Thời gian qua, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Mới đây, đã xảy ra liên tiếp 2 vụ XHTDTE ở huyện miền núi Đồng Xuân với 3 em bị hại, gây phẫn nộ trong dư luận. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn có hiệu quả những hành vi phạm tội nguy hiểm này?
Trẻ em là đối tượng mà xã hội cần quan tâm chăm sóc đặc biệt - Ảnh: MINH KÝ
Khi nghe tin người ta về xã để xử một vụ án hiếp dâm, cô bé TN ở Hoà Mỹ Đông (Tây Hoà) hỏi bà nội “Hiếp dâm là gì?”. Bà nội giải thích và suốt mấy tháng sau đó, TN luôn sống trong lo sợ khi em hiểu được những chuyện đã xảy ra với mình. Rồi TN kể lần lượt mọi chuyện, khi em bị ông già tuổi 77 ở cùng thôn nhiều lần dụ dỗ cho tiền, nhiều lần cưỡng đoạt bằng cách bịt mắt, bịt miệng và dắt đến chốn hoang vắng… Ông TMN, bố em TN, quá bức xúc đã làm đơn kiện. Ông xót xa nói: “Gia đình chúng tôi gặp phải chuyện đau lòng đến nỗi không biết giải quyết như thế nào. Còn cháu nó thì ngày càng suy sụp về tinh thần. Sự việc trên thật quá sức chịu đựng với đứa trẻ 12 tuổi! Chúng tôi rất mong pháp luật trừng trị nghiêm khắc kẻ ác tâm”.
Hai bé NQ (12 tuổi) và TT (9 tuổi) ở xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) không chịu nổi chuyện đã xảy ra với mình nên bàn cách trốn nhà ra đi. Các em bảo sợ mẹ biết chuyện sẽ đánh đập và xấu hổ với bạn bè. Thì ra 2 năm nay, ông NT đã từng có những hành vi đồi bại đối với các em. Có hôm ông ta cho hai đứa trẻ xem phim sex rồi bảo: Nếu cho làm “chuyện ấy” thì sẽ cho tiền….
Trẻ em khuyết tật cũng là đối tượng dễ bị xâm hại tình dục. Bé ML (12 tuổi) ở xã Xuân Long (Đồng Xuân) bị khuyết tật, em BN (14 tuổi) ở Hoà Xuân Đông (Đông Hoà) bị bệnh “đao” nhẹ đều trở thành nạn nhân của những kẻ mất hết tính người.
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số- Gia đình- Trẻ em Phú Yên cho biết, qua những lần tham gia hội thẩm nhân dân tại phiên toà xét xử các bị cáo XHTDTE, mới thấy người dân ít hiểu biết pháp luật, nhất là luật liên quan đến vấn đề này. Có bị cáo sau khi nghe toà tuyên 20 năm tù thì oà khóc, vì không ngờ mức án cao đến vậy (?!). Vợ một bị cáo ở xã Krôngpa (Sơn Hòa) khi nghe chồng bị phạt tù, đã khóc lớn và hỏi: “Chồng tôi đã bị bắt đền bò rồi, sao lại phải ngồi tù ?”. Họ không biết rằng, mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ đều bị nghiêm trị theo qui định của pháp luật.
Không chỉ có người lớn phải ra trước vành móng ngựa, một số trường hợp vị thành niên cũng vào vòng tù tội do XHTDTE, để lại nỗi đau cho gia đình và gây nhức nhối cho xã hội.
Theo bà Phạm Thị Tương Lai, hiện tại các ngành các cấp chưa có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên, chưa có biện pháp cụ thể để đẩy lùi tình trạng trẻ em làm trái pháp luật và phòng ngừa tội phạm XHTDTE, còn hạn chế trong khâu tổ chức các biện pháp nắm và giải quyết tình hình tội phạm này. Bởi vậy, các ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện chương trình đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác bảo vệ con cái, không để tội phạm lợi dụng sơ hở để gây án, đồng thời tiếp tục rà soát đưa vào diện quản lý nghiệp vụ các đối tượng tình nghi nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.
Các bậc cha mẹ cần quan tâm đặc biệt đến con trai trong độ tuổi dậy thì, không buông lỏng giáo dục và hướng các em vào các hoạt động vui chơi lành mạnh, thể dục thể thao. Đối với trẻ gái, cha mẹ nên biết cách bảo vệ con trước những cạm bẫy. Đặc biệt, các ngành chức năng tăng cường quản lý văn hoá phẩm chặt chẽ và tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho giới trẻ.
THU THỦY