Thứ Ba, 15/10/2024 01:33 SA
Người chỉ huy “tuyến lửa” chống Fulro:
Kỳ cuối: Ra đi và trở về làng quê Phụng Tường
Thứ Hai, 21/12/2015 11:00 SA

Ngay từ lần đầu gặp đại tá Vũ Linh và người bạn đời của ông tại ngôi nhà giản dị ở thôn Phụng Tường (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa), tôi thật sự cảm mến. Đại tá Vũ Linh nay đã 90 tuổi, di chứng của hai lần tai biến làm cho ông không thể đi lại như người bình thường song thần trí vẫn minh mẫn. Qua những câu chuyện được ông chắp nối theo hồi ức, tôi cảm nhận: Vượt lên trên những thành tích, chiến công chính là tình người, là góc nhìn nhân văn của một sĩ quan tình báo từng vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

 

Ông Vũ Linh và bà Nguyễn Thị Điểm - vợ ông Vũ Linh (ảnh do gia đình cung cấp)

 

RA ĐI TỪ LÀNG QUÊ PHỤNG TƯỜNG

 

Tổng khởi nghĩa năm 1945. Hòa vào dòng thác cách mạng, thanh niên phủ Tuy Hòa cầm cờ đi biểu tình. Trong số những người tổ chức hoạt động này có anh thanh niên 20 tuổi Nguyễn Trọng Cảnh (tên thật của đại tá Vũ Linh) - Ủy viên Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời xã Phụng Tường.

 

Giữa biển người hừng hực khí thế, anh thanh niên gặp một thiếu nữ tuổi trăng tròn, dong dỏng cao và rất đằm thắm. Học đến lớp nhì thì tổng khởi nghĩa nổ ra, bà Nguyễn Thị Điểm tham gia phong trào phụ nữ ở địa phương. Bà là con gái một người bạn của cha ông Cảnh.

 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Cảnh trở thành nhân viên Ty trinh sát rồi làm cán bộ bảo vệ chính trị Công an Phú Yên; bà Điểm tham gia Ban Phụ nữ xã Hòa Thắng. Như nhiều đôi trẻ thời ấy, theo sự sắp đặt của cha mẹ, họ nên vợ nên chồng.

 

Năm 1953, ông Nguyễn Trọng Cảnh cùng 4 cán bộ an ninh được cử ra Việt Bắc học lớp nghiệp vụ tình báo. Tạm biệt cha mẹ già, tạm biệt người vợ trẻ cùng hai đứa con thơ, ông khoác ba lô lên đường. Ròng rã 6 tháng trời đi bộ vượt núi băng rừng, nhóm của ông Cảnh đặt chân lên đất Bắc. Khi đó ở quê nhà Phụng Tường, con trai đầu lòng của ông bà vừa tròn 3 tuổi, bi bô gọi cha; con trai thứ hai mới biết bò, chưa nhận ra rằng nụ cười của cha đã vắng trong ngôi nhà bên đồng ruộng.

 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Cảnh là sĩ quan liên lạc tham gia tiếp quản Hà Nội rồi làm việc tại Văn phòng Nghiên cứu tổng hợp - Công an Hà Nội. Năm 1959, ông lên đường đi B. “Trên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, ba tôi bị viêm ruột thừa, phải trở ra Hà Nội phẫu thuật và tiếp tục công tác. 5 năm sau, ba đi B lần thứ hai, vào khu VI làm Tổ phó Tổ điệp báo A2 thuộc Bộ Công an”, anh Nguyễn Trọng Hoàng - con trai đầu của đại tá Vũ Linh - kể lại.

 

Theo các tài liệu, một trong những chiến công của Tổ điệp báo A2 là góp phần làm thất bại chiến dịch bình định cấp tốc của địch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Từ các thông tin do cơ sở của ta cung cấp, Tổ A2 đã mai phục, bắt sống 16 tên bình định nông thôn và cảnh sát đặc biệt, sau đó bắt sống Đoàn Đệ - Trưởng ty Nông lâm súc, được biệt phái sang tham gia chỉ huy chiến dịch bình định nông thôn cấp tốc. Bắt, không phải để giết người thị uy mà là để cho họ thấy rằng cộng sản thật sự là những người như thế nào và cảm hóa họ.

 

Sau gần 2 tháng học tập, sinh hoạt trong căn cứ cách mạng, Đoàn Đệ được phép trở về với gia đình. Thực hiện một trong ba yêu cầu của ông Vũ Linh, Đoàn Đệ tổ chức tiệc ăn mừng. Khi đám quan chức và bạn bè hết sức tò mò muốn biết Việt cộng đã đối xử như thế nào, Đoàn Đệ trung thực kể: “Họ ứng xử rất văn minh, tôn trọng con người, những người tiếp xúc với tôi là những người có học, trình độ hiểu biết khá rộng chứ không như chúng ta thường nói về họ lâu nay…”. Người đàn ông này đã giữ lời hứa với ông Vũ Linh: nói đúng sự thật, đúng với những gì mắt thấy tai nghe, không tô hồng mà cũng không bịa đặt, bôi xấu.

 

Không riêng Đoàn Đệ, mười mấy người bình định nông thôn và cảnh sát đặc biệt bị Tổ A2 bắt trước đó đều được học tập hơn một tháng rồi cho về, sau khi viết cam kết không ác ôn hại dân, không chống lại cách mạng… Cảm kích trước ứng xử văn minh của những người cách mạng, họ đã tuyên truyền cho cách mạng một cách tự nhiên…

 

Năm 1968, ông Vũ Linh được phân công về địa bàn Đà Lạt, làm Tổ trưởng Tổ A2. Năm 1971, ông là Thường trực Thị ủy, Trưởng ban An ninh Đà Lạt cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Sau giải phóng, ông Vũ Linh làm Trưởng ty An ninh Đà Lạt. Đến năm 1976, khi TP Đà Lạt được sáp nhập vào tỉnh Lâm Đồng, ông giữ cương vị Phó ty Công an Lâm Đồng. Người sĩ quan tình báo mưu lược, dũng cảm trong kháng chiến đã ghi dấu ấn của mình với chuyên án Cao nguyên F101 nổi tiếng. Đến năm 1986, ông mang hàm đại tá, làm Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng.

 

Đại tá Vũ Linh phát biểu trong hội thảo nghiệp vụ - Ảnh tư liệu

 

PHÍA SAU NGƯỜI SĨ QUAN TÌNH BÁO…

 

Sẽ là thiếu sót lớn nếu viết về đại tá Vũ Linh mà không nhắc đến người bạn đời của ông - bà Nguyễn Thị Điểm, một phụ nữ dễ mến và rất hiếu khách. Quê ở thôn Phong Niên (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), bà theo chồng về Hòa Trị khi mới mười tám đôi mươi. Đằng đẵng hơn 20 năm nuôi con chờ chồng, đi qua những năm tháng thanh xuân, đi qua những gian nan giữa đạn bom khói lửa, bà vẫn giữ tấm lòng thủy chung son sắt. Nụ cười nhẹ nhõm, tươi tắn trên gương mặt đầy vết chân chim ở tuổi 85 khi bà nhắc lại chuyện xưa.

 

“Tui nghĩ ổng đi học một năm rồi trở về, ai ngờ sau đình chiến, đất nước chia hai, ổng đi miết cho tới hơn 20 năm” - người bạn đời của đại tá Vũ Linh nói về việc bà chờ chồng hơn 2 thập kỷ bằng giọng nhẹ tênh. Nhưng tôi cảm nhận sức mạnh và nghị lực của bà ẩn bên trong câu nói nhẹ tênh đó.

 

Anh Trọng Hoàng kể rằng khi còn nhỏ, đêm đêm ngủ bên mẹ, anh thường nghe mẹ đọc “Chinh phụ ngâm”. Bao nhớ thương, đợi chờ, khắc khoải của người chinh phụ xưa như bước ra từ những trang văn vần, quyện hòa vào tâm trạng của người vợ có chồng tham gia kháng chiến.

 

Chặng đường hơn 20 năm mà bà Điểm độc hành, thật chẳng dễ dàng! “Tui làm đủ nghề, bán hàng xén có, cấy mướn có, buôn gánh bán bưng cũng có. Năm 28 tuổi, tui đưa con về Hòa Thắng, gởi cho phía ngoại rồi đi học nghề may. Học may xong, tui dựng cái quán phía trước cửa nhà chồng ở Phụng Tường, vừa may vừa bán hàng xén”, bà Điểm nhớ lại.

 

Tất bật với việc nhà song bà Điểm vẫn hăm hở tham gia việc nước. Bà làm cơ sở cho cách mạng, đi nắm tin tức, đưa thư từ và cùng cha mẹ chồng nuôi giấu cán bộ cách mạng trong ngôi nhà lá mái của gia đình. “Có một lần, cán bộ cách mạng từ trên rừng về tổ chức du kích hợp pháp. Lính phát hiện trái lựu đạn được giấu trong đống chuối xắt ra cho heo ăn. Nó điện xuống, lính túa lên bắt tui với em gái ổng (bà Nguyễn Thị Giỏi, khi đó là du kích ở địa phương - PV). Tụi lính tra hỏi: Lựu đạn ở đâu mà có? Tui nói đó là lựu đạn của Mỹ, của mấy ông chớ ai. Cộng sản thì tui đâu có biết”. Còn về chuyện tại sao lại tụ họp nhiều người, bà Điểm nhanh trí trả lời: Tới để cắt lúa, đập lúa chớ làm gì. Bằng chứng là đống lúa mới cắt về đó.

 

Không có cơ sở để kết tội bà Điểm và bà Giỏi làm việc cho cộng sản, tụi lính giam hai chị em một ngày rồi thả về.

 

Hoạt động bên cạnh miệng hùm hang sói, người bạn đời của ông Vũ Linh nhiều phen gặp nguy nan. Nhưng bà không kể về những lần vào tù ra khám, cũng không nói về sự vất vả của mình. Gương mặt bà bừng sáng khi nói về hai người con: Nguyễn Trọng Hoàng và Nguyễn Trọng Cừu. Trước năm 1975, anh Trọng Hoàng tham gia ban chỉ đạo phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên ở Đà Lạt. Năm 1970, anh Trọng Cừu được đưa ra Bắc, học ngành Hàng hải. Hai năm sau, tại khu vực núi Voi ven Đà Lạt, anh Trọng Hoàng rưng rưng gặp lại cha mình. Hai cha con, trên hai “mặt trận” khác nhau, đã đấu tranh cho lý tưởng, cho mục tiêu chung của toàn dân tộc: đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất đất nước.

 

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, anh Trọng Hoàng đưa mẹ từ Tuy Hòa lên Đà Lạt sum họp gia đình. Từ Hải Phòng, anh Trọng Cừu đang học năm cuối Trường đại học Hàng hải đã vượt hơn nghìn cây số về Đà Lạt gặp cha, thăm mẹ, thăm anh. Hạnh phúc của gia đình người sĩ quan tình báo Vũ Linh hòa trong hạnh phúc lớn lao của dân tộc.

 

Người bạn đời của đại tá Vũ Linh có quyền tự hào về hai người con của ông bà. Anh Nguyễn Trọng Hoàng là cán bộ quản lý đầu ngành trên nhiều lĩnh vực ở Lâm Đồng. Sau khi rời công việc quản lý, anh tham gia giảng dạy tại Trường đại học Đà Lạt và làm báo. Anh Nguyễn Trọng Cừu cũng đã nghỉ hưu theo chế độ sau thời gian giữ cương vị Giám đốc Cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh). Hai người con của ông bà đã soi vào tấm gương cha mẹ mà sống nên được những người chung quanh yêu quý, trân trọng.

 

*

 

Sau khi nghỉ hưu, đại tá Vũ Linh sống ở TP Đà Lạt một thời gian rồi cùng vợ trở về Phụng Tường, về với cái xóm nhỏ nơi từ đó ông ra đi, về với ngôi nhà giản dị gần cánh đồng thắc thỏm mưa nắng. Tháng năm trôi qua, nhiều thứ đã đổi thay. Nhưng sợi dây vô hình gắn kết ông bà với mảnh đất quê hương thì vẫn bền chặt. Như tấm lòng bà luôn son sắt. Như tình người lấp lánh trong ông. 

 

Với những chiến công xuất sắc, ông Vũ Linh đã được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhì. Năm 1988, ông được Hội đồng Bộ trưởng tặng bằng khen.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek