Là những người lính khoác áo blouse trắng ở huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), công việc hằng ngày của các anh là chăm lo sức khỏe, khám, chữa bệnh cho quân và dân trên các đảo. Đồng thời cấp cứu, chữa trị cho các ngư dân bị nạn khi đang đánh bắt trên biển…
Tại tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa đều có đội ngũ y, bác sĩ chăm lo sức khỏe cho quân và dân. Trong đó, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn ở thị trấn Trường Sa là trung tâm điều trị cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo phía nam quần đảo Trường Sa. Phòng phẫu thuật của bệnh xá có máy siêu âm, máy chụp X-quang, máy điện tim cùng nhiều thiết bị hiện đại khác. Theo bác sĩ Lê Thanh Bình, Trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, tuy thiết bị y tế ở đây không thể so sánh với những bệnh viện lớn trong đất liền nhưng đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh cho quân, dân trên đảo và ngư dân. Cũng theo bác sĩ Bình, năm 2014, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã thực hiện hơn 30 ca giải phẫu. Trong đó có nhiều trường hợp nguy hiểm như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, chấn thương nặng… Với những ca khó, các bác sĩ trên đảo có thể hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ hàng đầu của những bệnh viện quân y lớn trong nước như: 175, 108, 103.
Chuyện gặp nạn trên biển là điều khó lường trước, đặc biệt là trong mùa giông bão, vì thế, các y, bác sĩ trên đảo luôn trong tâm thế sẵn sàng. Có những ca cấp cứu phải thực hiện lúc 1, 2 giờ sáng trong điều kiện thời tiết rất nguy hiểm như gió to, sóng lớn. Buổi đầu, có y, bác sĩ từ đất liền ra đây công tác là trách nhiệm người lính, còn phảng phất nỗi nhớ gia đình, nhớ người thân. Nhưng rồi sau đó cuốn vào công việc, tình cảm đồng đội, tình quân dân cá nước gắn bó và nảy nở, khi đến kỳ hạn trở về đất liền lại thấy bâng khuâng, lưu luyến không muốn rời xa.
Tình nguyện ra Trường Sa, đối với bác sĩ Nguyễn Công Hưng (đảo Thuyền Chài B), đây là lần thứ ba anh đảm nhận công việc này ở các đảo. Trước đó, anh công tác ở các đảo Tốc Tan, Đá Tây. Ngoài làm tốt chuyên môn hằng ngày, anh cùng với cán bộ, chiến sĩ ở các đảo trồng rau, nuôi heo… góp phần cải thiện bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng cho anh em. Kỷ niệm khó quên nhất của bác sĩ Hưng chính là cấp cứu thành công vết thương của ngư dân Trần Duy Cường (lao động trên tàu BĐ 96859 TS). Anh nhớ lại: Vào tháng 7/2014, khi đang đánh bắt ở quần đảo Trường Sa, anh Cường bị tai nạn lao động đa chấn thương và có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử cao. Sau khi tàu cập đảo, tôi đã tiến hành sơ cứu, cắt lọc vết thương, rồi điều trị vài ngày thì chân anh Cường khỏi. Sau đó, mỗi khi ra khơi đánh bắt, anh Cường và ngư dân đều ghé đảo thăm, tình cảm lắm!
Tháng 9/2014, trong một lần hành nghề, anh Lê Duy Hồ (lao động trên tàu PY 90161) bị lưỡi câu cá ngừ đại dương móc dính vào cánh tay. Mặc dù được sơ cứu trên tàu nhưng vết thương khá nặng, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Nhận được tín hiệu cấp cứu và sau khi tàu ghé vào đảo An Bang, đại úy, bác sĩ Lê Hải Nam cùng các đồng đội đã khẩn trương hội chẩn và mổ, xử lý kịp thời vết thương, đảm bảo an toàn tính mạng cho anh Lê Duy Hồ. Năm 2014, Trạm xá đảo An Bang do anh Nam phụ trách đã tổ chức khám 146 lượt ngư dân và 243 lượt chiến sĩ. Trong đó có 4 ca cấp cứu, phẫu thuật, trong khi biên chế chỉ có 4 người. Tất cả chi phí khám, chữa bệnh đều miễn phí. “Một năm đến với đảo làm nhiệm vụ đã rèn luyện cho mình bản lĩnh, sự công tâm và cái nhìn sâu sắc hơn về nghề y, đặc biệt là sống tình cảm hơn”, bác sĩ Nam chia sẻ.
Ngoài tấm lòng “Lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc, đối với các y, bác sĩ công tác ở huyện đảo tiền tiêu Tổ quốc, nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người còn bắt nguồn từ mệnh lệnh trái tim của người lính Cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà nắm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu để cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng…
VĂN TÀI