Dù công tác và làm việc trên một diện tích chật hẹp, lại thiếu thốn nước ngọt và đất, nhưng vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, cùng với kinh nghiệm trồng rau, chăn nuôi kiểu vườn, ao, chuồng của biết bao thế hệ lính đảo, các cán bộ, chiến sĩ ở các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa vẫn nỗ lực tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn và đảm bảo thực phẩm tươi hàng ngày…
Giữa biển Đông bao la, để chống chọi với sự mặn mòi của biển, các chiến sĩ nơi đảo xa rất vất vả trong việc tăng gia, sản xuất. Đặc biệt, ở đây, mỗi khi biển động sóng cao, các chiến sĩ lại phải bê từng thùng rau chuyển vào nhà. Nếu con sóng không quá cao thì các chiến sĩ phải lấy bạt che phía ngoài để ngăn sóng đánh nước mặn vào vườn rau. Đó là chưa kể đến việc phải di chuyển cả vườn rau theo mùa, theo hướng gió để bảo quản. Nước tưới rau cũng rất cầu kỳ, khi tắm nước cuối, các anh phải đứng vào chậu để hứng nước tưới rau. Mỗi khi trời mưa, các loại xô chậu lại được huy động ra hứng nước vừa để sinh hoạt, vừa lấy nước tưới rau.
Chăm chút từng thùng rau xanh để cải thiện bữa ăn hàng ngày |
Chính điều kiện khắc nghiệt trên các đảo chìm, đảo nổi để trồng và chăm sóc rau được tốt, các chiến sĩ nơi đây phải đúc kết kinh nghiệm từ không biết bao nhiêu đời lính truyền lại, mùa nào trồng rau gì. Để có vườn rau, trước khi gieo hạt, các chiến sĩ trên đảo trộn đất với xơ dừa, phân bón và phơi trong khoảng nửa tháng mới gieo hạt. Các loại rau được trồng xen lẫn nhau, đảm bảo chiến sĩ trên đảo luôn có rau xanh để ăn...
Thành quả sau bao ngày chăm sóc rau của lính đảo |
Trồng được rau đã khó, để bảo vệ được nó an toàn với sóng, với gió lại càng khó hơn. Nhất là vào mùa biển động, sóng biển cao 3 đến 4m, không ít lần rau của các chiến sĩ bị sóng đánh tan tành, khiến các anh phải đi nhặt từng thùng đất để trồng lại. Nếu không may nước biển ngấm vào đất thì rau cũng hỏng hết, anh em lại phải rửa mặn cho đất rồi mới trồng lại được. Thế nhưng, vượt lên bao khó khăn, khắc nghiệt, các “Vườn rau thanh niên” không phụ công người, vươn lên xanh tốt.
VĂN TÀI