Thứ Sáu, 26/04/2024 16:16 CH
Những con chữ ươm mầm xanh
Thứ Sáu, 20/11/2015 00:00 SA

Thầy An (thứ hai từ trái sang) và cán bộ Đồn Biên phòng Xuân Thịnh về thăm lại một “lớp học đặc biệt” ở làng biển Vịnh Hòa - Ảnh: H.XUÂN

Một lần trò chuyện, tôi hỏi đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP tỉnh, trong những hoạt động dân vận của BĐBP thời gian qua, anh tâm đắc điều gì nhất? Anh trả lời không một chút do dự: “Dạy chữ cho trẻ em nghèo không được đến trường”. Rồi anh “đặt hàng”: “Hôm nào các anh về cơ sở, tìm gặp lại thầy trò các lớp học do BĐBP tổ chức, viết bài”.

 

Theo sự giới thiệu của đại tá Nguyễn Ngọc Minh, tôi độc hành về các làng biển của TX Sông Cầu. Khác xa với trước kia, đường xã, đường thôn không còn ngập ngụa bởi cát, bụi mà hầu hết đều được đổ bê tông. Vì vậy con đường đến trường, đến lớp của con em ngư dân cũng ngắn hơn, rộn ràng hơn. Tại các điểm trường từ tiểu học đến THCS nơi nào cũng ríu rít tiếng trẻ, quần áo đồng phục đẹp mắt.

 

Người tôi tìm gặp đầu tiên là anh Nguyễn Ngọc An, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thịnh - một trong những “thầy giáo quân hàm xanh”, trực tiếp dạy chữ cho trẻ em các lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Xuân Thịnh hơn 20 năm về trước. Sinh ra và lớn lên ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), khi đang học dở dang lớp 11 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh An phải nghỉ học, sau đó xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành Bộ đội Cụ Hồ trong lực lượng BĐBP Phú Yên. Sau khi ra quân, anh lập gia đình rồi định cư tại xã bán đảo này. Thấu hiểu nỗi niềm của những người nghèo phải từ bỏ con đường học vấn nên khi được giao nhiệm vụ làm thầy, anh An đã đem hết khả năng đi vận động phụ huynh, uốn nắn từng con chữ cho các học trò của mình.

 

“Hồi đó, đời sống của người dân các làng biển ở Sông Cầu rất khó khăn. Nhận thức về việc học chữ của nhiều người còn hạn chế. Theo họ, nếu là con trai lớn lên chỉ cần biết theo cha anh đi biển đánh cá; nếu là con gái chỉ cần biết đan vá lưới, biết đem cá, tôm ra chợ bán là tốt rồi nên không cần phải học con chữ”, anh An nhớ lại. Chính vì suy nghĩ như vậy nên nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo không cho con em mình đến trường, đến lớp. Nhiều em đến 14, 15 tuổi mà một chữ bẻ làm đôi cũng không biết. “Giờ thì khác xưa rồi. Nhiều năm qua, tỉ lệ trẻ năm tuổi vào mẫu giáo, sáu tuổi vào lớp một và học sinh tiểu học được xét lên lớp sáu của Xuân Thịnh luôn đạt 100%”, anh An cho hay.

 

NHỮNG LỚP HỌC ĐẶC BIỆT

 

Không chỉ Sông Cầu mà các làng biển khác trong tỉnh vào thập niên 90 của thế kỷ trước, trẻ em trong độ tuổi học chữ nhưng không được đến lớp, đến trường cũng rất phổ biến. Trước thực trạng đó, BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch xóa “mù chữ” bằng cách mở các lớp học “tình thương”. Cấp ủy, chỉ huy các đồn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với phòng giáo dục và các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh cho con em mình đến lớp. Từng ngóc ngách, ngõ hẻm của các làng chài, bậc thềm của gia đình nào có trẻ em đến tuổi đi học không được đến lớp, đến trường hay bỏ học giữa chừng cũng đều in đậm dấu chân những chiến sĩ mang quân hàm xanh. Mưa dầm thấm lâu. Với sự kiên trì, bền bỉ và bằng tấm lòng, trách nhiệm, cuối cùng, các “lớp học đặc biệt” lần lượt ra đời.

 

Gọi là “lớp học đặc biệt” vì có nhiều lý do - anh An giải thích: Thứ nhất, lớp học thì mượn tạm trụ sở thôn hoặc sử dụng chính phòng làm việc của đồn, trạm biên phòng; giờ học thường là vào buổi trưa hoặc cuối buổi chiều. Thứ hai, giáo viên đứng lớp là những cán bộ, chiến sĩ biên phòng nên về sau người dân gọi một cách thân mật, trìu mến: “Thầy giáo quân hàm xanh”. Thứ ba, học sinh đến lớp tuổi tác không đồng đều; trong một lớp thầy vừa dạy cho học sinh lớp một, vừa dạy cho học sinh lớp hai, lớp ba… Một điều đặc biệt nữa là, học sinh đến lớp không chỉ được dạy chữ mà còn được cấp sách, vở, bút mực từ tiền túi của “thầy” và tiền tiết kiệm của đồn. “Khó khăn là vậy, nhưng trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến 1997, Đồn Biên phòng Xuân Thịnh đã phối hợp mở năm lớp học “tình thương” cho hơn 180 em từ lớp một đến lớp năm, đồng thời xóa mù chữ cho khoảng 1.500 người lớn tuổi”, thầy An cho hay.

 

Một trong những người gắn bó với các lớp học đặc biệt ngày nào của BĐBP tỉnh là thiếu tá Ngô Xuân Lộc, Đội phó Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam. Theo thầy Lộc, khó khăn nhất là vận động phụ huynh cho các em đến lớp, nhưng khó khăn hơn gấp nhiều lần là giữ các em ở lại với lớp và tiếp tục học lên cao. Nhiều em rất ham học và tiến bộ thấy rõ, nhưng bỗng dưng bỏ học giữa chừng mà không cho biết lý do. Tìm đến nhà thì mới biết, cha mẹ không cho các em học tiếp vì “biết mặt con chữ, biết viết tên mình là được rồi, ở nhà giúp đỡ gia đình”.

 

Vậy là các anh phải làm lại từ đầu, đến từng nhà để vận động, thuyết phục; đồng thời phân công nhau đến giúp từng gia đình để họ cho con em đi học lại. “Thầy giáo quân hàm xanh” của hàng trăm trẻ em nghèo ở các làng biển của huyện Đông Hòa này chia sẻ: “Để bảo đảm chất lượng “đầu ra” không thua kém các em học chính thức ở trường, chúng tôi phải tự nghiên cứu sách giáo khoa, trau dồi kỹ năng, kiến thức sư phạm; đồng thời tranh thủ “dự giờ”, học tập kinh nghiệm, phương pháp lên lớp của các thầy, cô giáo dạy giỏi ở các trường để truyền đạt sao cho học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu bài. Dù làm thầy giáo bất đắc dĩ, khó khăn đủ thứ nhưng được dạy chữ cho các em, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự. Đây cũng là trách nhiệm của chúng tôi”.

 

HÀNH TRANG VÀO ĐỜI

 

Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng anh Nguyễn Văn Thạnh, tài xế lái xe cho một công ty ở Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, một trong những học trò của thầy An, vẫn còn nhớ như in: “Lớp học đặc biệt của đám trẻ con nghèo làng biển Tuy Phong (xã Xuân Hải) chúng tôi ngày ấy cũng chính là Trạm Kiểm soát biên phòng Tuy Phong (Đồn Biên phòng Xuân Thịnh) do thầy An trực tiếp dạy. Nhờ có lớp học này mà tôi có điều kiện học tiếp lên trung học và có được việc làm, thu nhập ổn định như bây giờ”. Còn anh Đỗ Trọng Đạo, một học sinh của “lớp học đặc biệt” ở làng biển Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh) thổ lộ: “Khi đang học lớp một thì mẹ tôi bị bạo bệnh qua đời. Tôi phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nhờ có các chú, các anh BĐBP mà tôi biết đọc, biết viết. Lớp học ngày ấy là cái trụ sở thôn cũ hiện đã xuống cấp. Trưa, chiều nào tôi cùng tụi thằng Tấn, thằng Đa, hai chị em con Vân, thằng Hào… hơn 20 đứa cũng được thầy dạy tập đọc, tập viết, làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia… rất vui”. Nhờ biết chữ, biết tính toán, năm 2002, sau khi lập gia đình, anh Đạo vay mượn vốn mua một chiếc ghe làm nghề mành, đánh bắt tôm hùm giống ven bờ về nuôi và bán cho những người có nhu cầu. Ba năm sau, vợ chồng anh xây được nhà và dần dần mua sắm đầy đủ tiện nghi, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. “Tuy không có điều kiện học lên cao nhưng với những kiến thức mà các thầy giáo biên phòng truyền dạy đã giúp tôi mở mang đầu óc và biết cách làm ăn sao cho hiệu quả. Rút kinh nghiệm đời mình, hai đứa con tôi - một trai, một gái đang học lớp tám và lớp hai - nếu chúng học đến đâu tôi lo đến đó”, ngư dân sinh năm 1980 này tâm sự.

 

Cũng như anh Đạo, chị Lê Thị Kim Chuyển (39 tuổi), cũng trưởng thành từ “lớp học đặc biệt” ở thôn Vịnh Hòa ngày nào, giờ là chủ một cửa hàng bán gas, nước uống tinh khiết tại làng biển này chia sẻ: “Chính những con chữ của các chú, các anh BĐBP đã ươm mầm xanh, làm thay đổi cuộc đời tôi. Sau khi lập gia đình, tôi làm đơn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình và đã thoát nghèo. Chúng tôi có hai đứa con, đứa lớn đang học lớp 10 và đứa nhỏ đang học lớp chín. Dù có khó khăn mấy chúng tôi cũng cho con học đến nơi đến chốn”.

 

Một trong những học sinh “thành đạt” của các “thầy giáo quân hàm xanh” ở Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam là Trà Thị Viên. Sau khi học xong chương trình tiểu học do thầy Ngô Xuân Lộc, trực tiếp đứng lớp, Viên học tiếp lên cấp 2, bổ túc văn hóa cấp 3, rồi học sư phạm mẫu giáo. Nhờ có những con chữ để làm hành trang vào đời, cô học trò nghèo ngày nào ở làng biển Phú Thọ 1 (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) giờ đây đã là cô giáo của một điểm trường mầm non tư thục ở chính làng biển nơi cô sinh ra. “Tôi rất biết ơn thầy Lộc và các chú, các anh BĐBP. Tôi sẽ đem những con chữ và kiến thức đã học được để truyền lại cho học trò của tôi”, chị Viên bộc bạch.

 

* * *

Ngày 20/11 đã đến. Đây là ngày “tôn sư trọng đạo”, dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những thầy, cô giáo đã hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Thiết nghĩ, với “thầy giáo quân hàm xanh”, những người lính Cụ Hồ ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, biên cương của Tổ quốc, vừa dạy những con chữ ban đầu cho trẻ em nghèo bằng tình thương và nhiệt huyết của mình, cũng cần được tôn vinh trong ngày hội lớn này.

 

 “Từ năm 1992 đến 1999, BĐBP Phú Yên đã phối hợp mở lớp dạy chữ cho 1.525 em biết đọc, biết viết và học hết tiểu học; phổ cập THCS cho 225 em; xóa mù chữ cho gần 300 người lớn tuổi. Qua đó góp phần giáo dục phổ cập tiểu học, xóa mù chữ; góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà”.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy BĐBP tỉnh

 

HỒNG XUÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 3: Đột phá để nâng cao chất lượng
Thứ Năm, 19/11/2015 11:01 SA
BÀI 1: Những gam màu sáng
Thứ Ba, 17/11/2015 07:47 SA
Người Phú Yên tâm huyết với võ dân tộc
Thứ Bảy, 14/11/2015 10:21 SA
Bộ đội 202
Thứ Sáu, 13/11/2015 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek