Thứ Hai, 23/12/2024 09:08 SA
Tăng cường kiểm tra nồng độ cồn
Thứ Năm, 19/12/2019 09:49 SA

Cảnh sát giao thông TP Tuy Hòa kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: LƯU HẠNH

Chiều chủ nhật 15/12 vừa rồi, nhóm bạn cũ chúng tôi gặp nhau tại đám cưới con trai một người quen tổ chức tại khách sạn Công đoàn (đường Độc Lập, phường 7, TP Tuy Hòa). Đang “dzô dzô” rôm rả, bỗng một anh nhắc nhở: Bọn mình uống vừa phải thôi để còn tỉnh táo chạy xe máy cho bảo đảm an toàn, nhất là mấy bạn ở huyện Tây Hòa, Đông Hòa vì đường tối mà còn xa lắm! Rồi anh khác nói thêm: Nhớ khi lái xe phải vững vàng, đàng hoàng chớ cảnh sát giao thông mà gọi lại và đo nồng độ cồn là mất tiền triệu đó nha!

 

Tại Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có 13 hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó đáng chú ý là hành vi “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020

Rồi câu chuyện bất ngờ chuyển sang vụ đo nồng độ cồn. Anh T kinh doanh ô tô, xe máy cho thuê ở TP Tuy Hòa, khẳng định đây là việc cần làm vì thiết thực góp phần ngăn chặn, kéo giảm tai nạn giao thông.

 

Anh phân tích: Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu nồng độ cồn vượt mức cho phép, người điều khiển mô tô, xe máy hoặc ô tô sẽ bị phạt từ 1-18 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe trong nhiều tháng. Biện pháp “đánh” vào kinh tế và phương tiện sử dụng có nặng như vậy mới khiến những người vi phạm giật mình để lần sau không dám tái phạm nữa. Anh cũng cho biết mình thường khuyến cáo khách thuê không nên lái xe sau khi uống rượu bia để khỏi phải bỗng dưng mất tiền và nhất là gặp tai nạn.

 

Trong khi đó, anh V, một giáo viên về hưu thì không đồng tình lắm vì cho rằng “đột ngột chặn xe của nẫu lại để kiểm tra nồng độ cồn sao phản cảm quá”. Và V đề xuất cần có biện pháp nào đó nhẹ nhàng và văn minh hơn đối với các đối tượng có hơi men khi lái xe?!

 

Nhưng nhìn chung, ý kiến ủng hộ đo nồng độ cồn vẫn chiếm đa số trong bàn tiệc. Một anh bạn kể lại chuyện báo đăng vào tháng 5/2018, khi cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh ra quân thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn đối với người đi ô tô, xe máy trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị thuộc quận Bình Thạnh. Đây là con đường gọi là “phố nhậu” của người dân thành phố vì các quán san sát nhau và lúc nào cũng đông khách.

 

Để đối phó, nhiều vị khách sau khi tàn cuộc lai rai phải “cố thủ” ngồi lại trong quán, chờ khi cảnh sát giao thông rút đi hết mới dám lấy xe ra về. Anh kết luận: “Khi đã biết sợ vì phải đóng nhiều tiền và không được dùng xe đi lại làm ăn, sinh hoạt, nhiều người mới thấy rằng cần phải uống rượu bia như thế nào cho phù hợp và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Nhưng đâu phải lúc nào, ai ai cũng nhận ra điều đơn giản mà có ý nghĩa thiết thực này. Vì thế, tôi hoàn toàn đồng tình với việc đo nồng độ cồn của lực lượng chức năng”. Rồi anh nhắc đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào tối 30/11 vừa rồi tại xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa). Sau một trận nhậu bí tỉ, trong trạng thái chập chập chờn chờn, Võ Duy Đô (32 tuổi, ở xã Hòa Hiệp Nam) lái xe bán tải chạy bạt mạng rồi gây nên thảm họa khiến 4 người chết và 3 người bị thương. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy Đô có nồng độ cồn rất cao: 0,74mg/l khí thở, chứng tỏ đã uống rất nhiều trước đó…

 

Lâu nay, tình trạng có người sau khi uống nhiều rượu bia rồi tự lái xe về nhà là rất phổ biến và rất khó ngăn chặn. Nguyên nhân là do tuy đã phừng phừng hơi men nhưng bản thân lại thấy mình vẫn “sáng suốt” và vẫn là “tay lái lụa”! Các chủ nhà hàng, quán nhậu thường không dám nhắc nhở “anh nên gọi taxi hay nhờ người nhà tới chở về, còn xe để đây tụi em giữ cho” vì sợ khách tự ái rồi nảy sinh kình cãi, sau này sẽ không đến nữa. Chủ quán nào biết quan tâm đến sự an toàn của khách thì trực tiếp gọi taxi để nhờ chở khách về nhà. Còn đám chiến hữu lúc tàn cuộc thì đa phần anh nào anh nấy cũng đã tưng tưng nên cứ xe ai người nấy chạy. Thành ra, chẳng có gì là lạ khi ra đường ta hay gặp không ít nam nhân mặt đỏ hơn mặt trời vẫn vô tư phóng xe ào ào hoặc may mắn hơn là nằm ngáy khò khò bên đường cạnh chiếc xe máy nằm lăn lóc gần đó.

 

Ngày 14/6 năm nay, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tại điều 5 của luật này có 13 hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó đáng chú ý là hành vi “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, việc cấm lái xe khi vừa uống rượu, bia đã chính thức được luật hóa và sẽ đi vào cuộc sống trong hơn 10 ngày nữa. Trong khi chờ đợi người uống rượu bia tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường hơn nữa việc đo nồng độ cồn của người điều khiển ô tô, xe máy, nhất là những người có biểu hiện say xỉn khi lái xe trên đường. Qua đó nhắc nhở, răn đe, cảnh báo cho cộng đồng, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba mặt để xây dựng cuộc sống an toàn và phát triển bền vững.

 

VĂN HỮU THÀNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xếp hàng nơi công cộng
Thứ Hai, 16/12/2019 09:50 SA
Dành thời gian chơi cùng con trẻ
Thứ Năm, 05/12/2019 11:16 SA
Khi con khó dạy
Thứ Hai, 25/11/2019 08:57 SA
Cảnh báo nạn bẫy chim yến tràn lan
Thứ Năm, 21/11/2019 07:00 SA
Nghe điện thoại dọa, nhớ báo công an!
Thứ Hai, 18/11/2019 09:22 SA
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Thứ Hai, 11/11/2019 06:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek