Có nhiều người con của Phú Yên đang đóng quân ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) ngày đêm kiên cường bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Một phần sức mạnh giúp những người lính luôn vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió chính là “hậu phương” nơi quê nhà. Đó là những người vợ, người mẹ tận tụy hy sinh, trung hậu, đảm đang. Với tình yêu thương mãnh liệt, họ đã góp sức cùng chồng con mình quyết tâm bảo vệ vùng trời, vùng biển và hải đảo của Việt Nam.
Chị Huyền bên hai cậu con trai thân yêu - Ảnh: T.HÀ
Sau khi kết thúc chuyến thăm quần đảo Trường Sa, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Huyền ở thôn Thọ Lâm (xã Hòa Hiệp Nam, Đông Hòa), được gia đình tiếp đón ân cần như đón những người lính đảo trở về. Vì thế, chúng tôi thêm hiểu nỗi nhớ và tình cảm của người vợ có chồng, người mẹ có con đang làm nhiệm vụ xa nhà. Chị Huyền kể khi anh Đỗ Mạnh Xuyến - chồng chị làm đơn tình nguyện công tác ở đảo, cũng là lúc biết mình mang thai đứa con thứ hai. Biết là vợ con sẽ vất vả khi không có mình bên cạnh, nhưng anh vẫn quyết tâm lên đường. Tháng 3/2010, anh Xuyến nhận lệnh đi công tác đảo Trường Sa Lớn, lúc đó hai con của anh chị là Đỗ Tiến Thịnh 5 tuổi, Đỗ Tiến Vương mới được 5 tháng tuổi.
Chị Huyền làm việc ở Văn phòng Đảng ủy xã Hòa Hiệp Nam. Các anh ở xã biết hoàn cảnh chồng chị công tác xa, luôn tạo điều kiện trong công việc. Bộn bề lo toan, vừa phải nuôi con vừa công tác nhưng chị luôn cố gắng đảm trách tốt mọi việc. Có lần cháu Tiến Vương bị ốm nặng, một mình chị đưa con đi khám, điều trị tận TP Hồ Chí Minh. Buồn vì không có chồng chia sẻ, nhưng những lúc nhìn con cất tiếng nói bập bẹ, hay những khi con chập chững biết đi mà chồng lại không được chứng kiến, chị càng thương anh hơn. Công tác ở đảo xa, anh chỉ có thể liên lạc và kết nối tình cảm với gia đình qua điện thoại. Cậu con trai Đỗ Tiến Vương chưa biết mặt mà chỉ được nghe tiếng nói của ba qua điện thoại hằng ngày. Nuôi con một mình vất vả, nhưng chị đã thay chồng xây được ngôi nhà cấp bốn khang trang. Chúng tôi hỏi chị: “Sức mạnh nào để chị chịu đựng, vượt qua muôn vàn khó khăn như vậy?”. Chị cười: “Từ khi cưới anh, tôi đã xác định là vợ của bộ đội thì phải biết chấp nhận hy sinh và sẽ mãi thủy chung chờ đợi. Tôi muốn là hậu phương vững chắc của chồng mình”.
Mới đây, chúng tôi lại có dịp đến thăm gia đình bà Lê Thị Thỏa ở thôn Liên Trì 2 (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), mẹ của anh Mai Phương Nam, đang công tác tại Trạm Khí tượng thủy văn đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Bà Thỏa kể, Nam học xong ra trường, nhận công tác mới được một năm, đến tháng 10/2010 thì viết đơn tình nguyện ra đảo nhận nhiệm vụ. Là người mẹ khi con công tác xa nhà, xa đất liền bà lúc nào cũng lo lắng và thương nhớ con. Bà Thỏa nói: “Anh chị của Nam đều đã có gia đình, thằng Nam là con út. Khi ở nhà, mọi việc trong gia đình nó đều đảm đương, từ việc chăm sóc ba đến làm vườn”. Bây giờ, Nam không có ở nhà, một mình bà phải lo cho chồng rất vất vả, Ông bị tai biến đã lâu nên không tự chăm sóc được bản thân, việc đi lại phải nhờ xe lăn. Vất vả là vậy, nhưng bà luôn động viên con trai yên tâm công tác. Khi chúng tôi hỏi điều bà mong muốn ở Nam là gì, bà trả lời nhẹ nhõm như không: “Tôi biết nó công tác ở ngoài đảo thường thiếu thốn tình cảm, vật chất và nhiều thứ khác. Nhưng khi Tổ quốc cần thì bản thân mỗi công dân phải biết hy sinh, các cháu à”. Bà nói chỉ cần Nam cưới vợ và sinh con để có cháu cho mình bồng là mãn nguyện lắm rồi…
Tạm biệt những người vợ, người mẹ lính đảo, chúng tôi ra về mang theo trong lòng hình ảnh của những người phụ nữ trung hậu, đảm đang với tình yêu thương mãnh liệt. Họ đã lặng lẽ góp sức cùng chồng, con mình quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
THANH HÀ