Thứ Ba, 15/10/2024 03:24 SA
Người chỉ huy “tuyến lửa” chống Fulro
Kỳ 2: Tình người trên hành trình trở về của “Hùm xám Tây Nguyên”
Chủ Nhật, 20/12/2015 12:00 CH

Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng làm việc với đồng chí Phạm Hùng, khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) - Ảnh: T.LIỆU

Giăng bẫy rất tài tình, Ban chuyên án Cao nguyên F101 bí mật bắt gọn nhóm Fulro của đại tá Ya Duck mà không làm vang lên một tiếng súng. Bằng tình người, tình đồng bào, thượng tá Vũ Linh khi đó đã đưa người lạc lối trở về với buôn làng, với đại gia đình dân tộc. Trong lòng Ya Duck, ông Vũ Linh là người anh, người thầy, là ân nhân.

 

“HÙM XÁM” SA LƯỚI

 

Từ những thông tin có được khi khai thác Ya Theng, Ha Poh, Ban chuyên án bí mật bắt P, một y tá tại huyện Đức Trọng. P chơi thân với cháu của Ha Poh và qua người bạn này, cô biết một số sĩ quan Fulro đang tìm cách trốn ra nước ngoài. Do thân thiết với cháu của Ha Poh nên P đứng ra “kết nối” nhóm Fulro với một đường dây đưa người trốn ra nước ngoài do Caritas tổ chức.

 

Sử dụng P - đó là hướng tốt nhất để “nhử” “hùm xám”. Được sự đồng ý của Ban chuyên án, các trinh sát lập kế hoạch xây dựng P thành đặc tình. Về phần mình, sau khi được phân tích, P đã nhận ra việc làm sai trái và đồng ý cộng tác với cơ quan an ninh. Thông qua các liên lạc nằm vùng của Fulro, người phụ nữ trẻ gửi thư cho sĩ quan liên lạc của nhóm Ya Duck, báo rằng đã liên lạc được với tổ chức Caritas. Để củng cố lòng tin của toán Fulro đối với P, cơ quan an ninh chuẩn bị một số giấy tờ chứng minh cô gái trẻ này đã đi Đà Nẵng liên lạc với Caritas.

 

Đúng như dự đoán, sau khi nhận được thư, nhóm của đại tá Ya Duck đề nghị gặp mặt P để kiểm chứng, tránh bị sập bẫy cơ quan an ninh. Nhưng cái bẫy đã được bố trí kỹ càng, ngụy trang khéo léo.

 

Như đã hẹn, P qua sông Đa Nhim gặp hai tên Fulro, trong đó có trung úy Tô Na. Sau khi đặt ra hàng loạt câu hỏi về Caritas và kiểm tra giấy tờ của P đi Đà Nẵng, gồm vé xe, giấy đi đường có đóng dấu bến xe Đà Nẵng, hai tên này bảo P chờ chúng xin ý kiến chỉ huy. Khi quay lại, chúng trao cho cô danh sách các sĩ quan Fulro sẽ xuất ngoại chuyến này, trong đó có đại tá Ya Duck và trung tá Lơmu Ha K’Rông, Tổng trưởng Giao thông công chánh, đồng thời hẹn đúng 6 giờ sáng ngày 13/8/1980 cho xe xuống chợ cũ Tùng Nghĩa.

 

Diễn biến tình hình cho thấy nhóm Ya Duck đã phần nào tin vào kết hoạch xuất ngoại của “Caritas”. Tuy nhiên, Fulro không hề “ngây thơ”. Để tránh bị sập bẫy cơ quan an ninh, các Fulro nằm vùng bám sát P. Sau khi gặp trung úy Fulro Tô Na, P đến bưu điện đánh điện về Đà Nẵng cho “mục sư Lâm”. Số Fulro nằm vùng nhanh chóng kiểm tra nội dung bức điện. Tất cả sự việc đó không thoát khỏi đôi mắt tinh tường của các trinh sát ngoại tuyến.

 

Nghe Ban chuyên án báo cáo tình hình, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhất trí với kế hoạch giăng bẫy để bí mật bắt toán của Ya Duck. Ta chọn một chiếc xe có màu sắc đúng như P đã trao đổi với toán Fulro, mang biển số của TP Hồ Chí Minh để “đón” toán của Ya Duck. Trên xe có mặt P và “phái viên của Caritas” do thiếu úy Lâm Văn Thạnh, trinh sát ngoại tuyến thuộc Phòng Bảo vệ chính trị vào vai; lái xe cũng là một cán bộ an ninh đã được huấn luyện kỹ, mang theo những giấy tờ cần thiết để toán Fulro không chút nghi ngờ.

