Các bệnh về da, đường hô hấp, bị tổn thương do máy móc, nông cụ... đó là những tai nạn thường gặp đối với lao động nông thôn, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với phân bón, hóa chất dùng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, bất chấp những khuyến cáo của các ngành chức năng, đa số nông dân vẫn hững hờ với việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Nhiều nông dân ít chú trọng bảo hộ lao động khi phu thuốc trừ sâu. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Cánh đồng rau, quả xanh tốt ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (Tuy An) hàng ngày cung cấp cho TP Tuy Hòa và nhân dân quanh vùng rất nhiều rau xanh, đang hối hả làm vụ mới. Tưới nước, bón phân, phun thuốc diệt cỏ... mọi người miệt mài với công việc đồng áng, nhưng ai nấy đều có một điểm chung là không mang bảo hộ lao động.
Ông Nguyễn Văn Long cũng như nhiều nông dân khác đang làm đồng, đều không mang khẩu trang, cũng không mang găng tay hay kính mắt, đang vô tư phun thuốc diệt cỏ, mùi hóa chất theo gió xộc lên tận đường quốc lộ 1. Dừng tay ít phút nói chuyện với chúng tôi, ông cho biết: “Hoa màu nào từ khi trồng đến thu hoạch mà chẳng phải phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ mấy lượt, ngửi mãi rồi cũng thành quen. Hôm nào bà xã nhắc thì nhớ đeo khẩu trang, còn quên thì thôi cứ thế này cho đỡ vướng víu”. Qua trò chuyện cũng như lo ngại của chúng tôi khi hỏi về an toàn lao động, ông Lê Quang Nhuận, một nông dân xã An Hòa đang trồng rau, ớt ở xã An Mỹ giãi bày: Mỗi lần ra đồng mà lại mang mọi thứ quần áo bảo hộ, mũ nón, khẩu trang, găng tay... thì mất thời gian và vướng víu lắm. Do vậy, ít khi tôi dùng bảo hộ, nếu có chỉ xỏ chiếc áo dài tay cho đỡ nắng thôi.
Không riêng ở xã An Mỹ mà hầu như ở bất cứ vùng nông thôn nào trong tỉnh, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nông dân làm việc trong tình trạng không bảo đảm an toàn vệ sinh lao động như thế. Việc hững hờ với chính sự an toàn của bản thân cũng là nguyên nhân chính để các nông dân thờ ơ luôn với sức khỏe của cộng đồng. Khi chai lọ, hộp đựng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu dùng xong, thì họ vứt ngổn ngang ngay bờ tại ruộng, kênh mương, để chúng ở đó từ ngày này sang ngày khác.
Bác sĩ Đoàn Văn Hải, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên cho biết, thực trạng mất an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp đang diễn ra phổ biến và rất đáng lo ngại. Đời sống ngày càng cao, thì con người sản xuất ra máy móc, phân bón hóa học ngày càng “nặng đô” có tác dụng cao với cây trồng, diệt được nhiều loại sâu, cỏ gây hại hoa màu. Người nông dân cứ thế mua về sử dụng, bất chấp quy tắc nghề nghiệp thì những nguy cơ ảnh hưởng cho sức khỏe người lao động trong nông nghiệp sẽ càng lớn. Thế nhưng phần lớn nông dân lại chưa hiểu biết đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động và chưa có ý thức tự bảo vệ mình. Chính vì thế mới có tình trạng mua và phun thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, không sử dụng bảo hộ lao động khi tiếp xúc với hóa chất, phân bón hóa học; chai lọ, bao đựng thuốc trừ sâu, trừ cỏ dùng hết là vứt bữa bãi; thậm chí dùng chưa hết thì mang về để dành ở góc nhà.
Theo thống kê của Cục Môi trường và Y tế cho thấy mỗi năm ở nước ta có trên 20.000 trường hợp tai nạn lao động trong nông nghiệp với hơn 1.500 trường hợp tử vong. Tai nạn do “bệnh nghề nghiệp” thường gặp ở người lao động trong nông nghiệp chủ yếu là nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, tổn thương do dùng máy móc chưa đúng cách và nhiều sự cố khác khi làm nông.
Trước nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp như hiện nay, thiết nghĩ bà con nông dân nên ý thức việc trang bị bảo hộ lao động; các ngành chức năng nên hướng dẫn cho nông dân biết cách bảo vệ sức khỏe cho mình, cho cộng đồng và bảo vệ môi trường khi tham gia sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết. Tự ý thức cao để tránh những hiểm họa, rủi ro, tai nạn khi tham gia sản xuất nông nghiệp là điều cần làm ngay.
NGUYỄN TIẾN THÀNH