Cuộc sống bận rộn và những lo toan khiến cha mẹ đôi khi không thể dành trọn vẹn thời gian chơi cùng con cái. Hệ quả là những “đứa trẻ smartphone” nhan nhản khắp nơi, không chỉ ở thành phố mà cả ở nông thôn.
Chị N.T.H.M ở phường 5, TP Tuy Hòa làm nghề hớt tóc, gội đầu. Công việc bận rộn, không có thời gian chăm con nên chị thường mang con đến tiệm, treo võng cho con nằm chơi và mở hoạt hình trên điện thoại cho con xem. Một ngày, bỗng chị M nhận thấy con không mấy phản ứng với tiếng gọi của mẹ, chị nói chuyện nhưng dường như con không hiểu ý và chỉ thét lên khi đòi hỏi điều gì đó. Dẫn con đi kiểm tra, chị mới tá hỏa khi bác sĩ cho biết vì lâu nay, chị cho con tiếp xúc với điện thoại quá nhiều, bé chỉ nghe tiếng nước ngoài mà các nhân vật hoạt hình nói với nhau nên không nghe hiểu lời mẹ nói. Bác sĩ khuyên chị đưa con đến những lớp giáo dục hòa nhập và dành thời gian trò chuyện, chơi cùng con để con quen dần với tiếng nói và cách nói như bình thường.
Chị N.H.T.V ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa cũng thường cho con xem các clip thiếu nhi trên youtube những lúc cần thời gian để làm việc nhà. Lâu dần, thấy con chăm chú xem điện thoại, không đòi mẹ chơi cùng như mọi khi nên chị phó mặc con với smartphone để mình có thêm thời gian nghỉ ngơi. Trong nhà chị, hình ảnh con xem youtube, mẹ lướt facebook, mỗi người một khung trời riêng không phải là hiếm. Năm nay, con chị V hơn 4 tuổi, biết đếm từ 1-10 bằng tiếng Anh trước khi biết nói: một, hai, ba, bốn...; nhìn thấy trái táo thì gọi “apple”, thay vì gọi “táo” như bình thường. Nhiều người tới chơi, thấy vậy bèn khen con chị giỏi, còn nhỏ mà đã biết nói tiếng Anh. Nhưng chị V chỉ cười gượng, vì chị hiểu đây là hệ quả của việc mình mải mê việc riêng, vứt điện thoại cho con chơi nên bây giờ cháu mới như thế.
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ muốn rảnh rỗi yên thân làm thêm, làm việc nhà hay đơn giản là tán gẫu trên mạng, lướt facebook nên mỗi khi con ỉ ôi, mè nheo, khóc mếu là đưa điện thoại ngay cho con chứ không tìm cách dỗ dành hoặc chơi với con để thu hút sự chú ý của bé về hướng khác. Lâu dần, trẻ sẽ nghiện điện thoại, dẫn đến lười vận động, mệt mỏi, lờ đờ, luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu khi cha mẹ đòi lại điện thoại không cho xem tiếp. Nhận thấy những tác hại đó, một số bậc cha mẹ đã cố gắng “hạn chế” bằng cách đưa con đến khu vui chơi thiếu nhi ở nơi công cộng để bé chơi cùng bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, khi đến đây rồi thì cảnh con chơi cứ chơi, ba mẹ lướt điện thoại cứ lướt cũng không phải là hiếm. Như vậy thật ra, đưa con đi chơi chỉ là tách con ra khỏi điện thoại, ti vi hay máy tính bảng trong phút chốc thôi, còn sự gắn kết mẹ - con, cha - con vẫn chưa hình thành.
Theo các chuyên gia tâm lý, từ 0-6 tuổi, trẻ học mọi thứ qua trò chơi. Khi được cha mẹ quan tâm, dành thời gian chơi với mình, đứa trẻ cảm thấy được an toàn, tinh thần thoải mái, vui vẻ. Trẻ được vận động toàn thân khi chơi cũng là phát huy tốt nhất những tiềm năng của trẻ. Về phần cha mẹ, khi chơi cùng con, cha mẹ sẽ có thời gian quan sát và hiểu được tính cách của con; đồng thời sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ, góp phần vun đắp tình yêu thương, hình thành cảm giác tin cậy, gắn bó trong mối quan hệ cha - mẹ - con...
Trong cuộc sống hiện đại, vì bận rộn mà nhiều cha mẹ không có thời gian chơi cùng con cái. Họ không biết rằng mình đang bỏ lỡ cách thức tuyệt vời nhất để giúp trẻ phát triển một cách lành mạnh. Nếu thực sự dành thời gian chơi cùng con thì dù chỉ 5 phút cũng vô cùng quý giá. Và nếu có thể, hãy dành nhiều thời gian cho con hơn để sau này không hối tiếc vì đã không ở bên con trong những ngày con còn thơ bé.
LÊ QUỐC HUY
(phường 5, TP Tuy Hòa)