Chỉ còn đúng một tuần lễ nữa (1/1/2020), Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019 chính thức có hiệu lực. Luật này đi vào cuộc sống, hy vọng sẽ thiết thực kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) vốn đang gây bức xúc lâu nay trong đời sống xã hội.
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHCRB) 2019 có nhiều điểm mới, nếu được thi hành triệt để sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực rất mạnh mẽ và tác động tốt cho cộng đồng. Đó là đã uống rượu bia thì không được lái xe; cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia; phải dán thông báo không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi; quán nhậu, nhà hàng hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia; không mở mới điểm bán rượu bia gần trường học, bệnh viện; các gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu bia; không quảng cáo rượu bia dưới 5,5 độ trong khung giờ vàng…
Thăm dò ý kiến một số người dân ở các địa phương trong tỉnh, điều dễ thấy là bà con rất đồng tình với việc ra đời của Luật PCTHCRB. Anh Nguyễn Thành Vinh (khu phố Trần Phú, phường 7) cho biết: Luật ban hành đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là khi cảnh sát giao thông thường xuyên tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của những người đã sần sần rồi mà cứ phóng xe máy nghênh ngang trên đường, dễ gây nguy hiểm cho bản thân và nhiều người khác.
Còn chị Trần Ngọc Hậu (khu phố Lê Thành Phương, phường 8) phấn khởi nói: Là người vợ, người mẹ, tôi ủng hộ quy định “đã uống rượu bia thì không được lái xe”. Em rể tôi là chủ một doanh nghiệp nên thường hay đi tiếp khách, lần nào cũng lái xe về nhà trong trạng thái tưng tưng rất nguy hiểm. Tôi chỉ mong bên cạnh xử phạt đủ sức răn đe, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền vấn đề “không được lái xe sau khi uống rượu bia” sao cho đạt hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, các gia đình phải cùng nhau nhắc nhở để người trong nhà, bà con, dòng họ thực hiện tốt quy định này. Có như vậy thì mới mong giảm dần tai nạn giao thông để nhà nhà được sống trong yên vui, hạnh phúc.
Để Luật PCTHCRB được triển khai đạt kết quả, mọi công dân cần phải tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của luật, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông như mong muốn của mọi nhà, mọi người.
1. Mức phạt nồng độ cồn đối với xe máy:
- Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
- Phạt tiền 3-4 triệu đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ về ma túy, nồng độ cồn; hoặc điều khiển ô tô tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3-5 tháng.
2. Mức phạt nồng độ cồn đối với ô tô và các phương tiện giống ô tô:
- Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
- Phạt tiền từ 7-8 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3-5 tháng.
- Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ về nồng độ cồn. Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 4-6 tháng.
(Nguồn: Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ, đường sắt) |
TRẦN VŨ TRIỆU