Thứ Hai, 23/12/2024 22:33 CH
Sống nơi đất khách, lòng hướng về đất mẹ
Thứ Bảy, 21/02/2015 11:00 SA

Một người Mỹ gốc Việt nhiều năm qua đã cất công sưu tập hàng trăm bản đồ quý do nhiều nước xuất bản để chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trong những tập bản đồ mà anh sưu tập được, một số từng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên trong dịp Festival Thủy sản 2014, thu hút đông đảo người dân đến xem. Ngoài đam mê sưu tập bản đồ, anh còn kết nối văn hóa Việt Nam với cộng đồng người Việt, du học sinh Việt tại Mỹ.

 

Anh Trần Đình Thắng -  Ảnh do nhân vật cung cấp

Anh là Trần Đình Thắng (SN 1971), quê Quảng Ngãi, là một trong hai người Việt xuất sắc được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị giáo dục, khi đoàn công tác cấp cao của Việt Nam làm việc tại Mỹ hồi tháng 7/2013. Anh còn được Bộ TT-TT mời dự chuỗi hoạt động khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại Hà Nội.

 

Được tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, giới thiệu, tôi có dịp làm quen với anh để hiểu rõ hơn về những việc làm đầy ý nghĩa của anh hướng về đất mẹ.

 

SƯU TẬP BẢN ĐỒ ĐỂ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN QUÊ HƯƠNG

 

Năm 1991, Trần Đình Thắng cùng gia đình sang Mỹ định cư. Năm 1998, anh tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí Trường đại học Connecticut, sau đó được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney của Mỹ. Có nghĩa, anh là người thiên về kỹ thuật chứ không liên quan đến lịch sử. Dù vậy, trong anh luôn yêu thích các vấn đề về lịch sử. Cũng do yêu thích lịch sử nên anh thích chơi đồ cổ và anh quen tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn.

 

Nói về cơ duyên tiếp xúc với những tấm bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, anh Thắng bộc bạch: “Năm 2010, anh Sơn và các cộng sự triển khai đề tài nghiên cứu Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa. Trong quá trình nghiên cứu, anh Sơn biết một số thư viện ở Mỹ đang lưu giữ những tấm bản đồ do các nước phương Tây xuất bản từ thế kỷ XVI-XIX, có vẽ hoặc ghi chú các quần đảo Paracel, Pracel… (Hoàng Sa) và Spartly (Trường Sa) thuộc về chủ quyền của Việt Nam nên nhờ tôi tìm và xin sao chụp các bản đồ này”.

 

Nhưng theo anh Thắng, điểm mấu chốt để anh dấn thân vào việc sưu tập bản đồ cổ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào tháng 7/2012, khi tiến sĩ Mai Hồng (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) công bố và tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Hoa) ấn hành năm 1904, với chi tiết điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, lôi cuốn anh bước vào cuộc đua marathon nhằm tìm kiếm những tấm bản đồ tương tự ở hải ngoại.

 

“Phần lớn tôi mua bản đồ cổ trên eBay (mạng đấu giá toàn cầu). Tính đến nay tôi đã mua được 3 tập bản đồ (atlas) và 150 tấm bản đồ, gồm: 110 bản đồ gốc và 40 bản in với tổng giá trị 13.000 USD. Các bản đồ được xuất bản tại Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Scotland, Hồng Kông trong giai đoạn 1626-1980, với kích thước từ 20cmx25cm đến 60cmx75cm. Về nội dung, 80 bản đồ do phương Tây xuất bản chỉ rõ điểm cuối của cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, 50 bản đồ cho thấy Hoàng Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam và 10 bản đồ khu vực hàng hải vùng bờ biển Việt Nam và 10 bản đồ tổng thể khu vực châu Á và Đông Nam Á”, anh Thắng cho biết. Trong 80 bản đồ cổ Trung Hoa có nhiều bản đồ nổi tiếng của các nhà địa lý thời bấy giờ như Johnson, Thomson hoặc một số bản đồ cổ Trung Hoa giống bản đồ mà Thủ tướng Ðức Angela Merkel giới thiệu cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 3/2014.

 

Trong những bản đồ anh Thắng sưu tập được, đặc biệt chú ý 2 bản đồ gốc cách đây hàng trăm năm, gồm bản đồ “Đông Ấn Độ” do nhà bản đồ học người Đức rất nổi tiếng Herman Moll vẽ và xuất bản tại London, chỉ rõ Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong lãnh hải của Việt Nam và bản đồ “Đế chế Trung Hoa” do phương Tây vẽ, xác định lãnh thổ Trung Quốc không hề có Hoàng Sa và Trường Sa như họ tự nhận bừa sau này.

 

Khi hỏi về bộ sưu tập có ý nghĩa thế nào đối với vấn đề Hoàng  Sa - Trường Sa?, anh Thắng nói: 80 bản đồ do nhiều nhà xuất bản khác nhau tại Anh, Mỹ, Pháp, Ðức, Hà Lan in ấn đều xác định cực nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam. Thời xưa, người phương Tây thiết lập bản đồ để thuận tiện trong ngoại giao, giao thương và đường hàng hải giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - châu Âu. Bản đồ phải thể hiện tính chính xác và trung thực về địa lý của các nước trong khu vực, và tất nhiên phải có sự chấp thuận của nhà Thanh - đất của người Trung Hoa ở phương nào thì các nhà địa lý vẽ bản đồ bao gồm phương đó và hải đảo nơi đó. 

 

Sau khi sưu tập những tấm và tập bản đồ, anh Thắng chuyển về hiến tặng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng để phục vụ công các nghiên cứu, trưng bày trước công chúng. Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, bộ sưu tập bản đồ cổ của anh Thắng rất có ý nghĩa vì đã cung cấp thêm cơ sở khoa học và chứng lý lịch sử để góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời bác bỏ những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.

 

Lãnh thổ Trung Quốc trong bản đồ thế giới do vương quốc Anh xuất bản năm 1723 (do anh Thắng sưu tập), điểm cực nam của quốc gia này là đảo Hải Nam

 

“NỐI DÀI” VĂN HÓA VIỆT, “BẮC CẦU” DU HỌC MỸ

 

“Là người Việt Nam, chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ đất nước của chúng ta, cũng như tham gia vào việc định hình tương lai của xã hội Việt Nam”. (Trần Đình Thắng)

Không chỉ đam mê sưu tập bản đồ chủ quyền Việt Nam, năm 2000 khi mà quan hệ Việt Nam - Mỹ đã trở lại bình thường, nhiều mối giao ban giữa hai nước bắt đầu được mở rộng thì cũng là lúc Trần Đình Thắng cùng một số bạn bè thành lập Viện Văn hóa - Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE) do anh làm chủ tịch. Mục đích thành lập viện này là quảng bá văn hóa Việt thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ và giáo dục ở Mỹ, cũng như ở Việt Nam, với sự cố vấn của giáo sư Trần Văn Khê và một số giáo sư, học giả khác. Anh bộc bạch, để toàn tâm, toàn ý cho những hoạt động không lương của IVCE, từ năm 2008 đến năm 2011 anh tạm chia tay công việc của một kỹ sư cơ khí.

 

Nhờ những hoạt động “nối dài” đó của IVCE mà những Đời cát, Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận... đã được chiếu ở đất Mỹ. Và sau mỗi buổi chiếu phim là phần giao lưu sôi động với những bạn trẻ đang nhiệt tình tìm hiểu văn hóa Việt. Hay như những hoạt động của chương trình Tết Châu Á với phần trình diễn áo dài thời trang, viết thư pháp mang giá trị tinh thần đến cho người Việt sống tại Mỹ.

 

Bên cạnh những hoạt động văn hóa, anh Thắng còn bỏ tiền túi về Việt Nam triển khai chương trình du học, hỗ trợ học sinh - sinh viên Việt Nam cách nộp đơn vào các trường đại học Mỹ để tìm kiếm học bổng, chương trình cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ… “Mục tiêu của IVCE là giúp khoảng 130.000 học sinh, sinh viên Việt Nam có được thông tin về du học tại Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2015. Có thể kể ra các chương trình mà IVCE đã triển khai như: chương trình VITA đưa sinh viên Mỹ tình nguyện tại Việt Nam tham gia các khóa dạy Anh ngữ cho sinh viên chuẩn bị đi du học. Mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên trong nước tham gia các khóa học này. Hay như chương trình phát triển giáo dục Việt Nam, với mục đích giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao học có việc làm ngắn hạn tại các công ty, hoặc tìm được công việc nghiên cứu tại các trường đại học trước khi họ về nước làm việc lâu dài”, anh Thắng nói.

 

NGUYỄN QUANG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Biển quê
Thứ Tư, 28/01/2015 10:14 SA
Màu xanh trên đỉnh Hòn Tre
Thứ Tư, 28/01/2015 10:08 SA
Trường Sa xanh
Thứ Tư, 21/01/2015 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek