Hôm ấy, tôi đi chuyến xe buýt từ TP Tuy Hòa ra thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) để thăm cháu nội. Xe chạy được khoảng 10 phút thì một ông trung niên lấy thuốc lá ra hút rất tự nhiên.
Cô nhân viên soát vé thấy vậy, nhắc nhở: Để đảm bảo sức khỏe chung của hành khách, đề nghị bác tắt dùm ngay! Ông trung niên tỏ vẻ khó chịu nhưng thấy thái độ của cô nhân viên nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nên ngần ngừ. Một người ngồi bên cạnh lên tiếng: Cô ấy nói đúng đó, bác không thấy bảng cấm hút thuốc trên xe sao? Ngồi bít bùng thế này mà bác cứ nhả khói thuốc lá thì ai chịu cho nổi? Thế là ông vội vã dụi tắt điếu thuốc đang cầm trên tay.
Có thể nói đây là trường hợp phổ biến thường thấy trên xe buýt nhưng lại hơi bị hiếm hoi ở nhiều nơi khác, nhất là ở những địa điểm công cộng mà lâu nay đã có quy định nghiêm cấm hút thuốc lá hẳn hoi. Vào bệnh viện, việc bệnh nhân và người nhà (thậm chí có cả y sĩ, bác sĩ, nhân viên…) hút thuốc lá không phải là hiếm gặp. Ở trường học, việc giáo viên, cán bộ hút thuốc lá cũng không phải là chuyện cá biệt. Ở cơ quan công quyền các cấp, việc công chức, viên chức hút thuốc lá càng không phải là chuyện khó kiếm dù thời gian qua nhiều đơn vị đã thực hiện khá mạnh mẽ việc cán bộ, nhân viên hạn chế tiến tới bỏ hẳn việc hút thuốc lá. Vì sao như vậy?
Tất cả đều là do thời gian qua, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa được triển khai nghiêm túc. Ngày 18/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua luật này và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Luật quy định rõ chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn; xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá… Nhưng hơn 3 năm qua, do việc triển khai thực hiện chưa mạnh mẽ và đồng bộ nên hút thuốc lá vẫn còn là vấn nạn trong đời sống xã hội. Theo thống kê của cơ quan chức năng, dù luật đã có quy định xử phạt những người vi phạm nhưng trong thực tế cuộc sống hàng ngày, việc xử phạt này cũng rất khó và rất ít thực hiện theo kiểu “nói thì nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu”!
Tác hại của thuốc lá đối với môi trường sống của con người đã được nhiều nhà nghiên cứu khoa học chứng thực. Vấn đề là làm thế nào để việc phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới? Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh việc xử phạt người vi phạm theo quy định pháp luật, có ý kiến cho rằng nên học tập kinh nghiệm các nước đã thành công trong việc cấm hút thuốc nơi công cộng. Ở các nước này, bên cạnh việc phạt tiền người vi phạm quy định nơi cấm hút thuốc, thì họ còn mạnh tay xử phạt cả chủ nhà hàng, quán bar, khách sạn, quán ăn, quán cà phê… người có trách nhiệm quản lý nơi công cộng vì đã để việc hút thuốc xảy ra. Như vậy, những người có trách nhiệm mới tích cực nhắc nhở người dân không hút thuốc tại nơi có quy định cấm. Song song đó, nên có chế tài đối với người đứng đầu các cơ quan, trường học, bệnh viện… còn để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, nhân viên, học sinh… hút thuốc lá như cắt danh hiệu, hạ bậc thi đua chẳng hạn. Một vấn đề rất quan trọng là cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc hạn chế tiến tới bỏ hẳn hút thuốc lá. Nếu ở cơ quan công quyền mà thủ trưởng bỏ hoặc không hút thuốc lá thì sẽ tác động tốt tới cán bộ, nhân viên cấp dưới. Nếu ở trường học, bệnh viện, giám đốc, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, trưởng khoa, phòng… thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì dứt khoát nạn hút thuốc lá sẽ được triệt để khắc phục. Nếu trong gia đình mà cha mẹ, người lớn không hút hoặc kiên quyết bỏ hút thuốc lá thì con cháu sẽ gương mẫu noi theo.
Tóm lại, để hạn chế tác hại của hút thuốc lá, rất cần có nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ của cả cộng đồng thì mới có thể cải thiện mạnh mẽ được tình hình, góp phần tạo môi trường sống lành mạnh cho xã hội.
TRẦN VĂN HỢP
(phường 3, TP Tuy Hòa)