 

Địa điểm bắt toán Fulro của Ya Duck cũng được chọn lựa kỹ, cách Đà Lạt khoảng 70km. Trên đoạn đường vắng vẻ này, ta bố trí lực lượng và một chiếc xe bịt kín. Ngoài ra còn có một chiếc xe khác của ta bí mật bám theo chiếc xe chở Fulro, để xử lý tình huống xấu trong trường hợp chúng phát hiện mình bị giăng bẫy.

 

Đúng 6 giờ ngày 13/8/1980, xe đón Fulro có mặt tại điểm hẹn ở Tùng Nghĩa (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) và ra ám hiệu. Hai tên liên lạc của Fulro xuất hiện, kiểm tra xe rồi ra hiệu cho nhóm của đại tá Ya Duck từ bên kia sông Tùng Nghĩa bơi thuyền sang. Sau khi để lại vũ khí “nhằm tránh nguy cơ bị bại lộ” - theo yêu cầu của P, trong trang phục dân thường, nhóm Fulro lần lượt lên xe của “Caritas”. Cái bẫy mà Ban chuyên án Cao nguyên F101 dày công giương ra đã sập xuống ngoạn mục, bí mật bắt gọn nhóm Fulro trong đó có Ya Duck và Lơmu Ha K’rông mà không làm vang lên một tiếng súng!

 

Sau khi “hùm xám” sa lưới, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cho chuyên án Cao nguyên F101, theo ý kiến của cấp trên, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Đỗ Quang Thắng làm Trưởng ban chuyên án; thượng tá Vũ Linh, Phó Trưởng ty phụ trách an ninh, nhận nhiệm vụ Phó ban thường trực. Với quyết tâm đánh tan Vùng 4 - quân khu “chủ lực” của Fulro, góp phần cùng công an các địa phương đập tan tổ chức phản động này, ta cảm hóa Ya Duck và thực hiện liên tiếp 7 kế hoạch “dụ rắn ra khỏi hang”.

 

Kết thúc chuyên án Cao nguyên F101, ta bắt được hơn 60 tên chỉ huy Fulro, làm tan rã một phần Trung ương Fulro ở Lâm Đồng. Tổ chức Fulro ở Nam Tây Nguyên gần như tê liệt. Đây là thắng lợi có tính quyết định đến việc đập tan tổ chức Fulro trong những năm sau đó.

 

Ông Vũ Linh kể rằng, trong những lần ta bí mật đi đón bắt các nhóm Fulro, ông thường ngồi trên một chiếc xe chạy ở phía sau, do thiếu úy Trần Hữu Phi cầm lái. Cùng đồng chí đồng đội của mình, Phó ban thường trực Ban chuyên án Cao nguyên F101 có mặt để sẵn sàng xử lý nếu xảy ra tình huống xấu.

 

Đại tá Vũ Linh khi giữ cương vị Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng (trái) và Phó Giám đốc Lê Phượng - Ảnh: T.LIỆU

 

CẢM HÓA BẰNG TÌNH NGƯỜI, HÓA GIẢI HẬN THÙ BẰNG NHÂN ÁI

 

Tan giấc mộng xuất ngoại, đại tá Ya Duck, Phó Thủ tướng thứ nhất Fulro, bàng hoàng nhận ra “phái viên của Caritas” là công an Việt Nam. Ông nhớ lại: “Tôi nói với cụ Vũ Linh: Tôi đã bị bắt, các anh muốn giết thì giết, tôi không sợ. Ông cụ trả lời: Tôi biết anh là người có trình độ, có bản lĩnh. Nhưng anh phải nghĩ đến dân tộc mình, đồng bào mình - những người đã nghe lời anh đi vào rừng. Họ còn tiếp tục ở trong rừng thì máu còn tiếp tục đổ và nay anh về, bà con sẽ hỏi chồng con họ đâu? Anh nói sao với họ đây?”.

 

Câu hỏi của người sĩ quan an ninh từng trải đã “đánh” đúng vào nỗi day dứt, dằn vặt của ông Ya Duck. Sau khi vào rừng được 3, 4 năm, người đàn ông K’ho này nhận ra mình đã bị lừa. “Tôi muốn trở về với bà con, với buôn làng nhưng chuyện không dễ. Lúc đầu mình nói đi giải phóng cho bà con, rồi sau đó mình lại làm khổ bà con, muốn trở về cũng khó chứ đâu phải đơn giản”, cựu đại tá Fulro thổ lộ. Như hiểu được tâm tư sâu kín của ông Ya Duck, thượng tá Vũ Linh đã dùng tình người, tình đồng bào để cảm hóa, đưa ông trở về với nhân dân. Ông Ya Duck kể: “Cụ Vũ Linh nói: Trước kia vào rừng, ông nói như thế nào mà bà con nghe lời, đi theo ông thì bây giờ ông nói lại cho bà con hiểu, rồi bà con mới có thể tha tội cho ông”.

