Thứ Hai, 23/12/2024 14:43 CH
“Đầu tàu” về ứng dụng công nghệ cao ngành Thủy sản Phú Yên
Thứ Hai, 12/11/2018 09:49 SA

Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc là đơn vị đi đầu trong hoạt động ứng dụng KH-CN vào sản xuất, trở thành một trong hai đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp giấy Chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN tại Phú Yên. Để có được thành tựu đó là sự nỗ lực của tập thể Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc; trong đó nổi bật lên vai trò “đầu tàu” về ứng dụng công nghệ cao cho ngành Thủy sản của ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc cũng là ông chủ công ty.

 

Giám đốc Sở KH-CN Lê Văn Cựu trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN cho ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc - Ảnh: THÁI HÀ

 

“Đầu tàu” về ứng dụng công nghệ mới

 

Tôi gặp ông Lê Hữu Tình chỉ hai ngày sau khi gọi điện làm việc với bộ phận truyền thông của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Sau những trao đổi chung chung, ông Tình trải lòng về chặng đường gian nan nhưng cũng nhiều quả ngọt của bản thân để có thể cùng với Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc bứt phá và để lại những dấu ấn đậm nét cho ngành Thủy sản Phú Yên.

 

Dấu mốc đầu tiên ông nói đến là năm 2006, khi DNTN Thủy sản Đắc Lộc (tiền thân của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc) được thành lập và bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống tôm, mua bán thủy hải sản, phân phối thức ăn và thuốc vi sinh thủy sản, vận tải hàng hóa chuyên dụng. Năm 2013, khi môi trường nuôi thủy sản gặp nhiều biến động, Đắc Lộc tiến thêm một bước dài khi đầu tư vào mô hình ương nuôi Green House theo quy trình Biofloc, một trong những hệ thống nuôi thân thiện với môi trường.

 

Bên cạnh đó, Đắc Lộc còn áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu với các giống thủy sản chủ yếu như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá chẽm... và nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ để chủ động nguồn cung cấp giống bố mẹ cho nghề nuôi tôm giống.

 

Ông Tình cho hay, trong sản xuất giống thủy sản, Đắc Lộc hoàn toàn sử dụng chế phẩm vi sinh, không sử dụng kháng sinh để tăng sức đề kháng cho ấu trùng và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Thủy sản Đắc Lộc cũng chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ và cách ly các khâu sản xuất theo giải pháp sinh học để thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Thời gian qua, Đắc Lộc liên tục gửi mẫu tới các viện lớn để kiểm tra đối chứng giúp nâng cao chất lượng tôm giống và giữ vững được niềm tin của người tiêu dùng.

 

KH-CN ngày càng phát triển, Đắc Lộc đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm đưa ngành Thủy sản phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Từ những kết quả đó, doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT chứng nhận là Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lĩnh vực hoạt động sản xuất giống và nuôi tôm công nghiệp; được Bộ KH-CN cấp giấy Chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN.

 

Không ngừng học hỏi

 

Ông Lê Hữu Tình là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, tuy nhiên, do gia đình khó khăn, phải sớm bươn chải nên ông bỏ dở giữa chừng. Phải một thời gian sau, khi đã lăn lộn trên thương trường nhiều năm, ông mới tiếp tục các chương trình học và hiện nay, ở những hội đồng khoa học, người ta gọi ông Lê Hữu Tình là chuyên gia thủy sản. Dù bản thân và doanh nghiệp đạt được nhiều thành tựu nhưng ông Lê Hữu Tình không ngừng nỗ lực, liên tục hoàn thiện bản thân và đưa doanh nghiệp đến các mốc phát triển cao hơn.

 

Trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, ông Tình cho biết mình đã may mắn được đồng hành cùng Công ty CP Chăn nuôi CP của Thái Lan trong những năm đầu thành lập. Về sau, để có được nền tảng vững chắc, ông Tình đã đi khắp các vùng nuôi thủy sản tiên tiến của thế giới, kết nối với các chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia trong nước và nhờ những cố vấn uy tín định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Hiện ông Tình đang theo học các lớp quản trị kinh doanh của các chuyên gia và vẫn theo đuổi lớp tiếng Anh với mục tiêu có thể giao tiếp không cần phiên dịch khi ra nước ngoài.

 

Đi lên từ một mô hình kinh doanh gia đình, ông chủ Đắc Lộc đã nhanh chóng hiểu ra rằng, văn hóa gia đình sẽ dẫn đến nhiều lệ lụy có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong trong quá trình mở rộng của doanh nghiệp.

 

Ông cũng khẳng định sức mạnh của tổ chức biểu thị ở sự đồng thuận tinh thần của nó. Để tạo được sự đồng thuận này, người lãnh đạo phải đi đầu trong việc quan tâm xây dựng những tình cảm cao đẹp trong tổ chức của mình như: sự tương kính, thái độ đồng cảm, tinh thần thân thiện, ý thức cộng đồng, tin cậy lẫn nhau, sẵn sàng hợp tác với người khác trong công việc… và sẵn sàng chịu trách nhiệm với cấp trên, cấp dưới, với khách hàng và toàn xã hội.

 

Ông Lê Hữu Tình cũng mong muốn sự phát triển, đi lên của Đắc Lộc không chỉ tạo ra giá trị cho bản thân, gia đình; tạo công ăn, việc làm cho xã hội mà hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Phú Yên, của vùng cùng phát triển bền vững.

 

Đánh giá rất cao những nỗ lực và thành tựu của Đắc Lộc nói chung và ông Lê Hữu Tình nói riêng, ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên cho biết: “Chịu khó học hỏi, vận dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã và đang khẳng định tên tuổi của mình, là lá cờ đầu trong ngành Thủy sản Phú Yên hiện nay”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek