Thứ Sáu, 26/04/2024 19:37 CH
Những bước tiến dài của giáo dục miền núi Phú Yên:
Bài 2: Nhân lên những mô hình hay, cách làm tốt
Thứ Tư, 18/11/2015 14:00 CH

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngành GD-ĐT và các trường học đã có nhiều cách làm hay, huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng để chăm lo cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục miền núi toàn diện.

 

Giờ ăn trưa cô trò của Trường mầm non Sơn Giang (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: T.THẢO

 

CHUNG TAY LO BỮA ĂN CHO TRẺ

 

Khi chúng tôi đến, cô trò Trường mầm non Sơn Giang tại điểm trường Nam Giang (huyện Sông Hinh) đang chuẩn bị vào giờ ăn trưa. Vì ở điểm lẻ này chưa đủ cơ sở vật chất để tổ chức bếp ăn cho trẻ, nên hàng ngày, nhân viên cấp dưỡng phải chở cơm từ điểm trường chính (cách chừng gần 3km) đến cho các cháu. Trong khi chờ cô giáo chia suất ăn, 79 trẻ tại điểm trường này ngoan ngoãn ngồi vào vị trí của mình. Trước khi ăn, các cháu được cô giáo bắt nhịp đọc bài thơ Cái bát xinh xinh: “Mẹ cha công tác/ Nhà máy Bát Tràng/ Mang về cho bé/ Cái bát xinh xinh… Nâng niu bé giữ/ Mỗi bữa hàng ngày/ Công cha, công mẹ/ Bé cầm trên tay”. Cháu nào cũng cố gắng đọc thật to bằng tất cả sự hồn nhiên của mình. Khẩu phần ăn trưa của mỗi cháu là hai chén cơm. Cô giáo hình như thuộc từng nết ăn của mỗi đứa. Cháu nào ăn ít, ăn chậm cô theo dõi, động viên, đôn đốc thực hiện cho hết phần ăn.

 

Bữa trưa bán trú như vậy đã được điểm trường này thực hiện được hơn 4 năm nay. Theo cô Nguyễn Thị Phương Thủy, Hiệu trưởng của trường, người dân xã Sơn Giang đa phần làm nương rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, hầu hết mọi người chưa ý thức rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ, nhưng nhờ nhà trường phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền, đã từng bước làm thay đổi nhận thức của phụ huynh. Từ lớp học bán trú dân nuôi đầu tiên từ năm học 2009-2010, đến nay, Trường mầm non Sơn Giang đã tổ chức được 10/10 lớp học bán trú. Bữa trưa được trường thực hiện dưới hai hình thức, đó là trường mầm non nấu cho trẻ và bán trú dân nuôi (người dân tự đưa cơm đến trường cho con). Để bữa ăn của các cháu ngày một tốt hơn, với hai điểm trường khó khăn ở Suối Biểu, trường hỗ trợ cặp lồng giữ nhiệt để phụ huynh mang cơm cho trẻ. Còn ở điểm trường chính và hai điểm trường Hà Giang, Nam Giang, trường vận động phụ huynh hợp đồng với nhân viên cấp dưỡng để nấu ăn cho trẻ. “Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường nên việc tổ chức cho trẻ ăn, học bán trú rất hiệu quả. Cuối năm học vừa qua, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi của trường chỉ còn 5,5%; tỉ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%”, cô Thủy phấn khởi cho biết.

 

Bà Trần Ngọc Phương Thảo, Phó phòng phụ trách Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Phú Yên), chia sẻ: “Với quyết tâm vượt khó, phụ huynh và giáo viên miền núi đã sáng tạo nhiều cách làm hiệu quả để chăm lo tốt hơn bữa trưa của trẻ. Nhờ vậy, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét, các cháu đến trường đều đặn hơn, chất lượng giáo dục được nâng cao, góp phần đưa ba huyện miền núi đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi trong năm 2015”.

 

Các cô giáo Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (huyện Sông Hinh) chọn mua đồng phục mới cho em Hờ Hảo - Ảnh: H.MY

 

TẠO MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN

 

Năm học 2015-2016, thầy trò Trường tiểu học Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) bước vào năm học mới với niềm vui nhân đôi khi đúng vào dịp khai giảng, nhà trường được đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. 5 năm trước, trường “xắn tay” xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đồng tâm hiệp lực cùng chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện các tiêu chí. Trường được đầu tư gần 2 tỉ đồng để trang bị cơ sở vật chất khang trang. Đội ngũ nhà giáo ngày càng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Thầy Trần Sĩ, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi vì đã góp phần hoàn thành tiêu chí về giáo dục, qua đó, đưa xã Đức Bình Tây hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Lam, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh, ngoài 3 trường ở Đức Bình Tây, huyện còn có 9 trường học khác cũng đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Sở dĩ phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của huyện tốt hơn hai huyện miền núi còn lại và một số huyện, thị đồng bằng khác là do việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp chính quyền, ngành GD-ĐT huyện xây dựng lộ trình cụ thể qua từng năm. Trên cơ sở khảo sát, rà soát các trường và đối chiếu với các tiêu chuẩn quy định, ngành “lọc” danh mục thứ tự các trường ưu tiên để tham mưu đầu tư xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất và thiết bị dạy học gắn với xây dựng xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo các trường đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, tôn tạo cảnh quan môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp. “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nếu như các trường miền núi nói riêng, cả tỉnh nói chung đều đạt chuẩn quốc gia sẽ mang đến cho học sinh môi trường giáo dục toàn diện, hiện đại, tạo bước ngoặt để phát triển giáo dục của địa phương”, ông Lam bộc bạch.

 

Ngoài nỗ lực tạo một môi trường sư phạm đạt chuẩn, các trường còn sáng tạo ra những mô hình học tập, giải trí thân thiện, thu hút học trò. Đến thăm Thư viện xanh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân, nhiều người sẽ bất ngờ trước công trình thú vị, từng được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008-2014. Thư viện xanh nằm trong khuôn viên trường, “nhụy” là một nhà sàn nhỏ, xung quanh được bao bọc bởi ghế đá và màu xanh của cây cảnh. Trong thư viện, sách được treo trên những nhánh cây, trong những chai nhựa lớn. Hiệu trưởng nhà trường Phạm Ngọc Hòa thổ lộ: “Học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số nên vốn tiếng Việt và kỹ năng sống còn hạn chế. Thêm vào đó, lịch học dày nên các em không có điều kiện đến thư viện đọc sách trong giờ hành chính. Vì thế, từ năm học 2010-2011, nhà trường đã thiết kế ra một không gian thư viện mở. Qua 4 năm hoạt động, Thư viện xanh của trường không chỉ là nơi để học sinh tiếp cận nguồn tri thức bổ ích, phục vụ việc học mà còn nâng cao tính tự giác, góp phần tạo nên không gian thân thiện trong trường học”.

 

TIẾP SỨC CHO TRÒ NGHÈO

 

Trên đường từ cửa hàng tạp hóa về nhà, em Hờ Hảo (học sinh lớp 8B, Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, huyện Sông Hinh) cứ mân mê bộ đồng phục mới. Đến bây giờ, cô học trò người Ê Đê vẫn chưa tin rằng mình đã được các nhà hảo tâm giúp đỡ số tiền gần 50 triệu đồng để chữa bệnh nhiễm khuẩn máu và còn được cô giáo Lý Thị Thủy mua cho đồng phục mới để đi học. Cách đó mấy tháng, em còn lập cập rúm ró trong chiếc áo trắng đã ngả màu, ôm khư khư đôi dép nhựa cũ trước đoàn kiểm tra nề nếp học sinh của trường. Gia đình Hờ Hảo nghèo lắm, năm miệng ăn chỉ trông chờ vào người cha còm cõi quanh năm cày thuê cuốc mướn. Đã thế, năm 2014, em còn mang chứng bệnh nhiễm khuẩn máu, toàn thân nổi mẩn ngứa, sưng vù. Để cô trò nhỏ vượt qua những khó khăn, tiếp tục đến trường, ngoài vận động hội đồng sư phạm nhà trường quyên góp một số tiền, cô Lý Thị Thủy viết báo kêu gọi các mạnh thường quân. Sau bao nỗ lực của cô giáo người Nùng, cuối cùng, Hảo cũng được hỗ trợ tiền chữa bệnh. Ánh mắt sáng rực yêu thương, cô học trò nhỏ ôm cô giáo, thỏ thẻ: “Cô như cô tiên vậy! Nhờ cô và mọi người mà con được cứu sống. Con sẽ ráng học để trở thành cô giáo như cô”.

 

Không chỉ có Hờ Hảo, thời gian qua, hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác tại các ngôi trường miền núi của Phú Yên cũng được nhà trường và xã hội tiếp sức để không phải bỏ học giữa chừng. Các phong trào “Nuôi heo đất vì bạn nghèo”, văn nghệ gây quỹ trao học bổng “Thắp sáng ước mơ”, cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay học yếu”… được ngành GD-ĐT triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả. Giữa rừng hoa việc tốt giáo dục đã sáng lên nhiều cá nhân và tập thể hết lòng vì đàn em thân yêu. Tiêu biểu có thể kể đến như: Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (huyện Sông Hinh) trong việc huy động các nguồn lực xã hội giúp đỡ hàng trăm triệu đồng cho học trò khó khăn, Trường THCS Phước Tân (huyện Sơn Hòa) trong việc nhận đỡ đầu học sinh nghèo học yếu, Trường phổ thông Dân tộc bán trú Đinh Núp (huyện Đồng Xuân) trong việc sắp xếp lo ăn trưa, chỗ nghỉ ngơi cho các học sinh ở xa để các em có đủ sức khỏe theo đuổi việc học… Theo ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên, năm học vừa qua, các trường miền núi đã nhận đỡ đầu hơn 4.000 học sinh với hàng trăm triệu đồng, tổ chức hàng ngàn tiết phụ đạo miễn phí, tặng nhiều đồ dùng học tập, xe đạp cho học sinh nghèo. “Những con số biết nói ấy đã giúp các em vượt qua khó khăn, yên tâm đến trường học tập; góp phần giảm đáng kể tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ở miền núi”, ông Thịnh bộc bạch.

 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư chia sẻ: “Sự lan tỏa mạnh mẽ của các phong trào thi đua trong ngành Giáo dục đã thổi bùng nhiệt huyết, ý chí phấn đấu, cống hiến trong học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên. Trong những năm học tới, toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để chăm lo cho học sinh, nhất là miền núi. Có như thế, giáo dục mới phát huy hết ý nghĩa, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn tiếp thêm niềm tin, giúp học sinh nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng lập thân, lập nghiệp”.

 

Bài cuối: Đột phá để nâng cao chất lượng 

 

HÀ MY - THÙY THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
BÀI 1: Những gam màu sáng
Thứ Ba, 17/11/2015 07:47 SA
Người Phú Yên tâm huyết với võ dân tộc
Thứ Bảy, 14/11/2015 10:21 SA
Bộ đội 202
Thứ Sáu, 13/11/2015 13:00 CH
Lính hải đội
Thứ Sáu, 06/11/2015 07:51 SA
Ngựa thồ ở Mỹ Phú 2
Thứ Bảy, 26/09/2015 14:46 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek