Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng anh Y Nhiền và chị Lê Mo Thị Hạnh, người dân tộc thiểu số Chăm H’roi ở thôn Tân Thuận (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) luôn nỗ lực nuôi 3 người con học đại học.
Cha mẹ làm điểm tựa
Anh Y Nhiền nói: “Trước đây, tôi chỉ học đến lớp 2 rồi nghỉ, vợ tôi cũng không biết chữ nên cưới nhau về cuộc sống khổ lắm. Bởi vậy, vợ chồng tôi quyết tâm bằng mọi cách phải cho con cái học chữ để không vất vả, cực nhọc như đời của cha mẹ chúng”. Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hội Hờ Bá Thị Tem cho biết nhà chị Hạnh là một trong những gia đình tiêu biểu ở xã trong việc nuôi con ăn học thành tài.
Với mong muốn các con có được cái chữ để thoát nghèo, vợ chồng chị Hạnh hàng ngày đội mưa, đội nắng trèo đèo, lội suối làm quần quật trên rẫy. Với 1ha sắn, 4ha mía, keo mỗi năm anh chị thu nhập khoảng 60-70 triệu đồng sau khi trừ các chi phí đầu tư. Vợ chồng chị còn nuôi trâu, bò để có thêm nguồn thu cho gia đình, lo cho các con ăn học. Các con càng lớn, chi phí học tập càng tăng, nhất là thời điểm 3 người con cùng học đại học, kinh tế gia đình chị thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu. Anh Y Nhiền thổ lộ: “Khó khổ lắm, nhưng cứ nghĩ đến việc lo cho các con cái chữ để có tương lai nên vợ chồng tôi cố gắng. Chúng tôi thường động viên nhau “Mình hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Thời điểm gay go nhất là lúc 3 đứa con cùng học đại học nên vừa phải chi tiêu tằn tiện, vừa phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Hễ nhà có bò thì bán bò, có sắn, mía thì bán sắn, mía… để có tiền gửi cho con”. Hiện giờ, chị Hạnh vay vốn tín dụng học sinh sinh viên cho các con ăn học đã lên đến trên 100 triệu đồng. Chị Hạnh nói, nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện của Hội LHPN xã cũng như sự động viên tinh thần của chị em trong chi hội mà mình có động lực để nuôi con học hành cho đàng hoàng.
Tuy cuộc sống hàng ngày còn nhiều vất vả, cực nhọc nhưng vợ chồng chị luôn cảm thấy vui. Bởi với họ, chỉ cần con cái cố gắng học hành, dù khó khăn bao nhiêu họ cũng chịu được. Để làm gương cho các con, bản thân anh Nhiền, chị Hạnh luôn sống mẫu mực, cứng cỏi. Anh luôn nói với các con muốn thoát khỏi đói nghèo thì cần phải học. Anh và vợ tin rằng, một khi có trình độ học vấn, các con họ sẽ trở thành những người hữu ích, tương lai mới khỏi gian truân, lận đận.
Để con vươn đến tương lai
Lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thấu hiểu sự thương yêu lo lắng, hy sinh, lo nghĩ cho tương lai con cái của ba mẹ, ba người con của vợ chồng chị Hạnh luôn nỗ lực học tập. Trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị không có vật dụng gì đáng giá ngoài những giấy khen, bằng khen của các con treo đầy trên tường, cất đầy trong tủ. Chị Hạnh cười vui: “Được cái là mấy đứa rất chăm học, học giỏi từ nhỏ đến giờ, vui lắm!”. Không phụ kỳ vọng của ba mẹ, người con trai đầu Lê Mo Diễn luôn là học sinh giỏi, xuất sắc suốt 12 năm phổ thông, nhận học bổng Vừ A Dính. Hiện Diễn (SN 1990) là sinh viên năm cuối khoa Răng - Hàm - Mặt Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Người con thứ hai Lê Mo Thị Dung (SN 1993) đã tốt nghiệp Trường đại học Quy Nhơn. Còn đứa con gái út Lê Mo Thị Diệu (SN 1995) đang là sinh viên năm 3 Trường đại học Quy Nhơn.
Là con trai cả trong nhà, luôn ý thức rất rõ về sự chia sẻ gánh nặng chi phí học tập với ba mẹ, ngoài những giờ lên giảng đường, trong suốt những năm học ở Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Lê Mo Diễn đi phụ việc tại các nhà hàng, quán nhậu, cà phê… để kiếm thêm tiền trang trải học hành, lo cho cuộc sống hàng ngày. Lê Mo Diễn chia sẻ: “Ba mẹ em đã hy sinh cả cuộc đời để lo cho 3 anh em ăn học. Công ơn ấy tụi em mãi khắc ghi trong lòng và sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có công ăn việc làm ổn định, trở thành những người có ích cho xã hội”. Không chỉ Lê Mo Diễn mà cả hai cô em gái đều biết ơn, yêu kính và tự hào mỗi khi nhắc đến ba mẹ. Với ba anh em, đó là điểm tựa vững chắc để hướng đến cánh cửa tương lai tươi sáng.
NGỌC QUỲNH