Với suy nghĩ muốn làm giàu bằng nông nghiệp thì phải có đất và phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Toán ở thôn Tân An (xã Ea Bar) đã chịu khó học hỏi và là người đầu tiên đưa cây mắc ca về trồng trên đất núi huyện Sông Hinh, bước đầu mang lại thu nhập cao.
Cơ duyên đến với cây mắc ca của ông Toán rất tình cờ. Cách đây 7 năm, trong một lần tình cờ xem ti vi, ông được nghe chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng giới thiệu cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên ông quyết định bán hết cơ ngơi sẵn có, chuyển cả gia đình từ Lâm Đồng đến thôn Tân An mua đất và đưa giống cây mắc ca về trồng thử nghiệm trên diện tích 4ha từ đấy.
Để nắm vững kỹ thuật trồng loại cây này, ông “khăn gói” lên tận TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) tìm đến những người có kinh nghiệm để học hỏi với hy vọng mắc ca sẽ trở thành cây trồng chủ lực mới của địa phương.
Theo ông Toán, mắc ca là một loại cây chịu hạn, dễ trồng, ưa ánh sáng, kỹ thuật canh tác, chăm sóc không đòi hỏi cao nên quá trình trồng không gặp nhiều khó khăn. Trồng cây mắc ca đến khi cho quả bói mất khoảng 3-4 năm, đến năm thứ 5 có thể thu hoạch với sản lượng cao. Thời gian cây ra hoa vào tháng Giêng đến tháng 8 là thu hoạch quả trong vòng 2 tuần. Hiện năng suất mắc ca đạt trên 1 tấn hạt/ha, lãi vài chục triệu đồng/ha. Mắc ca chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch nhiều năm, có cây tuổi thọ đến hàng trăm năm có thể khai thác gỗ, hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chiết xuất để làm dầu ăn, làm mỹ phẩm chăm sóc da. “Thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân ở Ea Bar và các xã lân cận của huyện Sông Hinh, Sơn Hòa đến tìm hiểu mô hình này và đầu tư mua cây giống về trồng. Đến nay, riêng tại Ea Bar, bà con đã trồng gần 40ha mắc ca rồi”, ông Toán phấn khởi nói.
Không chỉ trồng mắc ca, gia đình CCB Nguyễn Đức Toán còn trồng 3ha cao su đã thu mủ và 4ha sắn xen cao su, tạo việc làm thời vụ cho 15-20 lao động tại chỗ. Hiện ông có một trang trại ổn định để phát triển lâu dài, với mức thu nhập trên 400 triệu đồng/năm và được cấp giấy chứng nhận Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Đồng thời nhiều năm liền, ông được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng CCB thôn Tân An.
Ông Lê Ngọc Huynh, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Ea Bar, nhận xét: “Anh Nguyễn Đức Toán là một nông dân, CCB tiêu biểu của xã và huyện trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội CCB xã đánh giá rất cao tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm của anh Toán. Hiện anh đang khuyến khích hội viên học hỏi, nhân rộng diện tích trồng cây mắc ca để đẩy mạnh phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới”.
KHÁNH VY