Chủ Nhật, 22/09/2024 12:27 CH
Giả làm người khuyết tật
Thứ Hai, 23/12/2019 06:00 SA

Buổi chợ chiều cuối tuần đông nghịt người. Khi đang đứng ở gian hàng thịt, bỗng dưới chân tôi có ai khều nhẹ, nhìn xuống là một người khuyết tật ngửa chiếc mũ lưỡi trai xin tiền.

 

Tôi định lấy chiếc ví cho anh ta vài chục ngàn đồng nhưng cô hàng thịt nháy mắt ra hiệu đừng đưa. Người ăn xin tần ngần giây lát rồi bỏ đi, đầu ngoái lại nhìn cô hàng thịt với vẻ khó chịu. Đợi anh ta khuất hẳn trong dòng người đông đúc, cô hàng thịt mới từ tốn nói: “Không phải là cô không khuyến khích làm việc thiện, nhưng đừng đặt sai chỗ nghen con. Gã đó có tật nguyền gì đâu. Hắn trùm hai chân lại như bị liệt, rồi lết đi ăn xin. Chiều tối là hắn đi bình thường, tụ tập với mấy ma men để nhậu nhẹt. Ở chợ ai mà không biết hắn lành lặn, chỉ những khách đi chợ là không biết được sự thật”. Tôi chỉ biết cười trừ. Cô hàng thịt còn khuyên tôi lần sau không nên cả tin như vậy và nếu không tin những gì cô nói thì có thể theo sau gã ăn xin đó để kiểm chứng.

 

Thực ra câu chuyện giả tật nguyền đã được báo chí phản ánh rất nhiều và bản thân tôi cũng bắt gặp nhiều trường hợp. Nhưng giả khuyết tật, lết trên con đường gồ ghề đến mòn da thịt, tươm máu thì đây là trường hợp đầu tiên. Có lẽ vì tiền nên anh ta bất chấp tất cả, kể cả sức khỏe của mình. Bên trong chiếc mũ lưỡi trai cũ kỹ ấy, rất nhiều tờ tiền polyme mệnh giá 50.000 đồng. Xã hội thời nay thật lắm chiêu trò nên lòng người trở nên sắt đá hơn, nghi ngờ lẫn nhau. Cũng vì những kẻ thế này mà những người khuyết tật thật sự bị xua đuổi, nghi ngờ. Rồi từ đó các mạnh thường quân ghét bỏ không muốn giúp đỡ người khuyết tật nữa vì họ sợ giả mạo, lừa gạt. Tất nhiên làm việc thiện thì không nên kể công, không nên tính toán nhưng sẽ rất sai lầm khi niềm tin đặt sai người: vừa lãng phí, vừa dung dưỡng cái xấu. Và nếu không lên án cái xấu thì chính bản thân chúng ta gián tiếp cổ xúy, khiến những kẻ lười lao động nhưng muốn hưởng thụ cứ tiếp tục tung hoành. Vì vậy, rất cần sự can thiệp nghiêm khắc từ phía cơ quan chức năng để chấm dứt tình trạng này. Bởi đây chẳng khác nào hành vi lừa gạt, gây bất ổn xã hội.

 

Nói về bản thân những người giả khuyết tật, các bạn có biết không, rất nhiều người khuyết đôi tay, đôi chân, không muốn là gánh nặng xã hội, vẫn ngày đêm lao động bằng cách đi bán vé số dạo, đánh giày... Có trường hợp họ đi đứng rất khó nhọc, vẫn kiếm từng đồng lời ít ỏi từ vé số dạo. Họ khao khát được lành lặn, được lao động bình thường, hòa nhập với mọi người nhưng thật khó khăn. Vậy cớ gì các bạn lành lặn lại đi giả làm người tật nguyền? Hưởng thụ từ số tiền lừa gạt đó chẳng những không giàu sang mà còn làm cho bản thân đớn hèn, lười biếng, sa đà vào những thú tiêu khiển tiêu cực. Rồi một ngày xã hội phát hiện ra sự lừa lọc ấy, liệu các bạn có được chấp nhận không? Đời vô thường lắm, hãy làm việc có ý nghĩa khi ta còn có thể.

 

TRẦN THÁI HỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tăng cường kiểm tra nồng độ cồn
Thứ Năm, 19/12/2019 09:49 SA
Xếp hàng nơi công cộng
Thứ Hai, 16/12/2019 09:50 SA
Dành thời gian chơi cùng con trẻ
Thứ Năm, 05/12/2019 11:16 SA
Khi con khó dạy
Thứ Hai, 25/11/2019 08:57 SA
Cảnh báo nạn bẫy chim yến tràn lan
Thứ Năm, 21/11/2019 07:00 SA
Nghe điện thoại dọa, nhớ báo công an!
Thứ Hai, 18/11/2019 09:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek