Nhờ đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, biết phát huy thế mạnh trong trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, hàng trăm hộ nông dân ở huyện miền núi Sơn Hòa đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu và góp sức xây dựng nông thôn mới… Đây là đơn vị tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu Khối thi đua Cụm miền núi năm 2019 và đang đề nghị Trung ương Hội tặng bằng khen.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Theo ông Sô Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hòa, toàn huyện có 14 cơ sở hội với trên 8.000 hội viên sinh hoạt tại 76 chi hội và 126 tổ hội. Để phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đạt kết quả thiết thực, ngoài việc tuyên truyền, vận động nông dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, Hội còn chủ động phối hợp với các ban ngành liên quan nhằm đẩy mạnh triển khai các đề án phát triển kinh tế ở nông thôn; xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề, cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ mà chọn mô hình SXKD phù hợp.
Để giúp hội viên có vốn sản xuất, Hội đã phối hợp với ngành Ngân hàng tổ chức tốt việc tín chấp cho nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích trong SXKD. Trong 3 năm qua, thông qua Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đã tín chấp cho hàng chục ngàn lượt hộ vay với số tiền trên 196 tỉ đồng; giải ngân gần 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho 16 hộ, thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Sơn Nguyên; đồng thời lập 4 dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trung ương và tỉnh với số tiền 1,8 tỉ đồng phân bổ tại các xã Sơn Xuân, Sơn Định và Sơn Hội.
Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các ban ngành liên quan, trường trung cấp nghề, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp… mở 72 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, thâm canh giống cây mới cho trên 2.900 lượt hội viên, nông dân; tổ chức 5 lớp dạy nghề cho nông dân, có 157 người học, góp phần tạo thêm việc làm mới cho nông dân, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện còn tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 18 tỉ đồng, gần 18.200 ngày công và hiến trên 25.700m2 đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần làm cho diện mạo nông thôn huyện nhà ngày càng khởi sắc.
Nhiều mô hình hiệu quả
Sau 3 năm thực hiện phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi giai đoạn 2016-2018, nhờ sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân, phong trào ngày càng được nhân rộng và phát triển. Đến nay, toàn huyện có 2.514 hộ nông dân SXKD giỏi các cấp; trong đó, cấp trung ương 19 hộ, cấp tỉnh 184 hộ, cấp huyện 537 hộ và cấp xã 1.774 hộ.
Từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, học hỏi đưa vào thử nghiệm, nhân rộng các loại cây, con mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất như: Mô hình trồng rừng kết hợp với trồng mía, trồng mía, chăn nuôi heo rừng lai, trồng khóm xen cây sả, trồng mít thái kết hợp nuôi heo rừng lai…
Tiêu biểu như mô hình trồng mía chăn nuôi dê, gà của ông Huỳnh Ngọc Tuyên ở xã Sơn Phước. Ông Tuyên quê ở Hòa Trị, huyện Phú Hòa nhưng lên xã Sơn Phước lập nghiệp. Ban đầu, ông Tuyên trồng mía với diện tích gần 4ha, kết hợp với buôn bán tạp hóa. Nhưng do nắng hạn kéo dài, năng suất thấp nên ông chuyển sang đầu tư chăn nuôi dê, gà, heo. “Chăn nuôi dê, công nhàn rỗi hơn trồng mía, đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao. Bình quân thu nhập của gia đình tôi từ 150-250 triệu đồng/năm”, ông Tuyên vui vẻ cho biết.
Còn gia đình anh Ngô Quốc Huy ở xã Sơn Hà thành công với mô hình trồng mít thái và nuôi heo rừng. Năm 2010, anh Huy cưới vợ và sinh sống ở Đắk Lắk. Ở đây, anh thấy giống mít thái phát triển rất hiệu quả, phù hợp với khí hậu ở quê nhà, nên sau khi đưa vợ con về quê hương lập nghiệp, với số vốn tích góp được, anh mạnh dạn xây dựng trang trại trồng mít thái kết hợp với nuôi heo rừng lai.
Anh Huy cho biết: “Nếu không nhờ Hội Nông dân mở lớp tập huấn về nuôi heo và trồng trọt thì bây giờ tôi cũng chưa chắc có “tay nghề” để phát triển sản xuất như vậy. Hiện tại, hơn 500 gốc mít của gia đình tôi đã trên 2 năm tuổi, đang bắt đầu cho thu hoạch, mỗi trái nặng từ 6-8kg, giá thành dao động 30.000 đồng/kg. Còn đàn heo rừng lai có khoảng 50 con, với giá thành 80.000 đồng/kg hơi. Mỗi năm từ việc nuôi heo và trồng mít thái, sau khi trừ chi phí, vợ chồng tôi kiếm được 150 triệu đồng”.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, Huyện hội sẽ tập trung vận động nông dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày; tiếp tục chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác cho năng suất và giá trị cao hơn; nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả; đồng thời tích cực tham gia hưởng ứng thi đua phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh về mọi mặt.
Ông Sô Minh Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hòa |
NGỌC HÂN