Chủ Nhật, 27/10/2024 13:32 CH
Giấc mơ vươn ra biển lớn của cô bé chăn trâu tuổi cọp
Thứ Tư, 17/02/2010 19:00 CH

11 tuổi, cô bé đã gắn bó với đàn trâu. 13 tuổi, biết cầm liềm cắt lúa như bao người con gái khác ở quê. 18 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa THPT và cùng lúc đậu 3 trường ĐH, CĐ. 21 tuổi, trở thành nghiên cứu sinh ĐH Ume, (Thụy Điển), lấy bằng thạc sĩ ngành Hóa và đang chuẩn bị học lên tiến sĩ ở tuổi 24. Mỗi chặng đường đời là những nấc thang để đi đến cùng những giấc mơ “vươn ra biển lớn” của Đặng Thị Ngọc A.

 

anhNgocA.jpg

Đặng Thị Ngọc A (đứng thứ hai, từ trái qua, hàng đầu) và các bạn học tại Thụy Điển - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

BÀI HỌC TỪ ĐỒNG RUỘNG

 

“Ước mơ lớn nhất của tôi là có thể xây dựng được một thư viện nho nhỏ ngay tại nhà mình”. 

“Gia cảnh khó khăn không phải là sợi dây trói. Nó sẽ là kinh khí cầu cho những ai bằng ý chí, khối óc và đôi chân, muốn bay lên”.

Hè  2009, cô bé từ Thụy Điển trở về thăm nhà sau sáu năm xa cách. Người dân thôn Cẩm Sơn, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) vẫn không thôi ngỡ ngàng: con bé Bảy nhỏ xíu, đen nhẻm, trưa nào cũng cầm nắm cơm vắt, tất tả lùa đàn trâu về chuồng để kịp giờ đi học, nay đã thành một du học sinh lanh lẹ và trắng trẻo. 

 

Con út trong gia đình nhà nông có sáu người con gái, từ nhỏ, Ngọc A đã biết cắt cỏ, chăn trâu và cùng các chị làm việc đồng áng. Buổi sáng, cô bé đi học, trưa về, cơm nước xong xuôi, lại tất tả lùa trâu ra đồng. Tối nào, A cũng chong đèn đến tận khuya, lấy đêm làm ngày để “gạo bài”.   

 

Năm Ngọc A học lớp 6, thấy con gái út phải đi bộ quãng đường dài hơn năm cây số đến trường THCS Trần Hào, ba mẹ thương mua cho chiếc xe đạp cũ. Vậy mà, cô bé vui suốt tuần, vì cho rằng như thế đã là…quá đủ. Hơn nữa, nhà nghèo, được đi học cũng đã là niềm hạnh phúc của Ngọc A bởi đôi lần tình cờ  nghe được ba mẹ bàn tán đến chuyện cho con nghỉ học vì không có tiền. Cho nên, dẫu trường xa gấp mấy, và trời có gió mưa đến đâu, vẫn thấy từng vòng xe của Ngọc A băng băng qua những con đường đất thăm thẳm đến lớp. “Tội nghiệp, xe đạp thì hư miết, nhiều bữa về đến nhà đã qua trưa mà mồ hôi ướt đầm. Hỏi vì sao thì A bảo, dắt xe đi bộ để về nhà ba sửa cho đỡ tốn tiền”, mẹ A, cô Nguyễn Thị Nhường cho biết. 

 

Nếu ai hỏi Ngọc A về đam mê của mình, có lẽ “cô nàng… hổ” (gọi như thế vì Ngọc A sinh năm 1986, tuổi con  cọp) sẽ trả lời ngay là mình có những ba đam mê: sách, sách và... sách. Đam mê này có từ lúc bé, khi sau giờ học là Ngọc A quanh quẩn bên mấy tủ truyện trong thư viện trường. Tiền quà chị gái cho, Ngọc A để dành mua sách, đi dạy thêm, hay nhận học bổng, có tiền cũng để dành mua sách. Ngày sang Thụy Điển du học, Ngọc A đã tỉ mỉ gói ghém tất cả sách vở trong ba năm học ĐH ở TP.HCM gửi về nhà. Có dịp ghé qua nhà Ngọc A ở quê, sẽ thấy mấy tủ sách ngất ngưởng, được tặng có, mua có, xin cũng có, được cất giữ cẩn thận từ bé tới giờ. Ngọc A chia sẻ: “Ước mơ lớn nhất của tôi là có thể xây dựng được một thư viện nho nhỏ ngay tại nhà mình”.    

 

Tuy gia cảnh khó khăn là vậy, nhưng suốt 12 năm phổ thông, chưa khi nào, người dân đội 5, thôn Cẩm Sơn thấy cô bé đi tay không về nhà vào ngày bế giảng. Dăm quyển vở nhận thưởng không nhiều, nhưng là niềm động viên khôn xiết cho cô bé quanh năm chỉ biết quanh quẩn với thú vui đọc sách và …chăn trâu.  

 

Sự  kiện mở ra bước ngoặc trong đời A đó là năm học 12, cô bé xuất sắc đạt được danh hiệu thủ khoa trong kì thi tốt nghiệp phổ thông của trường THPT Trần Quốc Tuấn và cùng lúc đậu 3 trường ĐH, CĐ (Khoa học tự nhiên,  Nông Lâm và CĐ Kinh tế đối ngoại TP Hồ Chí Minh). Ba má sướng run, mỉm cười hạnh phúc. Những nếp nhăn của tuổi 60, thời gian và vất vả, trong ba má như được xóa mờ. Cả đời ruộng đồng, mồ hôi chan nước mắt, những lời khen ngợi hoa mỹ cứ là lạ sao ấy với ba má, nên niềm vui chỉ biết đong đầy trong ánh mắt. Lần đầu tiên, cả nhà có một bữa ăn “thịnh soạn” với đầy đủ thịt cá và nụ cười tự hào. 

 

Ngày A vào TP.HCM nhập học khoa Hóa của trường ĐH Khoa học tự nhiên,  ba má gom góp mãi mới được một triệu đồng. Đôi tay gầy, chai sạn vì sương gió của ba A, ông Đặng Ngọc Thọ run run, xoa đầu bé út, dặn “ráng học nghen con”.  

 

VÀ GIẤC MƠ VƯƠN RA BIỂN LỚN

 

Học bổng “Tiếp sức đến trường”  năm 2004, của báo Tuổi Trẻ là phần thưởng lớn bằng tiền đầu tiên trong đời Ngọc A được nhận. Cô bé đã tính toán chi li từng đồng để trang trải cho học kì đầu tiên. Sự khó khăn của gia đình và tình cảnh túng thiếu mà không dám gọi điện về nhà xin tiền luôn làm cho A trăn trở, thậm chí có lúc bế tắc. Ý nghĩ làm sao có thể tồn tại và tiếp tục thực hiện ước mơ cứ quấn lấy A. Bài học đắt giá được A “chắt” ra từ những ngày chiến đấu mì tôm ròng rã tại kí túc xá ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh là: “Điểm số cao trên giảng đường cũng có thể hái ra tiền và nuôi sống mình”. Vậy là Ngọc A bắt đầu đi săn học bổng. 

 

Từ  những học bổng khuyến khích học tập trong trường, học bổng của Trung tâm luyện thi Alpha của Qui Nhơn, đến các học bổng các tổ chức khác trong và ngoài nước…, Ngọc A đều thử sức. Ba năm học ở TP.HCM, mặc dù không nhận một đồng viện trợ nào từ gia đình, nhưng bằng tiền dạy thêm, và nhất là tiền học bổng, Ngọc A đã tự nuôi mình. “Bạn bè nói tôi sao mày lấn sân quá vậy, học bổng nào cũng dành đất hết. Nhưng thật ra, vì không có tiền sinh hoạt và đóng học phí, nên tôi mới “tham” như vậy”, - A tâm sự. 

 

Năm 2007, đang là sinh viên năm 3 xuất sắc của ĐH Khoa học tự nhiên, Ngọc A nhận tin vui là một suất học bổng Linnaeus Palm của SIDA (chương trình hợp tác trao đổi SV giữa các trường ĐH của Thụy Điển và Việt Nam). Nhanh chóng  chớp lấy cơ hội, cô bé nghiễm nhiên trở thành nghiên cứu sinh của Đại học Ume, Thụy Điển. Cái nghèo của gia đình, và sự tự lập từ nhỏ của bản thân cũng là cơ hội để Ngọc A sớm  rút ra những bài học quí giá: “Gia cảnh khó khăn không phải là sợi dây trói. Nó sẽ là kinh khí cầu cho những ai bằng ý chí, khối óc và đôi chân, muốn bay lên”. Và câu  “Nothing is impossible” (không có gì là không thể) đã theo cô bé suốt chặng đường “vượt nghèo” để hiện thực hóa ước mơ “đổi đời”. 

 

Tự nhận là một người có suy nghĩ độc lập, quyết đoán và ham học hỏi, sau khi lấy bằng Thạc sĩ Hóa học ở Thụy Điển, Ngọc A dự định sẽ học tiếp lên Tiến sĩ vào năm 2010.

  

HÀ KIỀU MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sinh viên “kinh doanh” ý tưởng
Thứ Sáu, 05/02/2010 16:30 CH
Sống đẹp
Thứ Sáu, 05/02/2010 09:20 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek