Bắt đầu từ ngày 15/12/2007, mọi công dân trong cả nước sẽ phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông bằng xe máy theo tinh thần nghị quyết 32/CP của Chính phủ. Riêng TP Tuy Hòa đã chỉ đạo cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang toàn thành phố phải đội mũ bảo hiểm từ ngày 1/9. Phóng viên Báo Phú Yên đã ghi nhận ý kiến của nhiều người dân chung quanh vấn đề này.
* Ông Trần Thanh Huy (khu phố Lê Duẩn, phường 6, TP Tuy Hòa): CẦN TUYÊN TRUYỀN MẠNH MẼ VIỆC ĐỘI MBH
Theo tôi, khi Chính phủ đề ra chủ trương này, mọi người dân ai cũng hoan nghênh và đồng tình hưởng ứng vì đây là một lợi ích thiết thực nhằm giảm thiểu chấn thương sọ não khi tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra; làm cho người điều khiển xe môtô, xe gắn máy an tâm hơn khi tham gia giao thông. Muốn cho toàn dân khi tham gia giao thông thực hiện một cách triệt để việc đội MBH, đề nghị các cấp các ngành, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm làm cho mọi người quán triệt, ý thức được trách nhiệm và lợi ích khi đội MBH ngồi trên xe tham gia giao thông. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường, nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm an toàn giao thông, không đội MBH hay các hình thức đối phó khác; giúp người tham gia giao thông từng bước quen dần việc đội MBH. Tôi tin làm được như vậy, TNGT và thương vong vì TNGT sẽ giảm đáng kể.
* Ông Hồ Mới (thôn Phước Bình, xã Hoà Thành, huyện Đông Hoà): ĐỪNG VIỆN CỚ ĐỂ KHÔNG ĐỘI MBH!
Cá nhân tôi hoàn toàn thống nhất với chủ trương đội MBH và không thấy có gì bất tiện. Nhiều người viện cớ là đội MBH trong thành phố sẽ gây... mất mỹ quan đô thị, là đội “nồi cơm điện”, là “nhà quê”, “người ngoài hành tinh”, hay “trông giống người sợ chết”… Tôi thì thấy rằng thà đội “nồi cơm điện” để còn được dùng cơm với người thân còn hơn không bao giờ được ăn cơm vì không đội “nồi cơm điện”. Cần giải thích, vận động mọi người hiểu rằng đội MBH là văn minh, là bảo vệ chính mình để cùng nhau vượt qua những e ngại, dư luận không tốt về quy định đội MBH. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp, sự đồng thuận cao của cộng đồng, quy định về bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường sẽ được toàn dân tích cực thực hiện, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
* Bà Nguyễn Thị Nhạn (Phường 1, TP Tuy Hoà): CẦN CÓ THÔNG BÁO VỀ CHẤT LƯỢNG CÁC LOẠI MBH
Là người thường xuyên sử dụng xe gắn máy, tôi thấy việc đội MBH là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, tôi cũng như người thân vẫn còn rất băn khoăn về chất lượng của MBH hiện nay. Tôi đã từng chứng kiến một người dân bị tai nạn giao thông, mặc dù có đội MBH , nhưng vẫn bị chấn thương sọ não rất nặng và tử vong do chất lượng MBH không tốt. Vào thời điểm này, trên thị trường có rất nhiều MBH được nhập về, kể cả mũ nhập lậu, khiến người dân hoang mang khi mua MBH. Rất nhiều người mua theo gợi ý và lời khuyên của người bán mà không biết chất lượng của chiếc mũ đó như thế nào. Tôi mong muốn tất cả các loại MBH phải được kiểm định chất lượng trước khi tung ra thị trường và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể mua được chiếc mũ chất lượng, xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Nếu có những chiếc MBH vừa an toàn, vừa chất lượng, vừa hợp thời trang thì nghị quyết của Chính phủ chắc chắn sẽ được chấp hành tốt.
* Ông Lâm Quý
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, vì việc đội MBH giúp bảo vệ tính mạng không chỉ của mình mà còn cả những người tham gia giao thông khác trên đường. Mặc dù thêm cái MBH trên đầu hơi bất tiện, nhưng chắc chắn sẽ quen dần thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn về các dịch vụ sẽ phát sinh từ việc đội MBH. Ví dụ như việc giữ MBH tại các bãi giữ xe, những điểm vui chơi công cộng, nhà hàng, rạp chiếu phim thì sẽ như thế nào? Vấn đề này tuy nhỏ nhưng quan trọng, vì nếu không giải quyết đồng bộ sẽ dẫn đến những bất cập không đáng có.
TRỌNG HẢO – NGỌC HÂN (thực hiện)