Ngày 16/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm (lần hai) vụ án kè Bạch Đằng bước sang ngày làm việc thứ hai, tiếp tục làm rõ hành vi hai nhóm tội tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
NHẬN TIỀN NHƯNG KHÔNG... THAM Ô!
Nhóm tội tham ô tài sản có 9 bị cáo gồm Lê Mao, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên; Lê Thanh Sơn, nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp 3 thuộc Công ty Cơ khí xây dựng- lắp máy điện nước Hà Nội; Nguyễn Hữu Thuận, nguyên cán bộ Ban quản lý dự án thủy lợi (QLDATL) Phú Yên; Mai Trọng Oánh, nguyên Chủ nhiệm đề án thiết kế công trình kè Bạch Đằng; Tăng Văn Đạo và Lê Hồng Chương, nguyên giám sát công trình; Lê Sỹ Tuấn, nguyên đội trưởng công trình; Phạm Văn Khanh, nguyên chỉ huy trưởng công trình; Nguyễn Khánh Tho, nguyên Phó ban QLDATL Phú Yên.
Bị cáo Mai Trọng Oánh
Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục xét hỏi Lê Thanh Sơn về các khoản tiền mà Sơn đã “rút ruột” công trình để chia chác cho những người khác. Sơn thừa nhận số tiền “rút ruột” mà cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Yên đã kết luận là đúng. Trong đó, Sơn đã chi cho Lê Mao 295 triệu đồng, Nguyễn Khánh Tho 111 triệu đồng, Mai Trọng Oánh 106 triệu đồng và 500 USD, Nguyễn Hữu Thuận 45 triệu đồng và 1.400 USD; Nguyễn Phụng, kế toán Ban Quản lý dự án thủy lợi Phú Yên 18,5 triệu đồng và 700USD; Tăng Văn Đạo 18 triệu đồng; Lê Hồng Chương 4 triệu đồng. Sơn vẫn khẳng định: “Tỉ lệ chia phần trăm cho Lê Mao, Nguyễn Phụng và Nguyễn Hữu Thuận là theo gợi ý của Lê Mao. Những người nào đòi quyết liệt, có vai trò quan trọng đối với công trình đang thi công thì được đưa tiền nhiều hơn”. Trong khi đó, Lê Mao phủ nhận: “Lê Thanh Sơn cho tiền bị cáo xuất phát từ tình cảm. Bị cáo không hề có sự ép buộc hay thỏa thuận chia tỉ lệ phần trăm, không chỉ đạo rút bớt sắt như lời khai của Sơn”. Bị cáo Lê Mao thừa nhận đã nhận tiền của Sơn, thừa nhận đây là hành vi sai trái nhưng không biết thuộc tội danh nào, còn cáo trạng truy tố tội tham ô tài sản là quá nặng.
Các bị cáo Mai Trọng Oánh, Nguyễn Hữu Thuận, Tăng Văn Đạo, Lê Hồng Chương đều khẳng định có nhận tiền của Sơn, nhưng nói rằng đó là khoản tiền Sơn cho các bị cáo này chứ không phải thông đồng rút ruột công trình. Các bị cáo nhận tội nhưng cho rằng không phải tội tham ô, đề nghị HĐXX xem xét. Hai bị cáo Phạm Văn Khanh và Lê Sỹ Tuấn khai đã làm theo sự chỉ đạo của Sơn, nhưng nói rằng không nhận tiền.
Hai bị cáo này thừa nhận hành vi trên là sai nhưng cho rằng Viện KSND truy tố tội tham ô là không đúng, đề nghị HĐXX xem xét. Tuy nhiên, các bị cáo này thừa nhận đều biết rõ Lê Thanh Sơn thi công không đúng thiết kế nhưng vẫn nghiệm thu theo thiết kế, tạo điều kiện cho Sơn chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.
Trong số 9 bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản, Nguyễn Khánh Tho không thừa nhận hành vi phạm tội, một mực cho rằng cáo trạng đã truy tố oan. Nguyễn Khánh Tho phủ nhận các lời khai của Lê Thanh Sơn có liên quan đến Tho về khoản tiền Sơn đã đưa, hành vi thống nhất để cho Sơn “rút ruột” công trình.
CHI PHÍ KHẮC PHỤC SAI PHẠM RẤT LỚN
Khi HĐXX làm rõ tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Nguyễn Khánh Tho một mực kêu oan, cho rằng mình không chịu trách nhiệm về phần ký nghiệm thu hoàn thành giai đoạn xây lắp đợt bốn (122 cọc cừ và 122 cọc neo) sai với thiết kế để Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Xí nghiệp 3 (Công ty Cơ khí xây dựng- lắp máy điện nước Hà Nội) rút vật tư ra khỏi công trình, chiếm đoạt hơn 78 triệu đồng. Tho khẳng định việc làm đó hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Để làm rõ quá trình chạy thầu, chấm thầu, thẩm định kết quả trúng thầu liên quan đến số lượng đá hộc bị thiếu, HĐXX xét hỏi những người liên quan như tổ chuyên gia chấm thầu, chuyên viên thẩm định thầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên…
Liên quan đến phần trách nhiệm dân sự, trong phần xét hỏi, ông Lê Văn Hương, Trưởng ban QLDATL Phú Yên, đại diện chủ đầu tư với tư cách là nguyên đơn dân sự trình bày: Trong vụ án này, chủ đầu tư đã bị thiệt hại do hành vi của các bị cáo rút vật tư công trình, gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Phần thiệt hại phải khắc phục sự cố do hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo gây ra để đảm bảo công trình hoàn thành với dự toán hơn 5,7 tỉ đồng, nhưng nhà thầu chỉ mới khắc phục 4,7 tỉ đồng. Đây chỉ là biện pháp gia cố, giữ cho công trình; còn nếu thực hiện biện pháp khắc phục từng hạng mục theo thiết kế thì chi phí rất lớn. Từ những thiệt hại đó, ông Hương đề nghị HĐXX yêu cầu nhà thầu bồi thường số tiền thiệt hại hơn 1 tỉ đồng do các bị cáo rút bớt khối lượng vật tư công trình.
Hôm nay (17/9), phiên tòa chuyển sang phần tranh luận.
P.V