Thứ Hai, 23/12/2024 23:01 CH
Khi lính đảo Trường Sa làm thơ, viết báo
Thứ Tư, 18/03/2015 10:08 SA

Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang “khoe” tờ báo tường mừng xuân mới - Ảnh: K.MY

Không chỉ làm tốt công tác huấn luyện, vững vàng tay súng, các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) còn rất thích đọc sách, làm thơ và viết báo. Với các anh, viết là một cách trải lòng cùng biển đảo quê hương và gắn kết đảo xa với đất liền.

 

LÀM BẠN VỚI SÁCH BÁO

 

Nắng gắt nhưng Thuyền Chài B, điểm đảo xa nhất trong nhánh phía nam của quần đảo Trường Sa vẫn lồng lộng gió. Đoàn công tác gần 40 người lần lượt chen chân lên đảo nhỏ. Các nhà báo, phóng viên, sau khi làm việc với đảo trưởng, liền dẫn nhau đi thăm các phòng sinh hoạt, nghỉ ngơi trên đảo. Rồi không ai bảo ai, mọi người cùng dừng lại ở thư viện, nơi có một số chiến sĩ trẻ đang say mê đọc sách, báo vừa mới được gửi ra theo tàu. Thiếu tá Lưu Quang Sắc, Chính trị viên của đảo, giới thiệu: “Đảo chìm nên diện tích rất hẹp. Gọi là thư viện cho “oách” chứ thật ra đó chỉ là phòng rộng chừng 12m2, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đặt một cái bàn lớn để mọi người đọc sách, báo, tạp chí. Mỗi năm, Trường Sa đón 4 chuyến tàu tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm nên sách báo trên đảo bây giờ không khan hiếm. Nhưng vì 3 tháng mới có một chuyến tàu tiếp tế nên hầu hết sách báo đều là những tập san, báo tuần, báo tháng, thiếu những tờ báo cập nhật thông tin hàng ngày cho anh em. Tuy vậy, mỗi khi nhận sách báo từ đất liền gửi ra, thông tin có muộn nhưng lính đảo vẫn rất phấn khởi và xem đây là món quà tinh thần quý giá”.

 

Không chỉ có thú vui đọc báo, lính Trường Sa còn rất nhiệt tình viết báo và cộng tác với các tờ báo ở Trung ương, địa phương trong đất liền. Không chỉ gửi thơ, tản văn nói về cảm xúc nhớ đất liền, gia đình và bày tỏ quyết tâm giữ vững biển đảo quê hương, một số cán bộ, chiến sĩ có kỹ năng viết còn kịp thời đưa tin, viết bài phản ánh các sự kiện, sự việc thời sự đang diễn ra tại các đảo, nhất là thông tin các tàu cá và ngư dân gặp nạn, được quân y trên các đảo kịp thời cứu chữa. Đại úy Trương Công Pháp, Chính trị viên Trạm Ra đa 11 trên đảo Trường Sa Lớn (nay đã chuyển công tác), quê ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa, thổ lộ: “Từ nhiều năm nay, tôi viết bài cộng tác với Báo Phú Yên và một số tờ báo địa phương khác. Đề tài tôi thường viết xoay quanh cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Với tôi, viết báo và chụp ảnh về Trường Sa không chỉ là đam mê mà còn là một cách để đưa đảo xa về gần hơn với đất liền”.

 

Trong chuyến công tác đến với các đảo phía nam quần đảo Trường Sa, trong hành lý của mỗi phóng viên, nhà báo chúng tôi đều mang theo vài chục tờ báo, tạp chí nơi mình làm việc để tặng cán bộ, chiến sĩ, nhất là các anh lính đồng hương tại các đảo. Mỗi khi rời một đảo nào đấy trên chặng hải trình, các nhà báo đều không quên nhắn nhủ các cán bộ, chiến sĩ trên đảo gửi thơ văn và viết bài cộng tác về đất liền.

 

SÔI NỔI PHONG TRÀO LÀM BÁO TƯỜNG

 

Đến với các đảo ở phía nam của quần đảo Trường Sa, các vị khách đến từ đất liền luôn bị thu hút bởi những tờ báo tường được thực hiện công phu, treo trang trọng tại hội trường hoặc phòng đọc sách của đảo. Tất cả đều được viết, trang trí bằng tay nhưng màu sắc khá ấn tượng. Trong mỗi tờ có đủ các thể loại: xã luận, châm ngôn, truyện cười, ca khúc... và đặc biệt không thể thiếu những vần thơ. Thơ của những người lính Trường Sa được làm ngẫu hứng, có thể là khi đang bồng súng đứng gác, cũng có khi là phút giải lao trong giờ huấn luyện, hay những lúc lao động, sinh hoạt cùng đồng đội. Các anh làm thơ về quê hương, biển đảo, mùa xuân, tình yêu, niềm tin son sắt với Đảng, Bác Hồ, hay đơn giản hơn là về cuộc sống của chính mình.

 

Khi đến đảo Trường Sa Đông, nhìn thấy những tờ báo tường trưng bày tại hội trường, anh Nguyễn Mạnh Thắng, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương không khỏi trầm trồ. Anh nói: “Những bài thơ có thể gieo vần chưa chuẩn, nối nhịp chưa hay, nhưng càng đọc càng thấy hấp dẫn bởi sự mộc mạc, chân chất trong tâm hồn của những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời. Đọc thơ của các anh, tôi thấy được ý chí, quyết tâm bảo vệ biển, đảo quê hương của mỗi người”.

 

Trên chiếc xuồng chòng chành vượt sóng lớn để trở lại tàu, tôi cứ mãi ngoái đầu nhìn về phía đảo. Bất giác, tôi cũng muốn viết vài dòng thơ để lại cho Trường Sa: Có lẽ một đời chỉ một lần thôi/Ngắm Tổ quốc thật rạng ngời từ biển/ Những ký ức Trường Sa - ngày em đến/ Bình dị thôi mà rất đỗi thiêng liêng/ Trong mỗi người neo giữ những niềm riêng/ Duy nhất tình yêu chung khắc tên Tổ quốc.

 

Trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông, cho biết: “Mỗi khi đến các ngày lễ lớn, chúng tôi lại phát động cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo thi đua làm báo tường. Lính Trường Sa rất thích làm thơ. Thơ với chúng tôi vừa là người bạn, vừa là phương tiện để giãi bày tâm sự, làm vui cuộc sống. Chính những vần thơ đã truyền thêm lửa, hâm nóng tình yêu biển đảo cho nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ”.

 

KHÁNH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết đến sớm với Trường Sa
Thứ Năm, 19/02/2015 07:00 SA
Xuân về trên đảo xa
Thứ Tư, 18/02/2015 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek