“Để thực sự lôi cuốn người học vào những bài giảng của mình, bên cạnh sự tâm huyết, người giáo viên cần biết cách gợi mở và “truyền lửa” để học sinh, sinh viên phát huy sự sáng tạo trong quá trình học”, đó là chia sẻ của thầy Võ Quốc Dũng, Trưởng Bộ môn Điện kỹ thuật, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Thầy Dũng vừa đạt giải khuyến khích tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018.
Tốt nghiệp cao đẳng ngành Điện công nghiệp Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh năm 1997, thầy giáo Võ Quốc Dũng ở phường 8, TP Tuy Hòa chính thức bước vào nghề dạy học tại Trường trung học Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa (nay là Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung). Bên cạnh việc giảng dạy, năm 2004, thầy Dũng tiếp tục học liên thông lên đại học do Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đào tạo; năm 2012, thầy Dũng học cao học và lấy bằng thạc sĩ vào năm 2014.
Trong quá trình giảng dạy cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, thầy Dũng đã đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm nhằm củng cố phương pháp giảng dạy và nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân. “Ngày đầu tiên tiếp xúc với học sinh, sinh viên (HSSV), có 3 câu hỏi tôi luôn yêu cầu các em phải trả lời, đó là: Vì sao các em chọn học nghề này? Có nên học hay không? Và mục đích của bài học hôm nay? Trên cơ sở các câu trả lời của người học, tôi sẽ có định hướng cụ thể cho từng em. Tùy theo trình độ, khả năng tiếp thu của HSSV, người thầy lại có cách thức giảng dạy khác nhau để giúp các em dễ dàng tiếp cận nội dung bài học”, thầy Dũng chia sẻ.
Đầu vào của HSSV thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp thấp. Nhận thức rõ về điều này nên thầy Dũng luôn băn khoăn, trăn trở làm thế nào để chất lượng dạy và học sát với yêu cầu thực tế? Làm thế nào để HSSV có sự say mê đối với nghề đã chọn? Từ những suy nghĩ đó, thầy Dũng không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với yêu cầu thực tiễn.
Thầy Dũng cho hay: “Điện là ngành học mang tính ứng dụng cao, nó rất thiết thực với đời sống. Chính vì vậy, bên cạnh dạy lý thuyết, tôi thường tăng cường thời lượng thực hành bằng cách đưa người học đến các công trình mà tôi và các đồng nghiệp nhận bảo trì, sửa chữa hoặc lắp đặt để các em làm quen, trải nghiệm với môi trường thực tế, qua đó giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng tay nghề. Một khi các em hiểu rõ về nghề thì các em sẽ yêu thích nghề và nỗ lực hơn trong học tập”.
Chính vì tâm huyết và nỗ lực trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ mà thầy Dũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được HSSV yêu quý và đồng nghiệp tín nhiệm. Hàng năm, thầy Dũng là giáo viên chủ lực trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi của trường để các em dự thi Học sinh giỏi tay nghề cấp tỉnh, cấp quốc gia. Năm nào, HSSV do thầy bồi dưỡng cũng đạt giải cao trong các cuộc thi này. Bản thân thầy Dũng cũng vừa đạt giải khuyến khích trong Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức.
Thầy Dũng bảo: “Thật hạnh phúc khi thấy nhiều học trò có niềm đam mê nghề điện như mình. Đây là ngành học dễ tìm việc làm vì nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất lớn. Ngay từ thời điểm thực tập, các em đã được doanh nghiệp trả thù lao theo công việc”.
Nhận xét về thầy Dũng, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, nói: Sáng tạo, đổi mới từng ngày là yêu cầu đầy thách thức đối với mỗi nhà giáo. Sự nỗ lực, cống hiến của thầy Dũng chính là nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Trường rất cần có những nhà giáo như vậy để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng tiếp cận năng lực người học, đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.
QUỲNH ANH