Tháng Chạp, nắng rực vàng trải trên những bờ cát trắng. Khi những cánh én bắt đầu chao lượn trên nền trời xanh cũng là lúc con tàu HQ 996 chở quà tết đến với bộ đội Trường Sa. Vượt trùng khơi mênh mông, sau một đêm, một ngày rồi một đêm, tàu đến đảo đầu tiên - đảo Trường Sa Lớn - khi bình minh vừa ló dạng, trong sự chào đón nồng nhiệt của những người lính đảo.
Quà tết đến với chiến sĩ Trường Sa - Ảnh: X.HIẾU
Toàn bộ quân dân trên đảo có mặt đón đoàn. Sau những cái bắt tay, cái ôm hôn thật chặt, rất nhanh, toàn bộ “cơ số” hàng là tấm lòng của đất liền đã được những người lính chuyển nhanh lên đảo bằng những chiếc xe cút kít rất đặc trưng của đảo.
Trong niềm vui ngập tràn không thể nào tả xiết, những người “khách” đất liền được nghe những người lính Trường Sa kể về tết ở đảo xa…
Mặc dù ở giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, nhưng tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị của đất liền. Ngoài những con lợn béo, gà, vịt, ngan, ngỗng, bánh mứt… và nhiều thứ khác được mang ra từ đất liền, trong đó có cả mai vàng của miền Nam, đào Nhật Tân miền Bắc, hầu hết các đảo nổi đều nuôi được heo, gà, vịt, trồng rau xanh… nên thực đơn trong những ngày tết khá phong phú. 28 tết được coi là ngày tất niên của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Từ sáng sớm, cán bộ chiến sĩ tập trung thắp hương, tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ đảo. Tiếp đó là các phần việc: mổ lợn, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc… Trước đó, cán bộ chiến sĩ tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, cùng chỉnh sửa lại biển bảng theo nề nếp chính quy, tổng vệ sinh doanh trại cho thêm phong quang, sạch sẽ…
Khác với đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông - một loại cây chỉ mọc và sống trên đảo. So với bánh chưng được gói bằng lá dong hay lá chuối, bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông có hương vị rất riêng, rất đặc biệt. Vì ở cách xa đất liền hàng trăm hải lý, Trường Sa đón ánh bình minh sớm nhất nên tết cũng đến sớm hơn đất liền. Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ chiến sĩ quây quần đón giờ khắc thiêng liêng trước bàn thờ Tổ quốc. Không khí lâng lâng chờ giao thừa cũng giống như ở đất liền và văn nghệ là điều không thể thiếu đối với bộ đội, đặc biệt là với bộ đội Trường Sa. Tất cả cùng hát cho nhau nghe. Hát với cây guitare bên ánh lửa bập bùng. Hát với giàn karaoke vừa mới được đưa ra từ đất liền… Ai cũng hát bằng cả tấm lòng, át cả tiếng sóng vỗ bốn bề, làm vơi đi nỗi nhớ đất liền, đồng thời động viên nhau vượt lên những khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, cùng chắc tay súng nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Đặc biệt, để tết ở đảo không kém phần tươi vui như ở đất liền, cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy đảo còn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo cán bộ chiến sĩ tham gia, như thi gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả, thi làm báo tường xuân, làm cành đào, cành mai đẹp… giữa đảo này với đảo khác, đơn vị này với đơn vị kia… tạo không khí tết vui tươi, đầm ấm cho cán bộ, chiến sĩ.
Những “cành đào”, “cành mai” được “sản xuất” tại đảo, anh em chiến sĩ lấy cành mù u hoặc phong ba “tạo thế” rồi cắt hoa giấy gắn lên giống như hoa thật. Nhiều chiến sĩ lần đầu tiên đón tết tại đảo song không cảm thấy buồn vì tuy ở đảo nhưng cũng có đầy đủ hương vị của ngày tết cổ truyền. Đặc biệt, đã không còn cảnh phải canh cánh mong thư nhà để được đọc thư chung như những năm trước kia vì toàn đảo đã được phủ sóng Viettel; điện cũng đã sáng rực trên đảo lúc đêm về nên cán bộ chiến sĩ nào cũng cười tươi rạng rỡ như mùa xuân.
XUÂN HIẾU