Từ trên độ cao gần 15m của tháp đèn hải đăng Trường Sa Lớn, tôi có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Vẻ đẹp rực rỡ của ngọn hải đăng Trường Sa Lớn là đêm đêm phát ra nguồn sáng khổng lồ giúp tàu thuyền định hướng giữa đại dương mênh mông…
Hải đăng trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: CTV |
THƯỞNG NGOẠN VẺ ĐẸP TRƯỜNG SA
Hai anh lính trẻ Nguyễn Minh Thiện và Lê Văn Hải thuộc biên chế Trạm Ra đa 11 cùng tôi trèo lên vị trí của tháp đèn ở độ cao gần 15m. Ráng chiều bắt đầu đổ vàng không gian nên Trường Sa Lớn trở nên trữ tình hơn vào hoàng hôn. Thiện nói với tôi: “Chị thấy cảnh này đẹp không? Sóng biển rì rào. Nhà cửa lấp ló bên cạnh hàng cây bão táp, rặng phong ba. Màu xanh phủ rợp tạo cảm giác thật bình yên. Lính đảo bọn em muốn thưởng ngoạn hết cái vẻ hùng vĩ của đảo hay những lúc nhớ nhà đều lên tháp đèn ngắm cảnh”. Hải nói thêm: “Không chỉ có lính đảo mà cán bộ, nhà báo đều chọn tháp đèn hải đăng làm vị trí lý tưởng để chụp ảnh hay quay hình toàn cảnh Trường Sa Lớn đó chị. Đã có không ít bộ ảnh đẹp của các anh chị nhà báo đều chụp từ vị trí này”.
Từ trên ngọn hải đăng nhìn xuống trông ai cũng bé lại. Nhưng tôi vẫn có thể nhìn rõ đám trẻ con trên đảo chạy xe đạp, đùa giỡn hồn nhiên và vui vẻ. Cũng từ đây thu vào tầm mắt tôi hình ảnh các đồng nghiệp cùng đi trong đoàn công tác thay quân và tặng quà tết của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đang tranh thủ chọn những góc ảnh đẹp để chụp hàng chong chóng điện trời (gọi vui là cối xay gió) nằm dọc đường bờ kè phía đông của đảo. Hàng cối xay gió vẫn đều đặn quay cánh, biến năng lượng gió thành điện năng phục vụ đắc lực cho sinh hoạt hằng ngày của quân dân trên đảo.
Trong chuyến công tác thăm đảo Trường Sa Lớn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ghi vào sổ lưu niệm của trạm: “Chúc anh em công nhân Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn có nhiều sức khỏe, đoàn kết một lòng, quản lý, vận hành hải đăng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn hàng hải trong khu vực mình quản lý. Đồng thời phối hợp với quân dân và các lực lượng trên đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam, góp phần xây dựng Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam ngày càng phát triển lớn mạnh”. |
CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI GÁC ĐÈN BIỂN
Vào lúc 6 giờ chiều mỗi ngày, anh Vũ Sỹ Lưu, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn, lên tháp đèn làm nhiệm vụ đó là quan sát khu vực hàng hải, kiểm tra và theo dõi hoạt động của máy phát điện. Đã có gần 30 năm gắn bó với các trạm đèn biển, anh để lại ấn tượng cho người đối diện bởi dáng vẻ phong sương, dạn dày in hằn trên khuôn mặt rám nắng. Anh Lưu bảo rằng làm người gác đèn lắm lúc cũng cảm thấy rất cô đơn (nhất là vào những đêm khuya tĩnh mịch) nhưng niềm vui có được trong công việc đã giúp anh gắn bó lâu năm với nghề. Anh tâm sự: “Hằng ngày, tôi đều quan sát chùm sáng ngoài xa dẫn lối cho biết bao tàu thuyền trên vùng đảo Trường Sa xác định vị trí, tránh khỏi nguy hiểm của những bãi đá ngầm, san hô. Những lúc ngư dân gặp nạn, nhờ ngọn đèn phát hiện mà nhân viên của trạm đã kịp thời hỗ trợ, cứu giúp. Cứ nghĩ mình đã góp công sức nhỏ bé đảm bảo an toàn hàng hải là trong lòng cảm thấy vui và có động lực cố gắng làm việc”.
Ngoài anh Lưu, Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn có 4 nhân viên. Tôi có may mắn được trò chuyện với anh Lê Huy Tân, một trong các nhân viên, quê gốc Thanh Hóa nhưng đã chuyển vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, có vợ và một con trai kháu khỉnh. Anh Tân chia sẻ: “Chúng tôi coi ti vi để theo dõi tin tức và nói chuyện qua điện thoại với vợ con ở quê nhà nên cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ đất liền. Như một người lính không quân hàm, nhân viên nhà đèn chúng tôi luôn nhắc nhau nâng cao ý thức trách nhiệm, vượt qua những khó khăn để ngọn đèn biển luôn được thắp sáng. Làm tốt công việc của mình nơi đầu sóng ngọn gió là thiết thực đóng góp vào việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Ghi nhận những cống hiến thầm lặng, những đóng góp xuất sắc trong công tác đảm bảo an toàn hàng hải của các anh, năm 2011, Chính phủ đã tặng bằng khen cho Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn.
DIỆU ANH