Chùa Thanh Lương tọa lạc tại thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn, huyện Tuy An), cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 10km về phía Bắc. Chùa nổi tiếng khắp vùng vì câu chuyện ly kỳ của pho tượng Quan Thế Âm. Tiết trời xuân se lạnh là dịp ta vãn cảnh chùa Thanh Lương tốt nhất.
Đại đức Thích Quảng Ngộ, trụ trì chùa Thanh Lương, kể lại: “Vào sáng sớm ngày 24/12/2004, một duyên sự trọng đại đã đến với chùa Thanh Lương: pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm bằng gỗ từ ngoài biển khơi trôi dạt vào Hòn Dứa, cách chùa không xa, được ngư dân phát hiện và báo cho chùa. Chùa thông báo đến chính quyền và tổ chức phật tử ra thỉnh về tôn trí. Tượng Phật dạt vào bờ trong tư thế đứng, giữa khe đá. Nhiều nhân lực và phương tiện được huy động nhưng không thỉnh được tượng về. Chỉ đến khi niệm đúng danh tính của Ngài thì có một con sóng rất lớn ập vào để trợ giúp”.
Pho tượng tuy không còn nguyên vẹn do sự bào mòn của thời gian và chìm ngấm dưới biển lâu năm, nhưng vẫn dễ dàng nhận ra nguyên bản dáng đứng của Bồ Tát Quan Âm. Từ đó đến nay, có rất nhiều cá nhân, đoàn thể trong và ngoài nước đến tham quan chùa và tôn trí pho tượng. Người ta không xác định được xuất xứ cũng như niên đại của tượng mà chỉ đoán khoảng hơn 100 năm. Đây là một hiện tượng hi hữu trong khu vực Đông Nam Á. Độc đáo hơn là hình ảnh Bồ Tát Quan Âm không có đôi bàn tay. Nhiều Phật tử có tâm đã ngỏ ý được phục chế pho tượng nhưng đại đức Thích Quảng Ngộ kiên định giữ nguyên hiện trạng. Phật tử nơi đây ít gọi là tượng Quan Thế Âm mà hay gọi là tượng Mẹ, biểu trưng đầy ý nghĩa cho người Mẹ phương Đông. Chi chít những vết hà biển đục lỗ rỗ trên bức tượng như nói lên rằng: Mẹ đã phải gánh chịu mọi nỗi khổ, hứng chịu nỗi đau trên thế gian này. Điều đó cũng chính là “hạnh” vị tha của Quan Thế Âm. Vẻ bề ngoài của bức tượng cũng mang một thông điệp: mọi chiếc áo đều bị rách nát bởi sự va đập của cuộc sống, nhưng pho tượng không mất đi màu trắng trinh nguyên. Phải chăng đó là hành trình Bồ Tát đạo?
Nói về tên chùa, đại đức Thích Quảng Ngộ bộc bạch: “Thanh Lương nghĩa là thanh thản và bình yên. Trong nhịp sống bộn bề này, đôi khi người ta muốn sống chậm lại, đến chùa vãn cảnh để thâm tâm được an lạc, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Cảnh trí nơi đây được bố trí theo ý nghĩa ấy để những thông điệp bình dị có thể len lỏi vào tâm hồn mỗi người”. Cái riêng của cảnh chùa là sự giao thoa giữa tâm và cảnh. Tâm cảnh viên dung thì thế giới mới tròn đầy, và mùa xuân thường tại khắp thế gian. Cảnh quan ở đây e ấp kín đáo, không lộng lẫy tân thời mà uy nghi trầm mặc như tính cách bình dị của người Phú Yên. Kiến trúc tâm linh của ngôi chùa thể hiện ngay ở con đường dẫn. Đi qua cổng chùa, ta sẽ bắt gặp ngay trước mắt bức tượng đức Phật Di Lặc với nụ cười an nhiên tự tại của một người như đã hiểu hết lẽ đời. Kế đến là không gian của đá, những hòn đá được đặt cạnh nhau tạo nên một thế giới riêng. Bên trái ngôi chùa, sen đang ngát hương như tô điểm cho bức tranh thêm sức sống. Mái tam quan được giữ nguyên vẻ cổ kính với mái ngói nâu đỏ rêu phong. Toàn bộ cảnh chùa như ẩn hiện dưới tán cây cổ thụ, tạo cho ta một cảm giác yên bình.
Người ta còn muốn tìm đến với ngôi chùa này vì muốn đàm đạo với đại đức Thích Quảng Ngộ, một nhà sư nhưng rất có tư chất nghệ sĩ. Nhà sư này tìm đến với thư pháp như là để tu tâm dưỡng tính, đó còn là con đường gắn với thiền học. Mỗi khi thấy tâm bấn loạn, phật tử thường tìm đến chùa để chiêm bái đức Phật và xin chữ người trụ trì. Các bức thư pháp mà đại đức Thích Quảng Ngộ viết thường được trích ra từ kinh Phật hay là thơ của các thi sĩ nổi tiếng. Nhiều người nhận được chữ của thầy rồi vịn vào câu thơ mà đứng dậy, vượt qua sóng gió của cuộc đời. Với tâm nguyện của phật tử nơi đây, Thanh Lương tự đang trở thành điểm hành hương mang giá trị tâm linh độc đáo của tỉnh Phú Yên.
PHẠM VĂN HỌC