 

Nhận ra đây chính là người sẽ giúp đỡ các “anh em” của mình trở về và không bị diệt vong, ông Ya Duck đồng ý tham gia vào kế hoạch “kéo” tàn dư Fulro trở về. Ông cảm kích: “Nếu không có cụ Vũ Linh, tôi không biết sẽ sống như thế nào, một số anh em của tôi sẽ không thể trở về với Nhà nước, với nhân dân. Chúng tôi có khả năng chém giết lẫn nhau và tự diệt vong. Cụ Vũ Linh là ân nhân số một đối với tôi. Tôi sống đến hôm nay và trưởng thành như hôm nay là nhờ ân nhân đó”.

 

Nhận ra con đường sai lầm mà mình đã đi, ông Ya Duck cùng thượng tá Vũ Linh đến các buôn làng - những nơi còn tàn dư Fulro, bắt đầu hành trình chuộc lỗi. “Tôi xin lỗi bà con, nói với họ là tôi đã sai rồi. Nếu bà con thứ lỗi thì tôi sẽ về lao động sản xuất, còn nếu không tha lỗi cho tôi, bà con muốn đối xử như thế nào thì tôi xin chịu, chỉ xin khoan hồng đối với những anh em đã từng đi theo tôi”, ông Ya Duck kể. Và, cùng với một số tay chân dưới quyền đã được cảm hóa, ông Ya Duck viết truyền đơn kêu gọi “anh em” của mình còn ở trong rừng ra đầu thú, đồng thời kêu gọi bà con dân làng không tiếp tay cho Fulro.

 

Trong hành trình trở về đầy e ngại của Ya Duck, thượng tá Vũ Linh đã giúp đỡ ông rất nhiều. Cũng chính ông Vũ Linh giới thiệu ông Ya Duck vào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Anh Nguyễn Trọng Hoàng, con trai cả của ông Vũ Linh, kể: “Có người e ngại, nhưng ba tôi nói rằng không có Ya Duck thì khó “kéo” hết bà con trở về với buôn làng, cứ đánh nhau, đổ máu mãi”.

 

Trong một lần trò chuyện, người sĩ quan an ninh ngày ấy - nay đã là ông cụ 90 tuổi - nhẹ nhàng nói với tôi: “Nợ máu không bao giờ trả được. Vì vậy, phải tìm cách thuyết phục, cảm hóa người ta về với mình, tránh tối đa việc đổ máu”.

 

Nghe tâm tư của một sĩ quan tình báo từng vào sinh ra tử trong kháng chiến chống Mỹ, tôi nhận ra: Bên cạnh sự mưu trí và tầm nhìn chiến lược, chính tình người, tình đồng bào đã làm nên tầm vóc đại tá Vũ Linh.

 

Trong một cuộc đấu trí đầy cam go và căng thẳng với Fulro, các thiếu úy: Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, Trần Hữu Phi và trinh sát an ninh Nguyễn Văn Cho (được Bộ Nội vụ tăng cường) rơi vào bẫy. Anh Diêu bị Fulro bắn chết tại chỗ. Ba người còn lại bị chúng tra tấn, sau đó đưa đi chuẩn bị thủ tiêu. Chớp lấy khoảnh khắc bọn Fulro sơ hở, thiếu úy Lâm Văn Thạnh ra hiệu cho đồng đội nhảy xuống hố tìm đường sống, còn một mình anh lăn xả vào tấn công, giữ chân địch cho đến hơi thở cuối cùng. Người sĩ quan an ninh ấy đã nhận cái chết về mình để đồng đội được sống. Anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ và chưa kịp đón đứa con đầu lòng chào đời. Với sự hy sinh anh dũng đó, thiếu úy Lâm Văn Thạnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Kỳ cuối: Ra đi và trở về làng quê Phụng Tường

 

PHƯƠNG TRÀ

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Xóm Rớ” ba xã trên đầm Cù Mông
Thứ Bảy, 28/11/2015 14:00 CH
Trận đánh không tiếng súng
Thứ Bảy, 21/11/2015 13:00 CH
Những con chữ ươm mầm xanh
Thứ Sáu, 20/11/2015 00:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek