Thứ Năm, 25/04/2024 13:50 CH
Trận đánh không tiếng súng
Thứ Bảy, 21/11/2015 13:00 CH

Đầu mùa khô năm 1967, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, địch tiến hành đợt bình định cấp tốc rất quyết liệt. Tỉnh Lâm Đồng thời đó chỉ bao gồm các huyện từ Di Linh trở xuống các huyện phía nam.

 

Đại tá Vũ Linh khi nghỉ hưu - Ảnh: H.NGUYÊN

Đám bình định nông thôn mặc áo đen tràn xuống các xã tiếp xúc với dân theo kiểu ba cùng như ta thường làm. Đi kèm với đám bình định nông thôn có bọn cảnh sát đặc biệt, chúng phối hợp với nhau tìm cách xâm nhập, nắm tình hình và thực hiện các cuộc bắt bớ nhằm triệt phá cơ sở của ta trong dân, nắm quy luật hoạt động của ta để bố trí mai phục chặn đánh các đội công tác và tìm cách tách dân ra khỏi các mối liên hệ với cách mạng... Các hoạt động này của địch hết sức nguy hiểm, đã gây cho ta không ít khó khăn.

 

Trước tình hình đó, tổ điệp báo A2 của ông Vũ Linh và ông Đức Minh từ Bình Thuận về Lâm Đồng, sau thời gian bí mật lọt vào các ấp nắm tình hình và xây dựng được một số cơ sở điệp báo, trong đó có một kỹ sư cơ khí tốt nghiệp ở Pháp về mở trang trại trà, cà phê và cơ sở chế biến ở Di Linh. Ông kỹ sư ấy thường được gọi là ông Ba Chi, có mối quan hệ rất rộng trong giới cầm quyền ngụy ở tỉnh Lâm Đồng thời bấy giờ. Bên cạnh hoạt động của các đội mũi công tác của địa phương và các đơn vị vũ trang để phá kềm, tổ A2 của ông Vũ Linh được cơ sở hỗ trợ đã mai phục và chặn đường bắt sống 16 tên gồm cả bình định nông thôn và cảnh sát đặc biệt, hy vọng làm cho chúng khiếp sợ không dám lùng sục xuống các địa bàn nữa. Nhưng không! Các hoạt động bình định cấp tốc vẫn ráo riết tiến hành.

 

Suy tính mãi, một đêm, ông Vũ Linh cùng một tổ vũ trang lẫn vào các vườn trà, cà phê, vào trang trại của ông Ba Chi. Sau khi nghe ông kỹ sư thông tin một số tình hình địch, ông Vũ Linh hỏi: “Với sự thông hiểu của anh, theo anh nên bắt tên nào để có thể làm thất bại chiến dịch bình định cấp tốc này?”. Ông kỹ sư nông nghiệp nói ngay: “Bắt Đoàn Đệ sẽ làm rúng động cả đám. Nhưng tay này khôn lắm, khó bắt được nó đấy anh à!”.

 

Đoàn Đệ là một kỹ sư nông nghiệp đang làm Trưởng ty Nông lâm súc thì được biệt phái sang tham gia chỉ huy chiến dịch bình định nông thôn cấp tốc. Theo ông Ba Chi, Đoàn Đệ là người có tài tổ chức chỉ huy và rất năng nổ, đôn đốc các hoạt động bình định. Từ khi tham gia chỉ huy chiến dịch bình định thì hoạt động, ăn ở, đi lại của ông ta không theo quy luật, lúc nào cũng có đông đảo lính tráng, súng ống đi theo bảo vệ.

 

Đại tá Vũ Linh nay đã về hưu, sống an nhàn với con cháu ở quê hương xóm Lẫm (thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) - nơi ông từ đó ra đi, là một trong năm chiến sĩ an ninh đầu tiên của tỉnh Phú Yên được chọn lên đường ra Việt Bắc học lớp tình báo do Bộ tổ chức vào năm 1953. Trong những năm chống Mỹ, ông là Tổ trưởng Tổ điệp báo A2 thuộc Bộ Công an đứng chân trên địa bàn khu VI. Sau này, ông là Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng. Hớp ngụm trà nhìn ra xa, ông cười tủm tỉm rồi thủng thỉnh nói: “Trong chiến tranh thường có những điều bất ngờ mà ta chưa tính trước được! Còn người đàn bà cũng thường có những suy tính bất ngờ mà anh chồng không thể lường được hết!”. Đó là trường hợp của Đoàn Đệ. Ta đang bàn chưa ra cách để phục bắt tên này thì bất ngờ nhận được đơn của vợ ông ta gửi cho Mặt trận giải phóng với nội dung tố cáo chồng có… vợ bé. Trong đơn có nhiều thông tin về Đoàn Đệ cần cho kế hoạch của ta. Trước đó, bà đã gửi đơn cho tỉnh trưởng Lâm Đồng nhưng tay tỉnh trưởng chỉ cười bảo “Đàn bà hay rắc rối!”, thế là bà gửi đơn cho Mặt trận giải phóng. Ông Vũ Linh nói: “Cơ hội hiếm có đã đến!”.

 

 Ta điều tra, nắm rõ địa chỉ nhà tình nhân, quy luật đi lại, hình ảnh, loại xe, biển số xe… của Đoàn Đệ. Vào một chiều thứ 7, có một toán lính Cộng hòa cầm súng AR15 lập chốt gác tại một quãng vắng của đường Hai mươi gần sở trà Tứ Quí, cách nhà cô bồ nhí của Đoàn Đệ một đoạn. Quan sát từ xa thấy chiếc vespa chỉ “một người một ngựa” đang bon bon chạy tới, toán lính dàn hàng ngang giương súng yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ. Ông ta dừng xe, không đưa giấy tờ mà tự xưng tên, chức vụ với giọng khá tự tin. Xác định đúng đối tượng, một người ra lệnh đanh gọn: “Chúng tôi là quân giải phóng đây. Ông Đoàn Đệ, ông đã bị bắt, bỏ xe, theo chúng tôi ngay!”.

 

Tổ điệp báo A2 trên đường đi công tác - Ảnh: T.LIỆU

 

Sau độ hơn 10 ngày hỏi cung, ông Đức Minh, Tổ phó Tổ điệp báo A2 (sau này là thiếu tướng Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, rồi Cục phó Cục Xây dựng lực lượng và Viện trưởng Viện chiến lược thuộc Bộ Công an) xác nhận: “Tay này khai báo rất thật và đầy đủ những gì ta cần biết” nên không cần thiết phải giam giữ cách ly mà cho ông ta được thoải mái tham gia một số công việc lặt vặt trong căn cứ, ngày ngày học tập chính trị, cùng ăn, cùng ở với một số anh em trong đơn vị. Đó là cách quản lý nhẹ nhàng, tạo cảm giác dễ chịu cho đối tượng và qua trò chuyện thân tình, ta tìm hiểu thêm nhiều điều, đồng thời cũng cho ông ta hiểu thêm về cách mạng. Sau gần 2 tháng học tập, sinh hoạt trong căn cứ cách mạng, ông Đoàn Đệ nhận thấy mọi người xung quanh thân tình như anh em bạn bè nên thoải mái bộc lộ không giấu giếm điều gì. Ông Vũ Linh nhận xét: “Đoàn Đệ có kiến thức khá rộng và có trình độ lý luận không tồi”. Trong thời gian ấy, đám bạn bè của Đệ trong bộ máy ngụy quyền đều cho là Đoàn Đệ đã bị giết! Về phía ta cũng có người đề nghị xử tử cho xong, nhưng ông Vũ Linh không đồng ý. Ông cho rằng giết thì đơn giản thôi, ta có súng mà! Nhưng kết quả chỉ nói lên là Việt cộng hiếu sát đúng như những gì địch đã tuyên truyền về ta chứ chẳng đem lại lợi ích gì! Ta có cách khác, vừa nhân bản mà vừa có hiệu quả hơn trong công tác đánh địch. Theo ông Đức Minh thì: “Quy định của địch về những công chức bị Việt cộng bắt rồi được thả sau 60 ngày đều phải chuyển sang an ninh quân đội để thẩm vấn, nên ta chọn thả ông Đệ vào ngày thứ 59 để tránh bị rắc rối cho ông”. Đúng ngày thứ 59 kể từ khi ông Đệ bị bắt, ông Vũ Linh gọi Đoàn Đệ nói: “Cách mạng cho anh về nhưng yêu cầu anh ba việc, thứ nhất anh có dám đưa thư của chúng tôi cho tỉnh trưởng không?”. Ông Đệ trả lời ngay: “Thưa anh, có gì mà không dám”. Yêu cầu thứ hai: “Anh tổ chức một bữa tiệc ăn mừng được cách mạng tha về, mời hết đám quan chức đến dự và cả bạn bè mà anh quen biết. Thế nào họ cũng tò mò hỏi về những ngày anh sống với chúng tôi trong rừng, yêu cầu anh nói đúng sự thật những gì anh chứng kiến, tôi không cần anh nói tốt mà không đúng sự thật, nhưng anh cũng không được bịa chuyện nói xấu cách mạng. Người của chúng tôi sẽ có mặt trong đám khách của anh đó!”. Ông Đệ ngước nhìn với vẻ thán phục và lắp bắp: “Thưa... anh... tôi hứa sẽ làm đúng như anh dặn”. Thứ ba: “Anh có thể tiếp tục làm việc nhưng tuyệt đối không được ác ôn, hãy tìm cách trì hoãn và làm phá sản cuộc bình định cấp tốc, tôi biết anh có thừa khả năng làm điều này. Chúng tôi đã biết gia đình anh và hầu hết những mối quan hệ của anh, chúng tôi có thể sẽ đến thăm gia đình anh bất cứ lúc nào”.

 

Ông Đoàn Đệ làm đúng những gì đã hứa với ông Vũ Linh. Điều thú vị là trong buổi tiệc tại tư gia đang vui thì tay Trưởng ty Cảnh sát nhanh nhảu yêu cầu: “Anh Đệ kể lại sự thật Việt cộng đã bắt giam anh và đối xử dã man như thế nào cho mọi người nghe”. Ông Đệ đứng lên, mọi người ngừng đũa, im phăng phắc nghe ông kể: “Thưa quý ông và các bạn, các anh em bảo tôi kể lại sự thật thì tôi cũng xin kể thật những gì mình chứng kiến. Thực ra thì chúng ta chưa hiểu gì về Việt cộng cả! Mà không hiểu họ thì không thể thắng họ được! Hai tháng cùng ăn ở với họ, họ ăn gì tôi ăn nấy, họ ngủ thế nào tôi cũng như vậy, không có sự phân biệt đối xử, họ ứng xử rất văn minh, tôn trọng con người, những người tiếp xúc với tôi là những người có học, trình độ hiểu biết khá rộng chứ không như chúng ta thường nói về họ lâu nay…”. Cuối cùng ông kết thúc: “Có điều họ thiếu thốn quá, ăn uống cực khổ, cuộc sống gian nan quá! Như anh em mình thì không thể chịu nổi!”. Bất ngờ trước việc ông Đệ không bị giết mà được thả về, rồi lại bất ngờ trước sự thật mà ông Đệ kể, mọi người tiếp tục ăn xong bữa tiệc rồi lầm lũi ra về. Sau đó khoảng một năm, chính phủ Sài Gòn quyết định điều ông Đoàn Đệ ra làm Trưởng ty Canh nông Côn Đảo, thực ra là một hình thức đi đày khéo mà thôi. Sau năm 1975, ông Đức Minh có gặp lại ông Đoàn Đệ ở Phan Thiết, hai người vui vẻ ôn lại chuyện ngày trước.

 

Trả lời câu hỏi còn hơn 10 người cả bình định nông thôn và cảnh sát đặc biệt bị bắt rải rác ở nhiều thời điểm khác nhau, mình có giết ai không? Ông Vũ Linh trả lời: “Không giết ai cả, tất cả được học tập trên một tháng rồi cho về, trước khi về mỗi người đều viết cam kết không ác ôn hại dân, không chống lại cách mạng, mỗi người được giao riêng một vài việc đơn giản và dặn nếu anh làm trái, chúng tôi sẽ đến tận nhà thăm bất cứ lúc nào, chỉ cần chúng tôi bí mật bắn tin cho địch biết là anh đã nhận việc của cách mạng thì anh tự biết hậu quả thế nào rồi đó!”. Có một cảnh sát xin được ở lại tham gia công tác cách mạng, sau giải phóng, ông làm chủ tịch mặt trận ở một phường thuộc TX Bảo Lộc, được khen thưởng huy chương kháng chiến và được hưởng chế độ hưu khi đến tuổi. Hầu như tất cả số cảnh sát và bình định nông thôn mà ta cảm hóa rồi thả về đều có chuyển biến, cơ sở trong dân báo ra là “mấy ông ấy dạo này có vẻ hiền từ và lễ phép lắm!”. Đặc biệt là chính họ đã làm công việc tuyên truyền cho ta một cách tự nhiên, tiếng tốt về cách mạng lan tỏa nhanh trong dân ở các thị trấn, thị xã. Những trận đánh đẹp của đơn vị điệp báo A2 liên tục diễn ra trong mấy tháng mùa khô trên cao nguyên Di Linh, Đồng Nai Thượng không một tiếng súng nổ nhưng đem lại nhiều hiệu quả rất khả quan.

 

Kết hợp với các trận đánh của lực lượng vũ trang, trong đó có trận đánh do Tiểu đoàn 186 xóa phiên hiệu một đại đội nổi tiếng ác ôn đóng ở Di Linh, cùng với hoạt động của các đội công tác của ta và được nhân dân ủng hộ tích cực, Tổ điệp báo A2 đã góp phần làm thất bại hoàn toàn cuộc bình định cấp tốc của địch trên địa bàn tỉnh thời bấy giờ.

 

Ký của HOÀNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những con chữ ươm mầm xanh
Thứ Sáu, 20/11/2015 00:00 SA
Bài 3: Đột phá để nâng cao chất lượng
Thứ Năm, 19/11/2015 11:01 SA
BÀI 1: Những gam màu sáng
Thứ Ba, 17/11/2015 07:47 SA
Người Phú Yên tâm huyết với võ dân tộc
Thứ Bảy, 14/11/2015 10:21 SA
Bộ đội 202
Thứ Sáu, 13/11/2015 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek