Tôi thật may mắn và hạnh phúc khi đứng trên mái tòa nhà hội trường ở đảo Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trực tiếp chiêm ngưỡng lá cờ Tổ quốc được ghép từ gốm lớn nhất Việt Nam, được chạm tay lên từng viên gốm nhỏ gắn kết với nhau tạo thành một lá cờ hùng vĩ như lòng yêu nước dạt dào bao đời nay của con dân đất Việt…
Khi con tàu HQ-571 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) chở đoàn công tác thăm, tặng quà tết và thay thu quân cập đảo Trường Sa Lớn, các phóng viên ai nấy đều háo hức, nhanh chóng thâm nhập, tìm hiểu về con người, cuộc sống nơi đây. Đã tìm hiểu kỹ từ đất liền, tôi bày tỏ nguyện vọng với các anh chỉ huy là rất muốn được tận mắt nhìn ngắm lá cờ Tổ quốc được ghép từ gốm lớn nhất Việt Nam - tạo nên thiết chế văn hóa độc đáo của hòn đảo này.
Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Minh được phân công đi cùng tôi đến vị trí tham quan lá cờ đặc biệt là tòa nhà hội trường thị trấn Trường Sa - nơi diễn ra các cuộc họp và sinh hoạt chính trị quan trọng của đảo Trường Sa Lớn. Trung úy Minh dẫn khách đến một cái thang cố định nằm ở phía bắc tòa nhà. Đây chính là lối duy nhất có thể trèo lên mái của hội trường. Tính theo bậc thang thì khá cao, có thể gây ngần ngại đối với người yếu bóng vía. Nhưng niềm háo hức chứng kiến lá cờ được ghép từ gốm có kích thước độc nhất vô nhị đã động viên tôi vượt qua sợ hãi và cẩn thận thu hẹp dần độ cao.
Cuối cùng thì lá cờ cũng đã hiện ra trước mắt tôi. Nó được ghép từ gốm, ốp trên mái của tòa nhà, màu đỏ rực như trải rộng khắp vùng trời biển đảo thiêng liêng. Tôi chạm tay lên từng viên gốm nhỏ, cảm nhận độ tinh tế, khéo léo của từng mảnh ghép, rồi phóng tầm mắt ra xa để có thể quan sát toàn bộ vẻ đẹp tráng lệ của lá cờ đầy ấn tượng này. Trung úy Minh hào hứng cho biết: “Từ trên cao, trên máy bay vẫn nhìn thấy lá cờ trên đảo Trường Sa Lớn. Vì thế, chạm trực tiếp vào cờ không ai là không thấy choáng ngợp vì hạnh phúc. Lính đảo chúng tôi tự hào lắm! Mỗi khi sắp có đợt thay quân, từng nhóm rủ nhau lên đây nhìn ngắm thỏa thích rồi chụp hình lưu niệm đem về khoe với gia đình”.
Nghe anh Minh nói, chiến sĩ Thiều Quang Tùng, quê ở Quảng Bình, mở điện thoại khoe ngay với tôi loạt ảnh anh và các đồng đội chụp lưu niệm bên lá cờ. Tùng chia sẻ: “Mấy năm nay, lá cờ thách thức những con sóng bạc đầu, mãi rực đỏ trên đảo nhỏ quê hương là một minh chứng khẳng định hùng hồn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, luôn nhắc nhở chúng em luôn phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Theo thượng tá Lương Xuân Giáp, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, mái tòa nhà hội trường thị trấn Trường Sa có kích thước 14m x 30m được các kỹ sư thiết kế đúc bằng bê tông vững chắc. Hơn 300.000 mảnh gốm được sử dụng để ghép nên lá cờ trên mái hội trường này. Lá cờ có kích thước 12,4m x 25m, với diện tích bề mặt là 310m2. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - tác giả của công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội cũng chính là người có ý tưởng, tâm huyết và cùng các cộng sự miệt mài hoàn thành sản phẩm lá cờ ghép gốm trên đảo Trường Sa Lớn. Đây là một sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao trong việc giáo dục lòng yêu nước, góp phần cùng với lính đảo và nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Thượng tá Lương Xuân Giáp cho biết thêm: “Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận lá cờ trên mái tòa nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn là lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam”.
Từ trên mái tòa nhà hội trường thị trấn Trường Sa, đứng trước không gian rợp đỏ màu cờ đầy hứng khởi, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và khách đất liền vừa thu vào tầm mắt khung cảnh biển xanh đang cuộn mình hùng vĩ, vừa thưởng ngoạn trọn vẹn cụm công trình văn hóa điển hình trên đảo là ngọn hải đăng sừng sững, chùa Trường Sa, đài tưởng niệm liệt sĩ oai nghiêm và nghe trong lòng mình dâng lên tình yêu đất nước dạt dào…
DIỆU ANH