Việc lắp đặt hệ thống ngầm như cống thoát nước, cáp quang, hố gas… trên các tuyến phố là điều cần thiết để cải tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày một tốt hơn. Thế nhưng, hiện những con đường rất đẹp như Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa)… đang bị đào lên, tạo thành những con lươn gồ ghề lượn dài trên các tuyến đường và cả những “ổ voi”, “ổ gà”… Điều này không những làm mất mỹ quan của đô thị, mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông của người dân.
Đoạn đường Hùng Vương đá sỏi vương vãi trên mặt đường đã lâu nhưng chưa được đơn vị khi công hoàn tất - Ảnh: T.THÀNH
Việc các nhà thầu thi công hệ thống ngầm “lơ là” không đậy nắp hố ga, không gắn biển báo, rào chắn công trình và sau khi làm xong, đá dăm rải khắp mặt đường… không còn là chuyện lạ với người dân. Ví dụ như đoạn đường từ khách sạn KaYa đường Hùng Vương đến Công ty cổ phần in Phú Yên, đường Lê Lợi…, đường bị cắt lớp bê tông nhựa, sau khi làm xong, các nhà thầu đổ lên mặt lớp đá sỏi bằng ngón tay cái lổm chổm, nham nhở cả một tuyến đường đẹp, nhiều hố “chưa kịp” đậy nắp, rất nguy hiểm. Anh Nguyễn Quang Thịnh, nhà ở ngay mặt đường Hùng Vương than phiền: “Công trình này thi công hơn bốn tháng nhưng vẫn chưa xong, trước mặt nhà tôi ở đường nham nhở; mỗi khi xe đi qua khiến bụi tung mù, đá sỏi văng vào nhà, lúc mưa xuống thì nhớp nháp, có người đi xe máy bị ngã vì trượt trên đất đá, người dân chúng tôi rất bức xúc”. Những nơi đường san lấp không bằng phẳng như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân. Bên cạnh đó, việc đào đường, làm công trình kéo dài nhiều ngày, khiến cho những hộ ở mặt đường bị ảnh hưởng tiếng ồn, sự rung lắc của các loại máy móc trong quá trình thi công…
Việc làm đường và hệ thống ngầm ở các đô thị cần có sự phối hợp giữa các ngành liên quan như giao thông, điện lực, cấp thoát nước. Cơ quan có thẩm quyền cũng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, nhất là trong việc cấp giấy phép đào đường…
NGUYỄN TIẾN THÀNH