Thứ Ba, 15/10/2024 03:24 SA
Hiến đất xây trường mang cái chữ cho buôn làng
Thứ Hai, 14/12/2015 13:00 CH

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, từ bao đời nay, đất đai là tài sản quý giá. Vậy mà, trong thời gian qua, nhiều hộ đồng bào ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) tự nguyện hiến hàng trăm mét đất để xây dựng trường học, giúp con cháu có cái chữ. 

 

Ma Nưng (bên trái) trao đổi công việc với lãnh đạo xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) tại ngôi trường mà gia đình ông hiến đất - Ảnh: V.TÀI

 

TÌNH NGUYỆN HIẾN ĐẤT XÂY TRƯỜNG

 

Cuối tháng 11 vừa rồi, tôi đến xã Krông Pa công tác. Câu chuyện với các đồng chí lãnh đạo địa phương đang sôi nổi bàn về cây lúa nước, cây sắn, cây mía thì bị ngắt giữa chừng khi Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa La Chí Tùng nói về phong trào tự nguyện hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi của người dân nơi đây. Trong đó, nổi bật là việc hiến đất xây trường học ở buôn Chơ, buôn Thu.

 

Ông La Chí Tùng cho biết, theo chế độ mẫu hệ của người dân tộc Ê Đê, con cái sinh ra mang họ mẹ, người phụ nữ làm chủ trong hôn nhân và quyết định mọi việc “đại sự” của gia đình. Thế nhưng, riêng việc tình nguyện hiến đất xây trường học của đồng bào ở đây đều khởi phát từ những người đàn ông và nhận được sự đồng thuận cao của các bà vợ cùng cả gia đình. “Nhiều hộ đã không ngần ngại tự nguyện hiến đất, trong đó, Ma Nưng hiến 360m2, Ma Tư hiến 700m2 để xây trường học buôn Chơ, còn Ma Tin (buôn Thu) hiến 900m2 đất để xây trường mầm non. Trong khi đó, gia đình nào cũng đông con, đất đai không nhiều và có giá”, ông Tùng nói.

 

Từ thông tin này, tôi tìm đến nhà Ma Nưng để hiểu thêm sự tình. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lại là người lính đã từng kinh qua trận mạc, hơn ai hết, Ma Nưng hiểu rõ nghèo đói, lạc hậu là do mình không biết chữ, không có kiến thức. Những ngày trời mưa dầm dề, chứng kiến trên con đường đất ướt nhẹp, trơn trượt, nhiều phụ huynh dẫn con đi học ở điểm trường chính vừa xa lại rất khó khăn, ông không khỏi day dứt. Bà Tuôn Thin, vợ Ma Nưng kể, nhiều đêm liền thấy chồng mình trằn trọc không ngủ được, đến khi gặng hỏi thì ông mới chịu mở lời. “Đêm đó, khi nghe chồng nói việc hiến mảnh đất có được từ công sức bao năm gầy dựng của gia đình để Nhà nước xây trường học, tôi không tin vào tai mình. Nhưng không hiểu sao, tôi thấy thương ổng, thương các cháu nên đồng ý ngay”, bà Tuôn Thin nhớ lại.

 

Sau khi thống nhất, vợ chồng viết đơn lên xã xin hiến 360m2 đất để xây trường. Cuối tháng 4/2014, trường được khởi công. Ma Nưng dành cả tuần công lao động để phát quang bụi rậm, dọn cỏ trên phần đất nhượng lại cho địa phương xây trường. Không những thế, ông còn vận động bà con, thanh niên trong buôn cùng hưởng ứng để ngôi trường mơ ước sớm hoàn thành, chấm dứt tình cảnh bọn trẻ phải đi học xa như trước.

 

Sau nhiều tháng xây dựng, đầu năm học mới này, Phân trường mầm non buôn Chơ được khánh thành và đưa vào sử dụng. Nhìn ngôi trường trên mảnh đất của gia đình mình, Ma Nưng và vợ nở nụ cười mãn nguyện. “Vậy là tâm huyết của gia đình tôi và mơ ước của bà con đã thành hiện thực. Cứ nhìn hình ảnh tụi nhỏ trong buôn rủ nhau đến ngôi trường mới gần nhà học tập, sinh hoạt trong môi trường thuận lợi hơn, tôi thấy ưng cái bụng lắm”, Ma Nưng chia sẻ.

 

Từ nghĩa cử của Ma Nưng, Ma Tư ở cùng buôn cũng tự nguyện “cắt” 700m2 đất của gia đình để Nhà nước xây trường và 500m2 đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Khác với Ma Nưng và Ma Tư, là hộ nghèo có mã số nhưng Ma Tin ở buôn Thu cùng xã cũng đã tự nguyện hiến 900m2 đất để xây trường mẫu giáo, giúp trẻ em có nơi học tập, vui chơi tại chỗ. Ma Tin tâm sự: “Mình thấy mấy cháu phải đi học xa rất khổ, trong đó có con cháu của mình nữa, còn học ở nhà rông của buôn thì chật chội. Vì vậy, mình góp đất để lũ nhỏ có nơi học hành đàng hoàng hơn”.

 

Một giờ học của trẻ em tại Phân trường mầm non Krông Pa - Ảnh: V.TÀI

 

NIỀM VUI NHÂN LÊN

 

Về Krông Pa hôm nay, nhìn nét mặt rạng ngời, tươi vui của học sinh các cấp đang tung tăng vui đùa trong những ngôi trường khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất không khác dưới xuôi, ai cũng thấy ấm lòng. Không chỉ các cháu học sinh vui mừng, mà niềm vui ấy cũng được nhân lên gấp bội trong lòng phụ huynh. Họ vui vì từ ngày trường học được đưa vào sử dụng, mỗi nhà không phải gác công việc nương rẫy thường nhật để đưa đón con cái đi học như trước. Lũ nhỏ học gần nhà cũng đỡ phải lo mất an toàn giao thông như khi phải đi một quãng đường xa. H’Rin, một người dân ở buôn Chơ, nói: “Trường mới ngay trong buôn, tụi nhỏ ới nhau đi học khỏe re. Còn người lớn thì yên tâm đi rẫy làm ăn, lợi nhiều thứ lắm”.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Như Quỳnh (Hiệu trưởng Trường mầm non Krông Pa) chia sẻ: “Chúng tôi thường nói với các học sinh rằng, đây là ngôi trường được Ma Nưng tặng đất. Vì vậy, các em phải cố gắng học tập để lên các lớp trên cho giỏi, sau này có kiến thức đóng góp tốt cho buôn làng, cho xã hội. Được như vậy thì người cho đất mới vui nhiều”.

 

Trưởng buôn Thu Ma Péc nói: “Vợ chồng Ma Tin có 6 người con, gia đình thuộc diện hộ nghèo có mã số. Ngoài việc hiến đất xây trường mẫu giáo, Ma Tin còn hiến đất cho những người nghèo trong buôn không có đất ở để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Việc làm của Ma Tin có ý nghĩa rất lớn, thiết thực góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng nông thôn mới của xã, của buôn”. Còn Ma Tư phấn khởi thổ lộ: “Thời chiến tranh loạn lạc, gia đình nghèo nên tôi không được ăn học tử tế, đàng hoàng. Hòa bình lập lại rồi mà tôi thấy các cháu đi học khổ quá, nơi học không đàng hoàng thì sao mà nhập được cái chữ để thành người! Tôi quyết định hiến đất vì muốn tạo điều kiện để thầy cô giáo đào tạo các thế hệ học sinh thành những người có ích cho đất nước, quê hương sau này. Chỉ có kiến thức mới sớm đưa buôn làng thoát được cảnh đói nghèo, lạc hậu”.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Diễu, Chủ tịch UBND xã Krông Pa, khẳng định: Trong những năm qua, hệ thống điểm trường mẫu giáo ở các buôn trong xã còn thiếu nhiều. Nhiều buôn tận dụng nhà sinh hoạt cộng đồng để dạy nên ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu. Vì thiếu địa điểm xây trường, nhiều trẻ em của xã phải đi bộ hàng cây số đến trường, không ít em vì khó khăn mà đành bỏ lỡ việc học. Do vậy, việc hiến tài sản của mình để xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương của các hộ nói trên là nghĩa cử rất đáng trân trọng”.

 

Nhờ có các hộ tự nguyện hiến đất mà xã Krông Pa nói riêng và huyện Sơn Hòa nói chung đã giải quyết được bài toán khó về địa điểm học tập cho các cháu học sinh và nhà sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần giúp các xã sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi.

 

Ông Tô Phương Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa

 

VĂN TÀI 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những con chữ ươm mầm xanh
Thứ Sáu, 20/11/2015 00:00 SA
Bài 3: Đột phá để nâng cao chất lượng
Thứ Năm, 19/11/2015 11:01 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek