Đó là Võ Thái Toàn quê ở huyện Sông Hinh, sinh viên năm 3 Trường đại học Y Dược Huế, đang mang trong người căn bệnh mãn tính - bệnh viêm cột sống dính khớp. Mỗi ngày, em phải đối mặt với những cơn đau, nhưng chỉ cần bước được là em sẽ đến trường.
Sinh viên Võ Thái Toàn |
Em Lê Thị Thu Hiền, bạn học phổ thông với Toàn, sinh viên năm 2 Trường đại học Thông tin liên lạc Nha Trang kể: Bạn Toàn là một người có nghị lực. Toàn bị đau chân từ năm lớp 11, lên lớp 12 bệnh nặng hơn, chỉ cần trời trở lạnh thì Toàn phải nghỉ học vì đau chân. Nói về việc đi khám bệnh thì Toàn bảo phải tập trung học, thi xong đại học rồi tính sau. Khi đậu vào trường y rồi, Toàn lại bảo sẽ học để tự chữa đôi chân của mình. Bạn chỉ nói vậy chứ không tiết lộ gì về bệnh tật, giờ biết bạn ấy đang chịu đau mỗi ngày để đi học, chúng em càng khâm phục...
Hỏi về bệnh thì Toàn kể em bị bệnh đã 5 năm rồi. Ban đầu là những cơn đau ở khớp háng, đau từng cơn, sau đó những cơn đau cứ dày lên và gia đình đã đưa em vào bệnh viện. Bác sĩ Vân Khánh công tác tại Khoa Nội thận - Cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Toàn bị bệnh viêm cột sống dính khớp. Đây là căn bệnh mãn tính, dễ gây tàn phế do dính khớp nhanh chóng. Hiện nay, khoa học hiện đại đã điều chế ra nhóm thuốc chế phẩm sinh học được chỉ định và khẳng định có hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên, chi phí chữa trị rất cao mà gia cảnh của em Toàn lại hết sức khó khăn.
Hiện tại, Toàn bắt buộc phải uống thuốc mỗi ngày với chi phí khoảng 50.000 đồng; không có thuốc thì không thể đi lại được. Tệ hơn, có những đợt đau nặng, em phải nằm tại giường trong nhiều ngày. Không phải chỉ uống mà em còn phải truyền thuốc định kỳ. Toàn kể: Lúc mới phát hiện bệnh, mỗi tháng em phải đi truyền thuốc hai lần. Ngoài phần bảo hiểm đã chi trả, gia đình phải thanh toán 12 triệu đồng cho một lần truyền thuốc. Sau đó thì liệu trình truyền thuốc giãn ra, 1 lần/tháng; bác sĩ bảo nếu bệnh có tiến triển tốt thì sẽ giãn ra nữa…
Nói chuyện với tôi, Toàn không bi quan về bệnh tật, ngược lại em rất lạc quan về hiệu quả điều trị. Em vẫn nói về ước mơ sẽ học sáu năm ở trường y và về quê làm bác sĩ. Nhưng rồi em mềm giọng khi bảo, khó khăn lớn nhất bây giờ là kinh tế. Vì là bệnh mãn tính nên em phải phụ thuộc vào thuốc. Em sợ ba mẹ không đủ sức để theo hết các liệu trình chữa trị, mà bệnh em thì không thể bỏ thuốc, bỏ truyền…
Là cô giáo cũ của Toàn nên tôi biết rất rõ về gia đình em. Khi Toàn học cấp 2, cha mẹ em trồng sắn, mía, đủ trang trải cuộc sống. Thế nhưng, theo Toàn, 5 năm nuôi em bệnh, cộng với việc chị gái em tốt nghiệp trung cấp y vẫn chưa có việc làm, ông nội già yếu thường xuyên đau bệnh, nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn.
“Sau thời gian dài chữa bệnh cho em, gia đình bây giờ chỉ còn cái “vỏ”, căn nhà cấp 4 có vẻ khang trang nhưng nợ rất nhiều. Ba mẹ thấy em đau đớn, không thể cầm lòng, nghĩ tới cảnh con trai sẽ tàn phế nên cứ xoay xở, vay mượn để có tiền chữa trị cho em. Cộng với việc thường xuyên ra vô thăm em, đưa em đi bệnh viện nên ảnh hưởng nhiều đến công việc nhà, khó càng thêm khó”, Toàn chia sẻ.
Em bảo với tôi nỗi lo sợ lớn nhất bây giờ của em là không có đủ thuốc men để duy trì sức khỏe học hết khóa học ở trường y, nhưng em khát khao thực hiện ước mơ trở về quê làm bác sĩ.
BÍCH NHÀN