Đó là khẳng định của hai công dân người Anh Ian Lister và Carole Kendal, đang sống và làm việc tại TP Đà Nẵng. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, ông Ian Lister cho biết:
Vào tháng 4/2013, chúng tôi đã tham dự lễ khai mạc triển lãm “Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là một cuộc triển lãm tuyệt vời, cung cấp các bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Xin chúc Việt Nam sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh bền bỉ để giành chính nghĩa. (bà Carole Kendal) |
- Vợ chồng tôi sống ở Đà Nẵng tới nay đã bảy năm rưỡi. Khi mới đến, chúng tôi là giáo viên dạy tiếng Anh và hiện làm chuyên gia hiệu đính cho trang điện tử tiếng Anh của Báo Đà Nẵng có tên là Danang Today. Ngoài việc hiệu đính tin bài, chúng tôi còn giúp kiểm tra các thông tin trong bài dịch để đảm bảo nội dung chính xác, cũng như đưa ra các đề nghị và nhận xét về nội dung, ngôn ngữ trong bài dịch nhằm giúp ích cho các biên dịch viên. Chúng tôi yêu mến tất cả mọi thứ thuộc về Đà Nẵng và cảm thấy tự hào, may mắn khi được sống ở thành phố miền Trung này.
* Được biết ông bà đã dành thời gian tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa?
- Trước khi đến Đà Nẵng, chúng tôi hầu như không biết gì về Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, trong suốt thời gian sống tại đây, hai vợ chồng tôi đã tìm hiểu và theo dõi rất kỹ các thông tin về hai quần đảo này. Không phải là chính trị gia, nhà ngoại giao hay chuyên gia về luật pháp quốc tế, mà chỉ là những người quan tâm đặc biệt đến hai quần đảo, chúng tôi thấy các bằng chứng lịch sử khẳng định chắc chắn rằng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam trong nhiều thế kỷ và hoàn toàn không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tôi tin rằng Trung Quốc đã lợi dụng tình thế khi cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và đế quốc Mỹ sắp kết thúc, dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa vào tháng 1/1974. Những kẻ cơ hội là những kẻ muốn xâm chiếm vùng đất thuộc chủ quyền của một quốc gia khác khi phòng thủ của quốc gia đó suy yếu hay bị xao lãng. Theo tôi, ở thế kỷ 21 này, những tranh chấp về biên giới quốc gia nên được các cơ quan có thẩm quyền cao hơn giải quyết - ở đây là Liên Hợp Quốc - và họ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng buộc các bên liên quan phải tuân thủ.
Trong thực tế, nếu hai hộ dân ở gần nhau tranh chấp về đất đai, liệu họ có tự mình dàn xếp giữa đôi bên, hay dùng bạo lực, tranh cãi? Liệu một kẻ ỷ mạnh hơn có thể đe dọa và cố gắng ăn cắp thêm đất đai từ kẻ yếu thế hơn mình? Tất nhiên là không! Cả hai bên phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan thẩm quyền cao hơn như chính quyền cấp xã, phường, quận, huyện hoặc thành phố. Phán quyết cuối cùngsẽ có giá trịràng buộcvề mặt pháp lý đối với các bên liên quan và họ có thể kháng cáo sau này.
Vì vậy, những tranh chấp về biên giới đất đai giữa các quốc gia cũng tương tự như trường hợp tranh chấp dân sự ở trên, không bao giờ cho phép bên mạnh có quyền đe dọa bên yếu hơn trong đàm phán song phương. Một quốc gia dù có rộng lớn hay hùng mạnh hơn quốc gia khác cũng không có quyền bắt nạt quốc gia nhỏ bé và yếu thế hơn. Xét trong trường hợp ở cấp độ quốc gia, một cơ quan có thẩm quyền cao hơn nên đưa ra phán quyết dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành để giải quyết vấn đề về tranh chấp chủ quyền quốc gia. Vì vậy, tôi rất mong muốn Việt Nam sẽ đưa vấn đề về chủ quyền Hoàng Sa lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn.
* Ông bà cho rằng Việt Nam nên đưa vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của mình ra tòa án quốc tế. Vì sao như vậy?
- Việt Nam có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã vi phạm quy ước của Liên Hợp Quốc thì nên đệ trình vấn đề này lên Liên Hợp Quốc để họ phán xét. Nếu Việt Nam đã có bằng chứng rằng Trung Quốc vi phạm tuyên bố của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) thì hãy đệ trình vấn đề lên tổ chức này. Liên Hợp Quốc và ASEAN đã từng giải quyết thành công các vụ việc và hãy để họ giúp Việt Nam đưa ra phán quyết cuối cùng. Trên thế giới ngày nay, các quốc gia tân tiến không bao giờ tin rằng chiến tranh và xâm lược là những giải pháp tốt nhất cho việc giải quyết tranh chấp biên giới quốc gia. “Cuộc chiến” chỉ nên diễn ra dưới hình thức tranh luận và các bên liên quan phải chấp nhận kết quả cuối cùng mà không được tỏ ý bất mãn. Chính bản thân Trung Quốc cũng từng được hưởng lợi từ thỏa thuận song phương mang tính ràng buộc với Anh. Họ đã không phải dùng vũ lực để buộc Anh trao trả Hồng Kông vào năm 1997.
Lòng thù hận, dã tâm và sự hiếu chiến không phải là tính cách tốt đẹp của những người trưởng thành trong thế kỷ 21. Đối thoại, tranh luận, thảo luận và các thỏa thuận mang tính tôn trọng lẫn nhau nên là cách giải quyết vấn đề “một cách chín chắn” trong thời đại ngày nay. Rõ ràng, Trung Quốc dường như hoàn toàn tỏ ra phớt lờ trước những tuyên bố chính thức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam thời gian qua. Đó là: “không được tấn công tàu đánh cá của chúng tôi”, “phải rút giàn khoan của nước bạn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và không được hạ đặt trở lại”, “không được thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa”, “không được xây thêm đường băng nữa”, “không được đưa du khách Trung Quốc ra quần đảo Hoàng Sa bằng tàu biển”, “rút khỏi quần đảo Hoàng Sa”… Những tuyên bố công khai trên cho nhân dân Việt Nam biết rằng Chính phủ đang đại diện cho họ để lên tiếng phản đối Trung Quốc. Đó là việc làm cần thiết. Nhưng theo chúng tôi, có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần gặp đại diện của Liên Hợp Quốc và ASEAN cũng như tòa án quốc tế nói chung để yêu cầu những tổ chức có thẩm quyền cao này xét xử vụ kiện Trung Quốc. Việc thúc giục tinh thần yêu nước hay tác động đến những kẻ hiếu chiến với hy vọng họ sẽ thay đổi cách hành xử, tôi cho rằng sẽ ít hiệu quả. Trong khi đó, đệ trình vụ kiện lên các tổ chức có thẩm quyền cao hơn và chúng ta sẽ chấp nhận phán quyết cuối cùng cho dù kết quả có ra sao. Quần đảo Hoàng Sa, một đơn vị hành chính của Đà Nẵng, thuộc chủ quyền của Việt Nam sẽ là một địa điểm rất lý tưởng để phát triển du lịch và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, với các dịch vụ từ đất liền. Chính vì lý do này, Việt Nam nên tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ để giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
THẠCH BÍCH (thực hiện)