Chủ Nhật, 29/09/2024 15:21 CH
“Cô Tấm vùng cao” Phạm Thị Tâm
Thứ Hai, 26/11/2018 08:56 SA

Cô Phạm Thị Tâm dạy học - Ảnh: MẠNH MINH TÂM

Đó là cô giáo Phạm Thị Tâm, nhận công tác từ đầu năm học 2018-2019 và điều đáng mừng là cô đã “chịu ở” với dân làng thôn Phú Đồng, xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân.

 

Lớp mầm non của Làng Đồng (tên quen gọi thôn Phú Đồng) được tổ chức từ những năm 1990 do cô giáo Hiệp, người của làng đảm nhiệm. Cô Hiệp nghỉ hưu cách nay vài năm, huyện đã điều mấy cô là người Kinh ở xuôi lên nhưng không ai “có gan” trụ lại ở đây quá 2 tuần. Có nhiều lý do nhưng cái chính là làng nằm ở địa thế cheo leo hiểm trở, cách đồng bằng khoảng 20 cây số nhưng đường đi phải vượt qua nhiều suối sâu, đèo cao. Ai “yếu vía” chỉ có bỏ chạy…

 

Cô Tâm quê ở Tiền Hải, Thái Bình, theo sống với gia đình anh trai ở thị trấn La Hai từ năm 2000. Sau tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Mẫu giáo Trung ương 2 (Nha Trang), cô Tâm bước vào nghề giáo từ năm 2005, dạy tại trường mẫu giáo các xã đồng bằng trong huyện. Cô lấy chồng cùng quê Thái Bình, định cư luôn ở Phú Yên. Mặc dù, cả hai đều xa quê, cuộc sống hoàn toàn tự lập nhưng cô vẫn cố gắng học lên đại học và tiếp tục học chuyên ngành Giáo dục học, Trường đại học sư phạm Hà Nội và trở thành thạc sĩ đầu tiên của ngành Mầm non ở huyện Đồng Xuân.

 

Đây là lần đầu tiên cô nhận công tác nơi vùng cao đầy thử thách. Như trải lòng mình, cô nói khi chấp nhận về dạy ở đây là một sự “dấn thân”, cô không ngại phải đối mặt với khó khổ về điều kiện ăn ở, sinh hoạt… Hiện nhà nội trú và cả khu trường tiểu học, mầm non vẫn chưa có nhà tắm, nhà vệ sinh. Cực nhất là nước sinh hoạt, nước được lấy từ một con suối trên núi dẫn về cái hồ nhỏ cho dân làng dùng chung. Vào mùa mưa thì tạm đủ nước nhưng gặp nắng hạn kéo dài, thiếu nước phải lội bộ vài cây số để xuống suối sâu vác từng can nước về dùng…

 

Điều sợ nhất là khi cô một mình đi xe máy về trung tâm xã họp, cuối tuần về lại gia đình. Con đường đất trên chục cây số, hai bên cây rừng với những đèo dốc dựng ngược, sóng rãnh, chạy xe thắng trước, trượt sau… Mỗi lần đi về sao cứ thấy con đường trở nên hun hút, xa thẳm. Cứ sau chuyến đi, đêm nằm người cứ ê ẩm, chân tay rã rời. Hồi cô mới lên đây, buổi đi có tới vài lượt bị trượt ngã xe. Mới có 3 tháng đi lại mà cô có cảm giác hai đầu ngón chân cái bị chà xát, thay tróc vài lớp da.

 

Cô nói, dù đã biết trước đây là vùng khó khăn nhất của tỉnh nhưng khi đã đặt cái tâm yêu nghề, không ngại khó, sợ khổ đã giúp mình vượt qua tất cả. Khi về đây còn “lạ nước, lạ cái”, cô phải mất một thời gian tới từng nhà có con trong độ tuổi đến lớp để tìm hiểu, biết được mong muốn của họ, cho trẻ con biết mình là ai và để được chúng coi mình là bạn…, cô đã tạo sự gần gũi, thân thiết. Qua đó, cô thấy có nhiều gia đình còn khổ quá, trẻ em chỉ có vài bộ quần áo đã bạc màu; nhiều người già, phụ nữ không đủ quần áo mặc khi đi làm rẫy. Thế là mỗi lần về nhà, cô đi xin đồ cũ còn lành lặn của những người quen mang lên tặng lại cho bà con và trẻ em.

 

Dân làng từ cái nhìn thiện cảm, quen dần họ đã tỏ ra tin tưởng và khá thân thiện với cô. Các mí ở đây không chỉ coi cô như người giữ trẻ mà còn là người dạy dỗ sự hiểu biết cho con cháu làng mình. Nhờ vậy, công sức của cô cũng được bù đắp, nếu như những năm trước, trường chỉ hơn chục cháu tới lớp, nay lên tới 29 cháu.

 

Khi được hỏi vì đâu mấy thầy gọi cô Tâm là cô Tấm, thầy Huỳnh Pô Pê, giáo viên Phân trường tiểu học Làng Đồng (Trường tiểu học Phú Mỡ) giải thích: Cô Tâm dạy cấp mầm non chứ không phải của phân trường; trường cô lại không có chỗ ở cho giáo viên nên khi cô Tâm ngỏ lời, không ngại về ở đây với anh em. Ở đây chỉ còn 1 gian này dùng làm bếp, chúng tôi phải chuyển bếp vào phòng ở để có chỗ cho cô tá túc.

 

Tuy sống với anh em chưa lâu nhưng thấy cô nhanh nhẹn, siêng năng lại có tính thương người, gần gũi và biết giúp đỡ mọi người. Việc cô xin gom hàng chục bao quần áo cũ, rồi lặn lội mang về phân phát cho dân làng khiến mọi người cảm động. Từ ngày có cô ở đây, khuôn viên nhà nội trú trong ngoài luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Những luống rau sạch sau hè, trước ngõ cô trồng đã góp phần cải thiện bữa ăn thiếu rau xanh của anh em giáo viên. Thấy cô cặm cụi, chăm chỉ và hiền lành nên mọi người gọi “cô Tấm vùng cao” cũng là để tỏ lòng quý mến cô như đứa em gái của phân trường vậy.

 

Ông La Chí Dũng, Bí thư Làng Đồng nhận xét: Chúng tôi rất mừng, từ trước tới giờ làng mình mới có được cô giáo dạy trẻ “chất lượng” như vậy. Cô ấy là đảng viên, được đào tạo bài bản. Cái đáng quý hơn dù sống ở đây chưa lâu nhưng cô hòa nhập nhanh, biết thông cảm và chia sẻ với điều kiện còn khó khổ của dân làng. Điều đó chứng tỏ cô rất tâm huyết và thật sự yêu nghề!

 

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chị Soan công đoàn
Thứ Năm, 22/11/2018 09:41 SA
Chị Vy 22 lần hiến máu cứu người
Thứ Bảy, 17/11/2018 09:28 SA
Lê Thoại Mỹ vượt khó, học giỏi
Thứ Năm, 15/11/2018 07:12 SA
Một trí thức trẻ năng động
Thứ Ba, 13/11/2018 09:24 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek