu tư đúng mức kéo theo đó là những đổi thay đáng kể, mà dễ thấy nhất là đời sống bà con nhân dân và bộ mặt nông thôn. Anh Lê Minh Tung, người sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Hội, xã Xuân Phước, cho hay: “Mấy năm trước, sắn mía tới mùa thu hoạch lại lo canh cánh chuyện vận chuyển. Gặp mùa mưa, có bữa sắn tồn đọng lại một chỗ hư hết. Giờ thì đường sá tốt hơn, khỏi phải lo nữa rồi. Đảng, Nhà nước lo cho dân vậy chứ sao nữa!”.

 

Huyện Đồng Xuân hiện có hơn 60.000 người, trong đó hơn 80% dân số làm nông nghiệp. Các xã có diện tích cây mía, sắn tương đối lớn như Xuân Quang 1, Xuân Phước lại nằm cách xa trung tâm huyện. Lợi thế lớn của huyện là có nhà máy sản xuất tinh bột sắn và Nhà máy đường KCP đóng trên địa bàn, cộng với hệ thống giao thông được xây dựng, nâng cấp đã hỗ trợ đắc lực cho việc thông thương, vận chuyển hàng hóa nông sản. Có lẽ mới nhất và dễ nhận thấy nhất là từ khi trục giao thông phía tây được nâng cấp thành quốc lộ 19C, xe cộ từ các nơi qua lại tấp nập hơn, người dân chỉ cần đứng trước cửa ngõ vẫy tay đón là có thể ra Bắc vào Nam “ngon lành”.

 

Xã Xuân Phước, nơi từng diễn ra nhiều trận chiến ác liệt giữa ta và địch, nổi tiếng với cái tên căn cứ biệt kích Đồng Tre của chế độ cũ, nay là xã điểm xây dựng nông nông mới của huyện Đồng Xuân. Những ngày cuối năm, nhiều đôi nam thanh, nữ tú kết tóc se duyên, đặt tiệc cưới tại nhà hàng sang trọng với sức chứa lên đến hơn 500 khách, không khác gì ở thành phố. Trong từng thôn xóm, nhà nhà tấp nập vận chuyển nông sản bằng xe công nông để kịp tiêu thụ ăn Tết Bính Thân; trai, gái ở làng sau một năm xa xứ làm ăn cũng kịp hồi hương chuẩn bị đón tết, đi xe tay ga đời mới thong dong trên đường bê tông trải đến cửa ngõ còn thơm mùi xi măng. Dừng xe ở ngã ba đầu làng thôn Phước Hòa, anh Trần Văn Long (25 tuổi) không giấu nổi niềm vui, chia sẻ: “Năm nay, việc làm ăn ở TP Hồ Chí Minh rất thuận lợi, tiền bạc cũng rủng rỉnh hơn. Ngoài những món quà mua ở phương xa về tặng cha mẹ, bà con dòng họ, mình cũng sẽ mua thêm một số mặt hàng bày bán ngay tại cổng làng thông qua Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Quê mình nay đổi thay nhiều quá! Nổi bật nhất là đường bê tông nông thôn đan dày như “lưới cá” đến từng nhà, hàng quán cũng sung túc, nhộn nhịp hơn…”.

 

Có lẽ điều lạ và chưa từng thấy ở xã miền núi Xuân Phước này là cuối năm, trong lúc mọi người tất bật thu hoạch nông - lâm sản kiếm tiền sắm sửa tết, ở thôn Phú Xuân B xuất hiện điểm đăng ký vé máy bay khiến mọi người hết sức bất ngờ, tấm tắc “ca tụng” hết lời. “Chỉ cần có tiền là có thể mua vé máy bay tại chỗ và thuê xe của chủ đại lý xuống tận sân bay Tuy Hòa, bay vút đi TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội! Tôi phải bay một chuyến bằng vé mua tại làng mình đi TP Hồ Chí Minh thăm con cho biết”, anh Hồ Văn Dũng, người có kinh tế kha khá nhờ trồng mía, sắn và nuôi bò ở miền sơn cước này, khoái chí.

 

Hàng loạt đổi thay làm chuyển biến đến mức “chóng mặt” các vùng quê huyện Đồng Xuân dọc quốc lộ 19C. Đây là những điều mà không một người dân ở vùng núi còn lắm gian truân này dám mơ cách đây 10 năm. Anh Nguyễn Văn Tâm, người dân xã Xuân Phước, ao ước: “Giá như có thêm tuyến xe buýt xuyên qua 3 huyện miền núi thì hay biết mấy! Có xe ở Xuân Phước, bà con xuống TP Tuy Hòa mua sắm, buôn bán nhiều hơn; bọn trẻ du xuân cũng thuận tiện, an toàn hơn. Có xe thì miền núi không khác gì đồng bằng, bà con cũng tự hào hơn, hãnh diện hơn với khách phương xa. Có xe xuống thị trấn La Hai, con cháu đi học hành càng dễ dàng hơn. Có xe rất, rất nhiều thuận lợi”.

 

Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Võ Cao Phi phấn khởi nói: Sau 3 năm, tuyến đường chiến lược của Phú Yên (nay là quốc lộ 19C) hoàn thành, đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng niềm mong đợi của hàng vạn hộ đồng bào các dân tộc ở 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh cũng như các huyện thuộc các tỉnh lân cận. Tuyến giao thông mở ra thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân đầu tư vào các loại cây trồng chủ lực của miền núi như sắn, mía, cà phê, cao su, rừng keo…, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc.

 

Có thể khẳng định, quốc lộ 19C huyết mạch cộng với sự chuyển biến mạnh mẽ của phong trào xây dựng nông thôn mới tại các huyện miền núi, trong đó có Đồng Xuân (huyện “30a” đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, ưu ái đặc biệt) như một bàn đạp cho sự chuyển mình trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Và chắc chắn trong mùa xuân này, niềm vui năm mới của bà con nhân dân cũng nhiều gấp bội.

Bí thư Huyện ủy Võ Cao Phi

 

PHƯƠNG NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek