Thứ Hai, 23/12/2024 14:29 CH
Người đưa đò của học trò khuyết tật
Thứ Ba, 20/11/2018 07:00 SA

Cô Huệ dạy học sinh ngôn ngữ ký hiệu và rèn khả năng đọc khẩu hình miệng - Ảnh: HÀ MY

Với tình thương yêu học sinh vô bờ bến, cô Nguyễn Thị Ngọc Huệ, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên đã nâng đỡ cho nhiều mảnh đời bất hạnh trên con đường tìm kiếm tri thức. Mới đây, cùng với 47 giáo viên dạy học sinh khuyết tật tiêu biểu trên toàn quốc, cô Huệ được Bộ GD-ĐT vinh danh trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018.

 

Cơ duyên dạy học sinh khuyết tt

 

“Dạy một em ở trung tâm vất vả bằng 10 em bình thường. Tuy nhiên, khi thấy một em ra đời thành đạt, niềm vui của các cô giáo như tôi cũng được nhân lên gấp chục lần. Đó chính là động lực giúp tôi cần mẫn theo đuổi công việc này”, cô Huệ mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những lời tâm sự như thế.

 

Có dịp tham dự một giờ dạy của cô, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự nhiệt thành của cô giáo người Tuy An này. Giảng bài cho học sinh khiếm thính, cô Huệ không chỉ dùng khẩu hình và ngôn ngữ chỉ tay, mà còn thể hiện qua ánh mắt và nét mặt. Cô luôn nhìn thẳng vào học sinh, nói chậm và rõ. Hướng dẫn các em khiếm thính cách đánh vần “ong, ông”, cô gọi từng em lên bảng, rèn khả năng đọc hình miệng của các em.

 

Năm 1993, tốt nghiệp đại học sư phạm tiểu học, cô Huệ được phân công về miền núi Sơn Hòa giảng dạy. 4 năm sau, cô nhận quyết định về công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên, lúc bấy giờ là Trường Niềm Vui.

 

Lúc đầu, cô Huệ gặp khá nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Muốn giao tiếp với học sinh, bắt buộc phải biết ký hiệu nhưng cô lại chưa từng được đào tạo về ngôn ngữ đặc thù này. Để mở cánh cửa hòa nhập vào thế giới của các em, cô tự học ngôn ngữ ký hiệu và học hỏi thêm từ đồng nghiệp, tham gia các lớp tập huấn do ngành tổ chức. Cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan.

 

Cô Huệ chia sẻ: “Muốn giúp học sinh học tốt môn Ký hiệu ngôn ngữ, giáo viên phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, tìm những hình thức riêng phù hợp với nội dung từng bài dạy và từng trình độ nhận thức của học sinh, tạo điều kiện cho các em tham gia học tập một cách hứng thú. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải kiên nhẫn, biết nắm bắt tâm lý học sinh”.

 

Vui khi thấy học sinh trưởng thành

 

Đến thăm lớp khiếm thính của cô Huệ một ngày trước ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11), chúng tôi rất xúc động khi thấy hình ảnh cô Huệ vừa vào đến hành lang, học sinh đã ùa ra ôm chầm lấy cô, tíu tít nói những lời bằng ngôn ngữ ký hiệu. Thì ra, tuần trước, vì phải ra Hà Nội tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018, vinh danh giáo viên dạy học sinh khuyết tật tiêu biểu toàn quốc do Bộ GD-ĐT tổ chức nên cô Huệ không lên lớp mấy ngày, vì vậy các em học sinh rất nhớ cô. Với các học sinh khuyết tật nơi đây, cô Huệ giống như người mẹ hiền.

 

Còn cô Huệ, hơn 21 năm gắn bó với trung tâm, cô cũng đã xem nơi đây như mái nhà thứ hai của mình. Cô nhớ từng gương mặt học sinh đã tốt nghiệp, rời trường; cô vui cùng sự tiến bộ và trưởng thành của các em. Mới ngày nào, hai anh em học trò khiếm thính Nguyễn Duy Khiêm và Nguyễn Tấn Khả, được ba mẹ dẫn từ Quãng Ngãi vào Trường Niềm Vui nhập học, rụt rè, chưa biết cách giao tiếp và cách bày tỏ nhu cầu, cảm xúc của bản thân, sau 7 năm được cô Huệ và các giáo viên nhiệt tình dạy bảo, giờ đã ra trường, trở thành những thợ may lành nghề. Nhiều học sinh khác cũng đã ra trường, tìm được việc làm, có em xây dựng gia đình, gửi thiệp hồng mời cô giáo tới dự, làm cô vui đến ứa nước mắt...

 

Miệt mài cống hiến, tận tâm với nghề, cô Huệ được nhiều cấp ngành ghi nhận qua những tấm bằng khen, giấy khen. Nhưng niềm hạnh phúc nhất đối với cô giáo 45 tuổi này là thấy học sinh của mình trưởng thành, vượt qua được mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.

 

“Cô Huệ là một trong những giáo viên có thâm niên giảng dạy, vững về chuyên môn và tận tâm với học sinh khuyết tật. Nhiều năm qua, cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, từng được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen vì xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”.

 

Ngoài ra, cô còn là Chủ tịch công đoàn cơ sở, luôn chăm lo đến đời sống cán bộ, giáo viên, đoàn viên công đoàn, “đầu tàu” trong triển khai hiệu quả các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo tại đơn vị”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên Trần Thị Tuyết Dương nói.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek