Thứ Tư, 17/04/2024 05:17 SA
Những bước tiến dài của giáo dục miền núi Phú Yên
Bài 3: Đột phá để nâng cao chất lượng
Thứ Năm, 19/11/2015 11:01 SA

Học sinh huyện Sông Hinh tham gia thi thí nghiệm thực hành môn Vật lý - Ảnh: T.THẢO

Tuy tạo ra nhiều dấu ấn, song giáo dục miền núi Phú Yên vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Cho nên, nhận diện rào cản và tìm giải pháp đột phá để nâng chất lượng giáo dục miền núi là yêu cầu cấp bách đặt ra cho ngành GD-ĐT và toàn xã hội. Có như vậy, bức tranh giáo dục miền núi mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

 

ĐỘT PHÁ VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

 

Những năm qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn trái phiếu Chính phủ, hệ thống trường lớp ở các huyện miền núi từng bước được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2004-2014, tỉnh phê duyệt 61 tiểu dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA dành cho GD-ĐT. Trong đó, dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 114 phòng học, 52 phòng giáo viên, 37 công trình nhà vệ sinh, 19 công trình nước sinh hoạt các điểm trường lẻ và tu sửa 99 phòng học thuộc các trường tiểu học vùng khó khăn tại hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về GD-ĐT đã giải ngân được hơn 175 tỉ đồng. Ngoài ra có 78 chương trình, dự án sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ (NGOs) với tổng số tiền trên 1,8 triệu USD để hỗ trợ đầu tư xây dựng trường, lớp và trao học bổng cho học sinh nghèo tại miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

 

Mặc dù đã được Trung ương và tỉnh ưu tiên đầu tư, nhưng vì nguồn ngân sách có hạn, trong khi ở ba huyện miền núi trong tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên cơ sở vật chất của các trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay. Mặc dù không còn phòng học tạm, nhưng tại một số điểm trường lẻ, vẫn còn một số phòng học xuống cấp. Một số trường học tổ chức bán trú, nội trú nhưng thiếu nhà ở nội trú, bếp ăn và các điều kiện sinh hoạt nội trú cho học sinh…

 

Tại lễ tổng kết năm học 2014-2015, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng để tháo gỡ những khó khăn trên, thời gian tới, các cấp, ngành cần tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, các dự án hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ để củng cố, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục miền núi, đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm tạo điều kiện chuyển biến mạnh chất lượng giáo dục toàn diện. Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi và dân tộc, trách nhiệm trước tiên thuộc về ngành Giáo dục, nhưng lãnh đạo các địa phương cũng cần nâng cao nhận thức, không khoán trắng cho ngành Giáo dục.

 

Các cấp ngành cần tăng cường lồng ghép các chương trình để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; phối hợp xây dựng kế hoạch và đề ra chiến lược cụ thể”.

 

Ngoài ra, một giải pháp hữu hiệu để có nguồn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp là tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục. Ông Kso Nhất, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Ea Bar (huyện Sông Hinh) - một trong những đơn vị làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong việc xây dựng trường lớp khang trang, chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn làm tốt xã hội hóa giáo dục, trước hết phải tuyên truyền cho mọi người hiểu được ý nghĩa của công tác này. Song song đó, các trường học phải tạo uy tín với phụ huynh và nhân dân bằng việc nâng cao chất lượng giáo dục. Khi tiến hành các khoản thu, phải công khai, minh bạch và nhất là sử dụng có hiệu quả nguồn huy động vào việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt, chăm lo cho học sinh. Có như vậy, mới tạo được sức mạnh tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và gia đình để phát triển giáo dục miền núi”.

 

ĐỘT PHÁ VỀ NGUỒN NHÂN LỰC

 

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Phú Yên, hiện nay, các huyện miền núi có khoảng 4.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác trong ngành giáo dục. Mặc dù tất cả giáo viên đều đạt chuẩn, song so với yêu cầu ngày càng cao của đổi mới giáo dục, chất lượng giáo viên vẫn còn một số hạn chế. Số lượng thầy cô giáo còn thiếu, không đảm bảo đủ về nguồn lực con người để tổ chức tốt các hoạt động dạy học. Trong 4 bậc học, hiện nay, bậc mầm non thiếu giáo viên, công nhân viên nhiều nhất. Theo thống kê mới nhất, ở 3 huyện miền núi, bậc học này còn thiếu ít nhất 150 giáo viên, nhân viên cấp dưỡng để đảm bảo hoạt động nuôi dạy trẻ theo chương trình giáo dục mầm non mới. Ông Hoàng Vũ Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa, cho biết, năm học 2015-2016, bậc học mầm non của huyện có 108 lớp với gần 2.800 trẻ, nhưng chỉ có 128 giáo viên. Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch 06 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục Khung vị trí làm việc và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, mỗi trường cần bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày; 1,2 giáo viên/lớp học 1 buổi/ngày. Như vậy, huyện cần bổ sung thêm ít nhất là 40 giáo viên nữa mới đảm bảo được hoạt động nuôi dạy trẻ.

 

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016, nhiều ý kiến cho rằng: Để tạo cú hích cho giáo dục miền núi, một trong những giải pháp trọng tâm là cần bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Theo đó, ngành GD-ĐT và các trường cần khuyến khích cán bộ, giáo viên tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức nhà giáo. Ngoài ra, mỗi địa phương cần xác định nhu cầu giáo viên, lập kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình thực tế; ưu tiên tuyển dụng người địa phương và người dân tộc thiểu số.

 

Song song đó, các huyện miền núi cần tiếp tục thực hiện đề án Luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục để góp phần điều hòa, rút ngắn sự chênh lệnh về chất lượng dạy học giữa các trường trên địa bàn; ưu tiên luân chuyển các giáo viên công tác nhiều năm ở những nơi khó khăn, vùng sâu vùng xa về các trường thuận lợi. Ông Nay Y BLung, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: “Ba năm học qua, huyện đã luân chuyển 21 giáo viên, 15 phó hiệu trưởng các trường. Qua thực hiện đề án cho thấy công tác luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên đã tạo được sự công bằng trong giáo dục. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện đề án nhận được sự đồng tình của xã hội, ngành Nội vụ và ngành Giáo dục phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Ban Giám hiệu các trường cần tổ chức thực hiện đảm bảo tính công khai, dân chủ. Cán bộ, giáo viên cần nâng cao nhận thức, nuôi dưỡng lòng yêu nghề và cống hiến cho giáo dục”.

 

ĐẢM BẢO CÁC CHÍNH SÁCH

 

Theo đồng chí Lê Văn Trúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, trong những năm qua, Trung ương và địa phương đã ban hành hàng loạt chủ trương, cơ chế, chính sách để tăng cường cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới trường lớp, hỗ trợ học sinh, sinh viên và đãi ngộ nhà giáo công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi... “Nhìn chung, các chính sách này đã được tỉnh và các huyện miền núi triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đạt hiệu quả, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi được củng cố và phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Đội ngũ nhà giáo cũng được động viên yên tâm công tác, cống hiến; học sinh được tạo điều kiện đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục”, Phó chủ tịch Lê Văn Trúc đánh giá.

 

Theo ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, mỗi năm có khoảng 2.500 đến 3.000 lao động là người dân tộc thiểu số được tỉnh giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh cần cân đối, siết chặt chính sách cử tuyển học sinh người dân tộc thiểu số vào các trường đại học để hạn chế tình trạng ra trường không có việc làm. Thay vào đó, các trường THPT nên phối hợp với địa phương hướng nghiệp cho học sinh học nghề nông - lâm nghiệp để về làm kinh tế gia đình, xây dựng địa phương.

 

Là một người gắn bó khuyến học khuyến tài miền núi lâu năm, ông Lê Văn Hữu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, bày tỏ sự vui mừng vì trong Nghị định 86 về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 vừa ban hành, Chính phủ đưa ra nội dung thực hiện miễn, giảm học phí cho đối tượng là học sinh, sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số. Ông cho rằng, cùng với đó, Trung ương và tỉnh nên ban hành thêm các chính sách đãi ngộ thỏa đáng với đội ngũ giáo viên công tác ở vùng miền núi, dân tộc để động viên các nhà giáo yên tâm công tác. “Có sự chung tay vào cuộc của các cấp ngành, nhân dân và toàn xã hội, tin rằng một ngày không xa, giáo dục miền núi sẽ chuyển mình “bắt kịp” với miền xuôi, tạo nguồn nhân lực có chất lượng, xây dựng và phát triển địa phương giàu mạnh hơn”, ông Lê Văn Hữu tin tưởng.

 

Tiến sĩ Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết: Ngành GD-ĐT đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo miền núi Phú Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác đổi mới quản lý và trình độ đội ngũ giáo viên; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội, tạo sự đồng thuận trong chăm lo sự nghiệp phát triển giáo dục miền núi.

 

HÀ MY – THÙY THẢO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
BÀI 1: Những gam màu sáng
Thứ Ba, 17/11/2015 07:47 SA
Người Phú Yên tâm huyết với võ dân tộc
Thứ Bảy, 14/11/2015 10:21 SA
Bộ đội 202
Thứ Sáu, 13/11/2015 13:00 CH
Lính hải đội
Thứ Sáu, 06/11/2015 07:51 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek