Hôm qua (29/12), Tòa hình sự TAND tối cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm 11 bị cáo trong vụ án kè Bạch Đằng có đơn kháng cáo, kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Yên về các tội đưa hối hộ, nhận hối lộ, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…
11 bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi, làm rõ những vấn đề các bị cáo kháng cáo kêu oan, xem xét từng trường hợp các bị cáo xin giảm án, hưởng án treo. Bị cáo Lê Thanh Sơn, nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp 3 thuộc Công ty Cơ khí xây dựng- lắp máy điện nước Hà Nội được hội đồng xét hỏi trước tiên. Sơn kháng cáo xin giảm hình phạt cả hai tội tham ô tài sản, đưa hối lộ, không khắc phục 50 triệu đồng của tội đưa hối lộ; đồng thời cho rằng tòa buộc nộp 450 triệu đồng tiền tham ô là oan. Hội đồng xét xử tập trung hỏi xoáy quanh những vấn đề Sơn cùng Trần Yên Khánh, đối tượng chạy thầu ở Hà Nội và Trần Đình Hải, nguyên Giám đốc Công ty Cơ khí xây dựng- lắp máy điện nước Hà Nội chạy thầu; Sơn thông đồng với các bên liên quan để rút ruột công trình, chia chác cho nhau.
Các bị cáo Lê Hồng Chương, Tăng Văn Đạo, nguyên giám sát công trình; Mai Trọng Oánh, nguyên Chủ nhiệm đề án thiết kế công trình kè Bạch Đằng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; Đạo và Chương xin được hưởng án treo. Đối với những bị cáo này, việc xét hỏi diễn ra nhanh chóng. Hội đồng xét xử ghi nhận sẽ xem xét. Tuy nhiên, tòa cho rằng hình phạt cấp sơ thẩm áp dụng đối với Lê Hồng Chương (3 năm tù), Tăng Văn Đạo (3 năm tù) là thấp so với khung truy tố của Viện KSND tỉnh Phú Yên.
Các bị cáo Lê Sỹ Tuấn, nguyên đội trưởng thi công; Phạm Văn Khanh, nguyên chỉ huy trưởng công trình; Nguyễn Hữu Thuận, nguyên cán bộ Ban quản lý dự án thủy lợi Phú Yên kháng cáo cho rằng, tòa sơ thẩm quy buộc các bị cáo tham ô tài sản là chưa đúng người, đúng tội; Thuận còn kháng cáo giảm hình phạt vì cho là quá nặng. Hội đồng xét xử đã xét hỏi, làm rõ vai trò của các bị cáo tham gia trong vụ án. Đối với Phạm Văn Khanh, Lê Sỹ Tuấn, hội đồng xét xử ghi nhận những ý kiến của bị cáo này và sẽ xem xét có phạm tội tham ô tài sản hay phạm tội danh khác. Trường hợp bị cáo Thuận, hội đồng xét xử cho biết sẽ xem xét lại việc cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.
Bốn bị cáo vẫn một mực không nhận tội, đó là các bị cáo Nguyễn Khánh Tho, nguyên Phó ban Quản lý dự án thủy lợi Phú Yên; Lương Ngọc Ái, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Phú Yên và Trần Đình Hải kháng cáo kêu oan vì không thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng Lê Mao, nguyên Phó giám đốc sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Phú Yên thừa nhận hành vi nhưng không nhận tội.
Vì Nguyễn Khánh Tho không nhận tội nên hội đồng xét xử tiếp tục trở lại xét hỏi Lê Thanh Sơn, Tăng Văn Đạo, Mai Trọng Oánh rõ hành vi Tho biết việc thi công sai so với thiết kế nhưng vẫn ký nghiệm thu quyết toán để cho Sơn rút ruột hơn 1 tỉ đồng. Theo hội đồng xét xử, bị cáo Tho có trách nhiệm trong hậu quả công trình bị sập đổ xuống sông.
Bị cáo Lương Ngọc Ái một mực không nhận tội, không thừa nhận hành vi nhận hối lộ, không chịu trách nhiệm trong việc thẩm định kết quả đấu thầu sai sót về khối lượng đá hộc. Trong suốt quá trình xét hỏi, Lương Ngọc Ái đều lập đi lập lại câu nói: “quên, không nhớ” nên hội đồng xét xử đọc lại các bản lấy lời khai tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm để bị cáo này nhớ lại. Tại phiên tòa này, Lương Ngọc Ai nói: “Các chủ đầu tư có đến nhà bị cáo cho quà. Bị cáo tiếp khách nhiều quá nên không nhớ những ai đã đến”. Sau phần xét hỏi, Lê Mao thừa nhận hành vi nhưng đề nghị hội đồng xem xét tội danh khác.
P.V